10 bộ trang phục dân tộc ấn tượng nhất của Việt Nam
Chiêm ngưỡng 10 bộ trang phục dân tộc ấn tượng nhất của Việt Nam
Kinh
Trong 54 dân tộc Việt, dân tộc Kinh chiếm số lượng đông nhất, là dân tộc có nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời, đặc biệt là trang phục. Áo dài truyền thống là trang phục dân tộc nổi bật của người Kinh, thể hiện một phần linh hồn và văn hóa của đất Việt.
Chiếc áo dài được may theo kiểu xẻ hai tà, mặc cùng quần dài chấm gót. Trang phục này được thiết kế gọn gàng, ôm vừa vặn cơ thể. Hai tà trước và sau của áo kéo dài từ cổ xuống chân. Quần dài mặc cùng là kiểu quần ống rộng, giúp toát lên nét đẹp mềm mại và giữ cho người mặc sự thoải mái.
Theo thời gian, áo dài dần được biến đổi và cách tân cho hợp thời nhưng vẫn giữ được tinh thần kín đáo, tôn lên vẻ quyến rũ của người mặc. Kiểu trang phục này có thể đa dạng màu sắc, hoa văn. Cổ áo có thể là cổ cao, cổ tròn, cổ tim, thắt nơ hoặc nhấn nhá vài chi tiết cách điệu, tạo nên vẻ đẹp phong phú hơn cho người mặc.
Khmer
Trong nền văn hóa Việt Nam, trang phục là yếu tố quan trọng thể hiện bản sắc của từng dân tộc. Nếu người Kinh có áo dài truyền thống thì người Khmer có nhiều trang phục khác nhau dành cho các dịp khác nhau trong cuộc sống.
Vào ngày thường, phụ nữ Khmer mặc quần áo dệt bằng tơ lụa, có kim tuyến thuê hoa. Đây là kiểu áo tầm vông và váy xà rông tôn lên nét đẹp nữ tính, uyển chuyển. Ngoài ra còn kết hợp thêm “Sbay” – một loại khăn lụa cuốn chéo từ vai trái xuống sườn phải.
Khi đi chùa hoặc vào ngày lễ, Tết,…phụ nữ Khmer mặc xà rông có đính chuỗi hạt cườm, áo tầm vông dệt từ tơ tằm, sợi bông. Trang phục thường có màu vàng rực rỡ, phù hợp không khí hội hè. Riêng vào lễ cưới, trang phục cô dâu là áo dài màu vàng, đính hạt cườm và thuê kim tuyến vô cùng lộng lẫy.
Chăm
Người Chăm là dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người phụ nữ Chăm có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét văn hóa dân tộc. Cũng như người Kinh, người Chăm chọn áo dài truyền thống là trang phục dân tộc, mang vẻ đẹp thiêng liêng và cao quý. Thông thường, họ chỉ diện áo dài vào dịp cưới hỏi hoặc các lễ hội lớn.
Một bộ trang phục của phụ nữ Chăm truyền thống gồm áo dài, váy, dây thắt lưng chéo, dây thắt lưng ngang, khăn vấn đầu, trang sức đeo cổ và khuyên tai. Sự kết hợp cầu kỳ tạo nên một vẻ đẹp ấn tượng, thể hiện dấu ấn quyến rũ và duyên dáng cho phụ nữ người Chăm.
Có thể nói rằng, trang phục của đồng bào Chăm là một trong những bộ trang phục đẹp nhất của người Việt. Sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ chất liệu vải, kiểu dáng, màu sắc cho đến những hạt cườm óng ánh, dây thắt lưng rực rỡ, tạo nên vẻ đẹp kín đáo mà vẫn đầy gợi cảm cho người mặc.
H’Mông
Khi du lịch Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh người H’mông với kiểu trang phục truyền thống sặc sỡ màu sắc, thiết kế cầu kỳ. Điểm nhấn của trang phục này là các hoa văn nổi bật, tạo nên sự thu hút nhất định cho người mặc.
Những em bé H’mông trong trang phục truyền thống. Ảnh:Fittour
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người H’mông gồm váy xòe xếp ly, áo xẻ cổ, xà cạp và một chiếc mũ đội đầu. Bên cạnh đó, người dân còn mặc đính kèm các chuỗi hạt, đồng xu trên trang phục để tạo nên vẻ đẹp nổi bật.
Riêng trang phục dành cho nam giới được thiết kế đơn giản hơn. Đó là kiểu áo cổ tròn, trước ngực có đóng khuy. Để hợp với khí hậu vùng cao, áo sẽ may hai lớp để không bị lạnh khi mùa đông mà vẫn mát mẻ về mùa hè. Kiểu quần dành cho nam có cạp rộng, ống rộng và đũng quần thấp tạo nên dấu ấn riêng.
Tày
Trang phục dân tộc của người Tày mang nét đẹp đơn giản, ít sự cầu kỳ nhưng vẫn toát ra vẻ duyên dáng cho người mặc. Màu sắc chủ đạo của quần áo là đen và chàm. Cả trang phục của nam và nữ đều không thêu thùa, không rực rỡ. Tuy nhiên điểm nhấn thể hiện qua phụ kiện là thắt lưng đính xà tích, vòng cổ bạc.
Dù được thiết kế trên tinh thần tối giản nhưng quần áo người Tày vẫn có nét nổi bạt nhờ vào tạo hình thanh thoát, gọn gàng, tôn lên dáng vẻ nền nã của người phụ nữ. Tại Tuyên Quang, phụ nữ Tày diện 2 trang phục gồm: áo dài 5 thân mặc với quần và áo cánh ngắn mặc với váy.
Với việc không tập trung vào sự cầu kỳ của váy áo, người Tày tạo điểm nhấn qua trang sức. Họ thường đeo vòng tay, hoa tai, nhẫn, vòng cổ làm bằng bạc. Trong đó, vòng cổ phụ nữ Tày được chế tác rộng hơn so với các dân tộc khác. Vòng có màu trắng, tạo sự tương phản trên nền trang phục chàm, đen.
Thái
Nét đẹp của trang phục truyền thống người Thái thể hiện qua phong cách nhẹ nhàng, tôn lên vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ. Với làn da trắng đặc trưng, người phụ nữ Thái càng đẹp hơn khi diện váy suông dài, chân váy có thêu họa tiết thổ cẩm đẹp mắt, cầu kỳ.
Một bộ trang phục chỉn chu của người Thái gồm có áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, khăn, nón, xà cạp. Phụ kiện đi kèm thường là vòng cổ, hoa tai, vòng tay và xà tích. Trên quần áo người Thái, mỗi chi tiết mang một ý nghĩa riêng, dành cho người trẻ, người già, phụ nữ chưa chồng hoặc có chồng.
Ngày nay, quần áo của dân tộc này ít nhiều có sự cải tiến. Xưa kia các cụ thường mặc váy nhuộm chàm bằng vải xúc tự dệt. Còn ngày nay, phụ nữ Thái có thêm váy láng, váy nhung rất đẹp, tôn lên sự nữ tính và duyên dáng của đồng bào dân tộc Thái.
Dao Đỏ
Trang phục là yếu tố thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt Nam với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Trong số 54 dân tộc của người Việt, dân tộc Dao Đỏ được đánh giá là có trang phục truyền thống đẹp, ấn tượng. Phụ nữ Dao Đỏ rất xem trọng việc ăn mặc. Vì thế, quần áo của họ được may rất công phu, tỉ mẩn.
Áo dài màu đen hoặc chàm là trang phục quan trọng nhất của phụ nữ Dao Đỏ. Các họa tiết trang trí trên áo được thêu bằng chỉ đỏ nổi bật. Bên cạnh chiếc áo dài, người phụ nữ còn mặc một dạng áo như yếm bên trong để che ngực và bụng.
Trái ngược với sự cầu kỳ của trang phụ phái nữ, quần áo của nam người Dao Đỏ tương đối đơn giản, có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Riêng khăn đội đầu của cả nam và nữ đều giống nhau. Chiếc khăn được thêu với nhiều họa tiết trang trí bằng chỉ vàng, trắng, xanh lơ, chỉ đỏ tạo nên vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
Ê Đê
Không cần là người có nhiều kinh nghiệm du lịch Việt Nam hay phải ngang dọc khắp cả nước thì bạn vẫn có thể biết đến trang phục của người Ê Đê qua hình ảnh của hoa hậu H’Hen Niê. Cô là người đã diện trang phục truyền thống này khi trao lại vương miện cho hoa hậu Khánh Vân vào đêm chung kết Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019.
Trang phục dân tộc mà phụ nữ Ê Đê sử dụng là váy choàng quấn quanh eo, che nửa thân dưới. Riêng áo được thiết kế là loại áo chui đầu, xẻ ngang bờ vai trái sang vai phải. Áo khi mặc lên người sẽ ôm sát vào thân, không hở tà, tạo nên vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch.
Thông thường, quần áo truyền thống của người Ê Đê sẽ có màu chàm với điểm nhấn là hoa văn sặc sỡ. Nếu phụ nữ mặc áo và quấn váy thì đàn ông Ê Đê sẽ mặc áo, đóng khố. Ngoài ra, nhằm tạo thêm sức hút, người Ê Đê còn diện thêm trang sức bằng bạc, đồng và hạt cườm nổi bật.
Chơ Ro
Chơ Ro là một trong những dân tộc sở hữu trang phục dân tộc đẹp với màu sắc sặc sỡ kèm nhiều hoa văn, họa tiết. Trước đây, đồng bào Chơ Ro tự trồng bông và dệt vải, nhuộm sợi để may nên những bộ váy áo đậm chất truyền thống.
Váy dành cho phụ nữ Chơ Ro là kiểu váy kín, mặc cùng áo tay lỡ kiểu áo chui đầu ngày xưa. Trên vai, cổ, tay, ngực và thân áo có thêu nhiều hoa văn truyền thống. Ngoài ra, trên ngực áo còn gắn kèm những tua chỉ màu đặc biệt. Với váy áo dành cho lễ hội, người Chơ Ro trang trí cầu kỳ, công phu hơn.
Với phái mạnh, trang phục của họ là quần dài và khố đi cùng với nhiều kiểu áo từ tay dài đến không có tay. Bên cạnh áo quần, người Chơ Ro còn có nhiều trang sức như vòng kiềng, vòng cườm, dây thổ cẩm cuốn quanh trán cho các chàng trai trẻ, khăn bịt đầu cho nam giới trưởng thành.
Thổ
Ngày xưa, phụ nữ Thổ rất ít mặc váy. Dân tộc này thường chọn mua váy với người Thái nên trang phục chịu sử hưởng của người Thái. Tuy nhiên trang phục dân tộc Thổ vẫn toát lên nét đẹp rất riêng.
Váy của người Thổ gồm có gấu váy màu đỏ sẫm hoặc trắng, thân váy màu chàm, đen, chàm có các đường kẻ ngang. Riêng phần chân váy được trang trí bởi các hoa văn thổ cẩm hình thoi khá thú vị.
Người Thổ có kiểu khăn đội đầu màu trắng hình vuông đẹp lạ mắt, thắt lưng màu xanh hoặc đỏ. Về cơ bản, trang phục của người Thổ không cầu kỳ, nó thể hiện sự thoải mái và nhẹ nhàng, tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Mỗi dân tộc Việt Nam đều có trang phục truyền thống riêng rất đẹp và nổi bật. Trong đó trang phục của đồng bào người Kinh, Khmer, Chăm, H’mông, Tày, Thái, Dao Đỏ, Ê Đê, Chơ Ro và Thổ được đánh giá là đẹp, ấn tượng và có sự thu hút nhất.
Hà Phương/TH