Chùa “trăm gian” Hà Nội nơi có rồng đá từ thời Trần
Chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn vào dịp cuối tuần và những ngày đầu xuân mới.
Chùa Trăm Gian, nơi có rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc cửa chùa
Chùa Trăm Gian là ngôi chùa cổ thuộc địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Sở dĩ gọi là chùa Trăm Gian, vì theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 104 gian.
Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.
Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần, trên bệ đặt các tượng Phật tam thế.
Trong chùa có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Tượng này được phát hiện vào năm 1972.
Ngoài ra, chùa Trăm Gian còn có một số hiện vật thuộc loại hiếm quý, đó là rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc cửa chùa, có thân dài mập nhưng ghép đầu rồng thời Nguyễn, hay bộ tranh La hán và tranh Thập điện được chạm nổi có kết hợp vẽ.
Suốt bao đời nay, chùa Trăm Gian được coi là một di sản độc đáo và cũng chính là một niềm tự hào của người dân Chương Mỹ. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.
Tổng hợp