5 địa điểm ở châu Âu và châu Á vừa được ghi danh Di sản văn hóa thế giới

0 269

Theo thông tin từ UNESCO, 5 địa điểm ở châu Âu và 1 địa điểm ở châu Á vừa được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Thế giới, trong đó có một di sản đa quốc gia, là 11 thị trấn liên quan đến suối khoáng nóng thuộc 7 nước châu Âu. UNESCO vẫn tiếp tục cập nhật danh sách này cho đến hết ngày 28/7.

Quyết định này được đưa ra tại kỳ họp thứ 44 của UNESCO tại thành phố Phúc Châu (Trung Quốc), diễn ra từ ngày 16 đến 31/7 theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch.

Các di sản thế giới mới bao gồm:

Khu vực văn hóa Ḥimā (A-rập Saudi)

Khu vực văn hóa này tọa lạc tại vùng núi khô cằn phía tây nam A-rập Saudi, nằm trên một trong số các tuyến đường caravan cổ của người A-rập. Khu vực văn hóa Ḥimā bao gồm một bộ sưu tập các hình vẽ trên đá, mô tả cuộc sống của cộng đồng người cách đây hơn 7.000 năm, với các hoạt động như săn bắn, hình vẽ mô tả động vật, thực vật và sinh hoạt.

Những bức họa trên đá tại Ḥimā. (Ảnh: UNESCO)

Nằm trên con đường caravan cổ, địa điểm này là nơi dừng chân của nhiều du khách cũng như các đội quân. Họ đã để lại nơi này những bản tranh khắc trên đá cho đến tận cuối thế kỷ 20. Đến nay, hầu hết chúng đều được bảo tồn trong tình trạng nguyên vẹn. 

Hệ thống chữ khắc trên đá cũng bao gồm nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, minh chứng cho sự phong phú của những tác giả từng ghé chân và để lại dấu ấn nơi này, như Musnad, Aramaic-Nabatean, Nam-Ả-rập, Thamudic, Hy Lạp và Ả-rập. Ngoài ra, khu vực chung quanh cũng lưu lại những di sản rất phong phú chưa được khám phá, như ụ đá hình tháp, các cấu trúc đá, mộ đá, tàn tích công cụ đá nằm rải rác và giếng cổ…

Địa điểm này là trạm dừng chân cổ xưa nhất được biết đến nằm trên con đường caravan cổ, với một chiếc giếng có niên đại ít nhất 3.000 năm được ghi nhận tại Bi’r Ḥimā, đến ngày nay vẫn cho nước ngọt.

Di sản thị trấn suối khoáng đa quốc gia

11 thị trấn suối khoáng ở châu Âu gồm Baden bei Wien (Áo); Spa (Bỉ); Františkovy Lázně (CH Séc); Karlovy Vary (CH Séc); Mariánské Lázně (CH Séc); Vichy (Pháp); Bad Ems (Đức); Baden-Baden (Đức); Bad Kissingen (Đức); Montecatini Terme (Italia); and City of Bath (Anh).

Tất cả các thị trấn này đều phát triển quanh khu vực suối khoáng tự nhiên. Những thị trấn nghỉ dưỡng khoáng nóng này minh chứng cho văn hóa spa truyền thống của châu Âu từ đầu thế kỷ 18 cho đến những năm 1930. Truyền thống này dẫn tới sự xuất hiện của các resort nghỉ dưỡng suối khoáng, tác động đến hình thái đô thị chung quanh các công trình liên quan đến spa như phòng trị liệu, hệ thống khai thác nguồn nước khoáng, vườn cây, các cơ sở giải trí như sòng bạc, nhà hát, khách sạn…

Tất cả những quần thể này đều được tích hợp vào một bối cảnh đô thị tổng thể bao gồm một môi trường trị liệu và giải trí được quản lý cẩn thận trong một cảnh quan đẹp. Cùng với nhau, các địa điểm này thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn và sự phát triển trong y học, khoa học và môn tắm trị liệu. 

Ngọn đèn biển Cordouan ở Pháp

Ngọn đèn biển Cordouan được xây dựng trên một cù lao đá ngoài biển cách đất liền khoảng 7 km, thuộc tỉnh Gironde, vùng Nouvelle-Aquitaine, gần với đoạn rộng nhất của cửa sông Gironde, được hình thành bởi hợp lưu của hai con sông Garonne và Dordogne đổ ra Đại Tây Dương. 

