Truyện ngắn: Một nửa vầng trăng
Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Vẫn những cơn gió ùa ngang qua cánh đồng ngày mùa, rạ vẫn còn tươi roi rói, nước vẫn còn trong và trên cánh đồng rập rờn những cánh cò. Trong căn nhà nhỏ nằm trên bờ đê cô độc giữa buổi chiều chập choạng, hai bà cháu Hoài ngồi chụm lại, khói bếp lửng lơ len lỏi qua nóc nhà thơm nức trong bóng nắng cuối ngày.
Cơm nước xong xuôi, Hoài dọn nồi chén ra sàn nước. Nước chảy róc rách. Con sóng ngoài sông từng đợt vỗ vào bờ, càng mạnh hơn khi chiếc tàu cuối cùng của ngày chạy về xóm nhỏ. Sống giữa mảnh đất vắng vẻ buồn mênh mông này, niềm vui của Hoài là những câu chuyện cổ tích mỗi tối bà hay kể và chuyến tàu trên sông là niềm mong đợi lớn nhất của Hoài.
Hoài thích nhìn chuyến tàu chạy qua đoạn sông trước nhà. “Tàu đẹp lắm! Lớn lắm!”, Hoài nói vậy khi bà hỏi sao chiều nào cũng đứng dưới bến đợi tàu. Bà thì nói chiếc tàu mà bà nhìn thấy mỗi chiều nhỏ xíu, ngắn ngủn, cái ống khói bé tí teo bên trên nhả khói chậm rãi trắng đục. Trừ những người ngồi lum khum trước mũi, chỉ bến nhà để người lái tàu ghé đúng nơi, thì chẳng còn gì để bà ngắm. Dù bà nói vậy, trong thâm tâm của Hoài, chiếc tàu vẫn đẹp tựa như một con cá khổng lồ có hai con mắt sáng rỡ ở trước mũi, uy nghiêm tiến về xóm vắng. Hoài mê ngắm tàu trong những buổi chiều đến nỗi ngồi trên bãi cỏ ngóng cổ đợi, từ khi mặt sông còn phẳng lặng cho đến khi xuất hiện tiếng xình xịch động cơ quay đều, tiếng nước sục sạo. Rồi Hoài đứng dậy nhìn như nuốt chửng chiếc tàu vào trong lòng. Hoài thu vào mắt màu gỗ thâm trầm của tàu hòa cùng màu đỏ gạch của bầu trời chiều và màu đỏ nâu của nước sông khi hoàng hôn hắt xuống.
Bà nói chiếc tàu đó chạy ngang qua con sông này từ hồi bà còn là thiếu nữ, rồi biết yêu và sinh con. Mẹ Hoài lớn lên, từng chiều cũng ra bờ sông ngóng tàu y hệt như Hoài bây giờ. Cho đến một buổi chiều nào bà không nhớ rõ, mẹ Hoài theo chuyến tàu ấy mà đi, rời xa bà và Hoài. Bà mang máng nhớ hình ảnh chiếc tàu ghé lại sát bến nước, mẹ bước xuống, tóc mẹ xòa ra, bóng mẹ in theo bóng tàu. Bà từ cánh đồng chạy ra gọi mẹ nhưng tiếng bà bạt theo gió bay đi mất hút.
Từ đó bà vẫn thường để Hoài trên chiếc võng bên mái hiên để nó tự lắc lư theo gió, còn bà làm những việc lặt vặt quanh nhà như gom củi, trồng rau. Hoài ngoan lắm, ít khi khóc đòi mẹ, cũng không hay bệnh vặt. Hoài lớn lên như chim trời, như cây cỏ. Mấy mùa xuân đi qua trên cánh đồng đến đêm thường có một nửa vầng trăng soi sáng trong tiềm thức của Hoài, nửa còn lại mất hút. Hoài thấy mình như một nửa vầng trăng trên cánh đồng; nửa còn lại hoặc là mẹ, hoặc là chiếc tàu. Mẹ thì đi xa, còn chiếc tàu thì Hoài vẫn chưa một lần đặt chân lên. Vì thế, bên cạnh ước mơ được một lần nữa gặp lại mẹ trong cuộc đời, Hoài mơ được bước chân lên chiếc tàu có màu gỗ nâu trầm.
Mẹ Hoài đi theo chiếc tàu ấy, thì Hoài cứ lần theo đó mà tìm. Nhưng Hoài nào biết con sông ấy chảy về đâu, cả bà cũng không biết; bởi sông dài lắm, như cuộc đời. Sông trôi mang theo mẹ của Hoài và không bao giờ ngưng chảy. Sông chứa những chiếc tàu, có tàu gỗ màu nâu thâm trầm mà Hoài yêu. Giá mà chiếc tàu ấy dừng lại để Hoài ngắm thêm chốc lát. Hoài từng nghĩ vậy. Nhưng rồi ý nghĩ ấy vụt đi mất hút. Hoài không thể ích kỷ như vậy bởi đời tàu sinh ra là để chạy, cũng như có những người sinh ra là phải bôn ba ngược xuôi trong những chuyến đi cuộc đời. Tàu phải chạy để người muốn đi sẽ được ra đi, người muốn tìm sẽ có thể đi tìm, và người muốn về sẽ được ngồi trên một chuyến tàu quay về bờ cũ. Hoài vẫn tin rồi mẹ sẽ về, nên Hoài vẫn chờ. Dù nắng mưa, dù sóng gió, dù làm gì thì chiều chiều Hoài cũng ra bờ sông đợi chuyến tàu đi ngang qua phả khói trắng bảng lảng trên sông chiều. Trên bầu trời có cánh chim nghiêng nghiêng phiêu linh trong gió thổi.
