Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân…’
Có thể nói, trong nghề đạo diễn sân khấu hiện nay, Hoàng Quỳnh Mai là một trong những cái tên được người trong nghề nể trọng. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng là nữ đạo diễn rất hiếm hoi với tài năng đặc biệt đã “bung tỏa” trên đủ loại hình sân khấu như cải lương, chèo, tuồng, kịch nói, kịch hát dân ca.
Là một người lúc nào cũng mang trong lòng một tình yêu với sân khấu đậm sâu đến lạ lùng, Hoàng Quỳnh Mai giống hệt như một câu Kiều của Nguyễn Du: “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, vẫn luôn hết mình với sân khấu mà không một lời thở than…
1.Chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi tiếp xúc với nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai bởi không ai có thể nghĩ một người con gái “liễu yếu đào tơ” với đôi mắt lúc nào cũng mở to lấp lánh và trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ kia lại là một “nữ tướng” trên sàn tập của các nhà hát.
Người ta nói rằng, phụ nữ làm đạo diễn sân khấu hay phim ảnh, thì cũng đều là đang làm nghề của đàn ông, bởi thế họ luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi những đồng nghiệp nam của mình.
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai nói rằng, chị không bao giờ muốn xuất hiện trước những “người lạ” trong thời gian chị đang dựng vở. Bởi vì những lúc ấy là lúc chị cảm thấy mình xấu xí nhất: “gầy đen như quỷ đói”, mắt trũng sâu, tóc xơ xác và rụng lả tả… Đó là những ngày ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng trăn trở, nghĩ suy và thao thức ngay cả trong những giấc mơ chập chờn…
Gần đây, những vở diễn như “Trọn nghĩa non sông” với đoàn chèo Thái Bình và “Trung thần” với Nhà hát Tuồng Việt Nam là những vở diễn về những nhân vật lịch sử khiến chị phải “lao tâm khổ tứ” nhất.
Giữa hai bến bờ mơ – tỉnh, có những ý tưởng lại lóe lên khiến chị bật dậy ghi vội lại trên tờ giấy hay trong điện thoại để ngay đầu giường. Có khi đến sáng hôm sau tỉnh dậy, chị lại đầy ngạc nhiên không biết mình đã viết ra những điều này lúc nào.
Đó là những ngày bỏ quên những áo váy lượt là nữ tính để xỏ vào quần sooc, áo ba lỗ, chân trần để sẵn sàng từ hàng ghế chỉ đạo “song phi” lên sàn tập như một mũi tên để chỉnh sửa kịp thời các lớp diễn cho diễn viên.
Chị cười bảo: “Những lúc như thế, tôi cảm thấy mình sao mà giống một người đàn ông, bao nhiêu nữ tính bay đi đâu hết cả!”. Nhiều lúc Hoàng Quỳnh Mai cũng ngạc nhiên về chính mình, cũng không biết lấy đâu ra sức lực mà làm việc hùng hục suốt ngày như thế. Có ngày chị Mai có đến 5 buổi tập, trong khi đó bình thường thì vốn là người chân yếu tay mềm, đến xe máy cũng chẳng biết đi.
Nói đến đây, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cười tít mắt: “Được cái, sau khi vở diễn thành công, Mai lấy lại được sức lực cũng nhanh lắm. Giống như người phụ nữ với cú rặn cuối cùng vắt hết sức lực để đón đứa con yêu chào đời, nhưng khi nhìn thấy con rồi, mọi nỗi đau đều biến mất. Mặc dù trong lúc dựng vở, đã nhiều lần nghĩ rằng: “Mệt thế này chắc làm nốt vở này thì nghỉ, bỏ nghề thôi chứ theo thế nào được nữa!”.
Ấy thế rồi công việc lại cứ đến tay, vở nọ tiếp nối vở kia. Chỉ có từ năm ngoái đến nay, do dịch COVID-19 nên công việc mới giãn ra một chút, bởi vì sân khấu chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch do việc phải giãn cách và không tập trung đông người. Nhưng năm ngoái cũng có niềm vui đó là Nhà hát Cải lương Việt Nam tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ IV và đoạt Huy chương Bạc!”.
2. Nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai lúc nào cũng vui vẻ, hoạt ngôn như thế. Lúc nào nói chuyện cũng miệng cười, mắt cười. Chị kể rằng, việc trở thành đạo diễn của chị cũng rất tình cờ, cứ như có bàn tay sắp đặt của số phận.
Vốn là học sinh chuyên văn Trường Phan Bội Châu, từng đoạt giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi Văn của tỉnh Nghệ Tĩnh và ước mơ trở thành phóng viên, nhưng rồi Mai lại trở thành diễn viên cải lương, vì năm đó thi đại học thiếu mất 1 điểm. Tuy thế, nhưng khi vào học rồi chị lại mê đắm bộ môn cải lương và trở thành một trong những đào chính của Nhà hát Cải lương Trung ương trong những năm cải lương Bắc còn đang hưng thịnh, được khán giả thương quý.