 Ngọn đèn biển. (Ảnh: Secret World)

Nằm trên một khu vực khá khắc nghiệt về thời tiết, ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1584 cho đến năm 1611, là ngọn hải đăng lâu đời nhất tại Pháp vẫn còn hoạt động, được mệnh danh là “Vua của các ngọn hải đăng”.

Ngọn đèn biển Cordouan là hải đăng đầu tiên được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Pháp vào năm 1862. Với chiều cao 68 mét, đây là ngọn hải đăng truyền thống cao thứ 10 thế giới. Công trình này được đánh giá là kiệt tác thời Phục hưng, là sự kết hợp của cung điện hoàng gia, nhà thờ và pháo đài, do kỹ sư Louis de Foix thiết kế, và được kỹ sư Joseph Teulère chỉnh sửa lại vào cuối thế kỷ 18.

Khám phá 5 địa điểm ở châu Âu và châu Á vừa được ghi danh Di sản văn hóa thế giới -0
Các chi tiết trang trí tuyệt đẹp trên ngọn đèn biển.( Ảnh: Internet)

Ngọn đèn biển Cordouan được coi là một kiệt tác với các hoa văn trang trí, đầu đỡ và các máng xối cổ. Nó được coi như sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc thế kỷ 17 và công nghệ của thế kỷ 18. 

Trung tâm nghệ thuật Mathildenhöhe ở Darmstadt, Đức

Trung tâm nghệ thuật của các nghệ sĩ Darmstadt đặt tại Mathildenhöhe được Ernst Ludwig, Đại công tước xứ Hesse thành lập vào năm 1897. Trung tâm đặt ở nơi cao nhất thành phố Darmstadt ở phía tây nước Đức, là nơi tập trung các phong trào cải cách mới nổi trong kiến trúc, nghệ thuật và thủ công. Các tòa nhà được xây dựng từ thời thuộc địa, với đôi bàn tay của các nghệ sĩ thành viên như một sự thử nghiệm môi trường sống và làm việc của chủ nghĩa hiện đại ban đầu.

Trung tâm được mở rộng ra trong các triển lãm quốc tế vào các năm 1901, 1904, 1908 và 1914. Ngày nay, nó là minh chứng cho kiến trúc hiện đại ban đầu, quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan, ảnh hưởng bởi phong trào nghệ thuật, thủ công và nhóm Ly khai Vienna. 

Các thành phần của Trung tâm nghệ thuật này bao gồm hai khu vực chính, với 23 thành phần như Tháp đám cưới (1908), Phòng triển lãm (1908), nhà nguyện kiểu Nga của Maria Magdalena (1897-99), Khu vườn Đền Thiên nga (1914)… cùng với 13 ngôi nhà và studio của các nghệ sĩ dành cho các nghệ sĩ trong nước và các triển lãm quốc tế. 

Tổ hợp bích họa từ thế kỷ 14 ở Padua, Italia

Địa điểm này bao gồm 8 tổ hợp tòa nhà tôn giáo và thế tục, bên trong thành phố Padua lịch sử có tường bao quanh, với các tòa nhà được trang trí bằng các bức bích họa có niên đại từ năm 1302 và 1397, mà tác giả là các nghệ sĩ với các mục đích sử dụng căn nhà khác nhau và bên trong các tòa nhà có chức năng đa dạng, nhưng phong cách, nội dung và nghệ thuật lại hoàn toàn thống nhất. 

Các bức bích họa này bao gồm loạt tranh bích họa tại Nhà nguyện Scrovegni của Giotto, được coi là đánh dấu khởi đầu của sự phát triển mang tính cách mạng trong lịch sử vẽ tranh tường, cũng như các loạt bích họa khác của các nghệ sĩ khác nhau, như Guariento di Arpo, Giusto de ‘Menabuoi, Altichiero da Zevio, Jacopo Avanzi và Jacopo da Verona. Loạt bích họa này minh họa cách thức nghệ thuật bích họa đã phát triển trong suốt một thế kỷ, cùng với động lực sáng tạo mới. 

UNESCO còn tiếp tục ghi danh các địa điểm vào danh sách Di sản Thế giới cho đến hết ngày 28/7.

Khánh Ly/TH