Cánh đồng đi qua mùa xuân mơn mởn, đất đai tốt lành. Trong căn nhà có hai bà cháu Hoài sống những tháng ngày không quá chật vật, nhưng cũng không quá an yên, mỗi thứ chỉ dừng lại ở độ lưng chừng như một nửa vầng trăng nghiêng trong tiềm thức của Hoài. Trăng đang đợi chờ một nửa mảnh ghép còn lại trùng khít để ánh sáng của nó càng trở nên tinh khôi hơn, rực rỡ trong những đêm tịch mịch.
Người thì nói mẹ đi tìm ba. Người thì nói mẹ muốn sống nơi đông vui hơn. Còn Hoài vẫn đón đợi không sót một chuyến tàu nào. Bà hỏi Hoài có giận mẹ hay không, Hoài tần ngần. Có những buổi chiều Hoài đứt ruột tan gan vì nhớ mẹ. Khi thấy cánh chim chiều bay la đà tìm về tổ ấm, Hoài ước giá mà mình cũng giống như con chim được ngủ yên trong đôi cánh ấm áp yêu thương của mẹ. Bà nói đợi chờ chỉ thêm thất vọng, bà đã đợi người bà thương suốt mấy mươi năm trời, đợi từ khi tóc xanh cho đến khi tóc bà bạc trắng mà người vẫn chưa một lần quay lại. Bà không đợi mẹ, dù bà cũng thương mẹ, chắc vì bà sợ mình không chịu nổi thêm một chuyến đợi chờ, hy vọng rồi lại thất vọng nữa. Những cuộc ra đi của hai người quan trọng nhất cuộc đời bà đã tiếp diễn, liên miên trên bến sông này. Ðôi khi bà hờn dỗi: người ta mong cầu an vui chốn khác mà bỏ xa chốn này, quê nghèo chỉ còn là vệt ký ức mà họ chẳng đoái hoài nghĩ suy. Nhưng sau đó bà lại vuốt tóc Hoài, nói trong tiếng thở dài: Hoài đừng buồn, sẽ khổ.
Hoài vẫn nuôi hy vọng đoàn tụ. Con tàu không lớn lên như cuộc đời của Hoài, nhưng nó vẫn chảy trong tâm tưởng của Hoài. Con tàu mang theo bóng hình của mẹ. Thời gian trôi qua, nước sông ngấm vào từng thớ vỏ của chiếc tàu, nó bóng loáng lên từng ngày, nó đẹp hơn nhưng lặng lẽ và u buồn hơn. Bây giờ, điều mà Hoài lo sợ nhất có lẽ là sự biến mất của chiếc tàu và sự ra đi của bà. Mỗi lần ngồi nhổ tóc sâu cho bà, Hoài lại ướt đôi mắt. Bà như ngọn đèn trước gió, còn Hoài như cái cây lớn dần lên trên cánh đồng mùa xuân. Hoài đẹp như mẹ – bà nói vậy. Tóc Hoài dài, da dẻ trắng hồng, nắng không thể ngấm vào da Hoài như nước ngấm vào chiếc tàu ngang qua con sông chứng kiến từng đoạn đời của những người trong xóm.
Một buổi chiều Hoài đứng trên bến sông. Gió lất phất. Vầng trăng mọc sớm, nhưng chỉ nghiêng nghiêng một nửa và vẫn đẹp như mọi khi. Hoài bỗng thấy chiếc tàu chạy ngược, không xuôi chiều về xóm như từng ấy năm chiếc tàu vẫn chạy. Tàu ngược chiều, Hoài thấy không thuận mắt lắm, nhưng lại mang đến cho Hoài một niềm hy vọng. Hoài thấy bóng dáng một người phụ nữ ngồi cạnh ông lão trên mũi tàu ngóng về phía Hoài, với tay về phía Hoài. Hoài không nhìn rõ mặt vì cái màu đỏ ối của hoàng hôn phủ mờ tất cả, nhưng lòng Hoài vỡ ra. Nước mắt ứa thành từng giọt lăn dài trên đôi gò má. Chiếc tàu rẽ sóng. Hoài đứng ở bến, nghĩ thầm: Trời ơi, con tàu không ghé lại bến này chắc Hoài tan lòng nát dạ, đau hơn cả từng ấy năm đón đợi mong chờ.
Rồi chiếc tàu ngược từ từ cập bến. Hoài càng nức nở hơn. Ðúng thật là mẹ rồi. Mẹ đứng trên mũi tàu nhìn về phía Hoài. Chừng ấy năm Hoài chưa từng gặp mẹ, nhưng trong hình dung của Hoài về mẹ đúng như người đang đứng trước mũi tàu, cạnh ông cụ mà Hoài biết chắc đó là ông ngoại, vì nét mẹ hao hao giống người. Hoài gọi mẹ ơi, ông ơi. Hoàng hôn chập choạng, mẹ với ông bước lên trên bờ đất, chiếc tàu đi xa nhưng Hoài không thấy tiếc nuối, cũng chẳng hỏi tại sao mẹ đi chừng ấy năm trời, cũng không đủ thời gian để hỏi mẹ tìm được ông ở đâu. Bà hay nói với Hoài, sống là để thứ tha, nên Hoài đừng buồn, đừng giận nếu gặp lại mẹ. Hoài tin, bà cũng sẽ thanh thản hơn khi một lần được gặp lại ông trong đời…l