Năm 17 tuổi, Hoàng Quỳnh Mai đã bắt đầu được giao các vai nữ chính như vai Chiêu San trong vở “Cô gái Phù Tang”, Phượng trong “Lôi Vũ”, Quỳnh trong “Nỗi đau tình mẹ”, Nhâm trong “Điều không thể mất”… Ngoài ra, chị còn tham gia những vở diễn khác như “Trái tim người chị”, “Thời con gái đã xa”, “Ân ái với kẻ giết người”…
Đây đều là những vở diễn đều rất “đắt khách” một thời, có ngày phải diễn mấy suất, đến nỗi chẳng còn thời gian mà tẩy trang, để lại hậu quả là lớp da mặt của cô gái còn tuổi hoa niên ngày đó bị hỏng vì hồi đó chất lượng mỹ phẩm mà diễn viên dùng không được tốt như bây giờ.
Cô diễn viên Hoàng Quỳnh Mai cho rằng, đó cũng là một phần của cái “nghiệp” mà chị đã và đang mang trên vai, là cái giá mà chị phải trả cho những giờ phút được tỏa sáng huy hoàng trên sân khấu, được khán giả thương mến và những ngày nhà ngập trong những sắc hoa…
Thế nhưng, vốn là người học văn với một trái tim nhạy cảm, tâm hồn lãng mạn và lại rất ham đọc sách nên giấc mơ viết lách vẫn không ngừng đeo bám Hoàng Quỳnh Mai, chị lại đăng ký theo học biên kịch ở Trường Sân khấu Điện ảnh. Nhưng rủi thay, năm ấy trường lại không có đủ chỉ tiêu đào tạo nên trường không mở lớp biên kịch, mà chỉ có lớp đạo diễn, thế là Hoành Quỳnh Mai quyết định theo học đạo diễn.
Năm 2007, chị chính thức có được “tấm vé” để đặt chân vào nghề đạo diễn. Với vở diễn tốt nghiệp “Truyền thuyết một tình yêu”, Hoàng Quỳnh Mai đã được các bạn nghề đánh giá rất cao.
Nhưng phải đến khi “Cung phi Điểm Bích” chuyển thể từ kịch thơ cùng tên của cố tác giả Hoàng Công Khanh được công diễn, tạo nên tiếng vang trong giới cải lương được công chúng yêu mến với hàng trăm suất diễn, được trao nhiều giải thưởng thì tên tuổi Hoàng Quỳnh Mai mới thật sự tỏa sáng và trở thành nữ đạo diễn được các đoàn “săn đón” để trao gửi nhiều vở diễn.
Sau này với những vở “Bến nước Ngũ Bồ”, “Trọn đời Trung hiếu với Thăng Long”, “Gươm thiêng trao trả rùa thần”, “Vú Cát”, “Cổ tích một tình yêu”, “Vua Thánh triều Lê” và mới đây là “Hà Nội gió mùa”… đã tạo được dấu ấn đặc biệt của Hoàng Quỳnh Mai với sân khấu cải lương.
Chị liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn về vở diễn, đạo diễn xuất sắc trong một thời gian ngắn, với danh mục giải thưởng nhiều người mơ ước và phải thực hiện trong nhiều năm, Không chỉ dựng những vở diễn cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã dựng vở cho hầu hết các đoàn cải lương ở khu vực phía Bắc như Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoa Mai… và “lấn sân” sang cả với ca kịch Huế, chèo, tuồng với tổng số vở diễn đã qua tay chị đến nay chắc phải đạt đến con số trên 40 vở.
3. Hoàng Quỳnh Mai nói rằng, chị có cảm giác như được Tổ nghề phù trợ nên chị có được sức mạnh đáng ngạc nhiên, vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành các vở diễn mà có lúc đứng trước khó khăn, chị tưởng chừng không thể vượt qua…
Chị cũng không ít lần thừa nhận rằng, với chị sân khấu thực sự như “bùa mê thuốc lú”, cứ mỗi lần dấn thân vào một vở mới là chị lại quên hết mọi thứ, quên ăn quên ngủ, chỉ còn lại một giấc mơ được làm cho sân khấu bừng sáng trở lại.
Hoàng Quỳnh Mai không chỉ yêu nghề, tận tâm với nghề mà chị còn là người yêu đắm say cuộc sống này và yêu thương con người. Chị kể rằng, khi còn là diễn viên, chị đã nhiều lần rơi nước mắt trước những số phận trong những vở diễn mà chị nhập vai, thì sau này, chị cũng nhiều lần trăn trở và có cảm giác đau lòng đến nghẹt thở trước những số phận nhân vật mà chị đang “nhào nặn”, định hình để đưa lên sân khấu như vở “Trọn nghĩa non sông” (về nỗi oan của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong vụ án Lệ Chi Viên), “Kiếp tằm” hay “Bão ngầm” mới ra mắt thời gian gần đây.
Sân khấu cải lương nói riêng và lĩnh vực sân khấu nói chung đang trải qua rất nhiều khó khăn, cực nhọc để làm nghề và giữ nghề. Dường như việc “ngọn lửa” Hoàng Quỳnh Mai vẫn đang cháy bền bỉ, luôn học hỏi ở người già và nâng niu những tài năng trẻ đã làm ấm lòng, là niềm an ủi đối với rất nhiều những người nghệ sĩ đang thầm lặng theo nghề và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà…