Sân khấu thành phố đồng loạt sáng đèn

Sau khi lãnh đạo thành phố cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại bình thường, sân khấu thành phố đang làm ấm dần hoạt động nghệ thuật trên địa bàn vốn đang khá im ắng vì đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Cuối tuần qua, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã bắt đầu mở màn phục vụ khán giả sau thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Cũng như các sân khấu xã hội hóa tại TP Hồ Chí Minh, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã bỏ lỡ mùa diễn Tết dù đã chuẩn bị khá kỹ với những vở diễn mới được dàn dựng, đan xen các vở ăn khách của sân khấu trong thời gian gần đây. Trở lại sau thời gian nghỉ dịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh là vở diễn “Chờ thêm chút nữa” (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Ðức Thịnh – Tuyết Mai).  Mang màu sắc khác biệt với yếu tố hài hước, nhẹ nhàng, vở diễn “Chờ thêm chút nữa” khai thác các yếu tố cuộc sống hiện đại. Ðiểm nhấn của vở diễn chính là các diễn viên sẽ sử dụng nhạc Rap cho việc biểu đạt cảm xúc của nhân vật. Ðây là yếu tố nhằm song hành cùng xu hướng giới trẻ nhưng chất lượng nghệ thuật vẫn được bảo toàn. Sau vở “Chờ thêm chút nữa”, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng trình làng vở diễn mới Bạch Hải Ðường (nguyên tác cải lương Nguyễn Huỳnh; chuyển thể thoại kịch: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như). Với bàn tay đạo diễn Ái Như, vở diễn hứa hẹn sẽ mang màu sắc mới, hấp dẫn hơn với khán giả.

Vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí” sẽ phục vụ khán giả trở lại.

Tại sân khấu Thế giới trẻ, vào ngày 12-3, sân khấu sẽ trở lại bằng vở diễn “Hồn ma cô đào hát” (tác giả Phan Ngọc Liên, đạo diễn Ngọc Hùng). Cùng với đó, các vở mới như “Vệ sĩ tình yêu” (Phan Ngọc Liên, đạo diễn Hữu Tiến), “Lò võ thiếu lâm” (tác giả Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn Ngọc Hùng) cũng lần lượt ra mắt khán giả thành phố. Riêng tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần), trong ngày 8-3 đã biểu diễn phục vụ khán giả vở “Bồ công anh” (tác giả – đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc – Vũ Trần) với đông đảo khán giả đến xem. Ðây là vở kịch nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy cảm xúc đang được khán giả yêu thích. Việc suất diễn trở lại đầy kín khán giả là điều đáng mừng cho Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ nói riêng và sân khấu thành phố nói chung. Cùng với “Bồ công anh”, Nhà hát cũng tung ra các vở kịch hài nhẹ nhàng trong tuần này đó là: “Ðẹp lắm nha”; “Tin thì linh, không tin cũng linh”; “Tía ơi con lấy chồng” và “Vương quốc những người xấu xí”.

Là sân khấu “sinh sau đẻ muộn”, sân khấu Sen Việt của NSƯT Lê Nguyên Ðạt cũng đã kịp sáng đèn vào ngày 7-3 bằng vở “Võ Tắc Thiên” (tác giả Văn Du – Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Ðạt). Ðáng chú ý, trong hai ngày 13 và 14-3, sân khấu sẽ cho biểu diễn hai suất đặc biệt với vở “Nhật thực – Ðêm huyền thoại” (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Ðạt). Ðây là vở diễn Tuồng cổ cải lương gây ấn tượng tại Liên hoan Sân khấu quốc tế 2019, với nghệ thuật diễn xuất độc đáo, kết hợp vũ đạo nhuần nhuyễn của các nghệ sĩ trẻ tài năng như: NSƯT Lê Trung Thảo, Hoàng Quốc Thanh, Lê Nhung. Nhưng sáng đèn sớm nhất có lẽ thuộc về Sân khấu kịch Idecaf. Ngày 6-3, sân khấu đã biểu diễn vở “Lời nguyền phù thủy” (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Vũ Minh). Cùng với đó, vở “Ngũ quý kỳ phùng” (tác giả Tuấn Khôi – Hương Giang, đạo diễn Tuấn Khôi) cũng sẽ được biểu diễn thường xuyên trong thời gian tới tại Idecaf. Vở diễn lấy bối cảnh thời xưa, có một thầy đồ dạy năm học trò và đặt tên cho chúng là Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Tâm. Hơn 30 năm sau, những học trò này mới trở về họp lớp, và mỗi người đều đã trưởng thành. Nghĩa (Ðại Nghĩa đóng) là một thương gia giàu sang, nên anh ta quan trọng nhất chữ Tiền. Tín (Huy Tứ) trở thành quan lớn, nên anh ta tự hào với chữ Chức quyền. Tâm (Lê Khánh), một hoa hậu, vì vậy cô coi trọng chữ Sắc đẹp. Trí (Ðình Toàn) là nhà trí thức viết sách nổi tiếng, luôn đề cao Trí tuệ và Nhân (Hải Lê) là thầy giáo nối nghiệp người xưa, anh tôn thờ lòng nhân hậu, từ bi. Mỗi người chỉ xem mình là nhất, không ai chịu nhường ai. Vở dự kiến sẽ là một kịch mục có chất lượng và ăn khách tại sân khấu này trong thời gian tới. Trong khi đó Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng biểu diễn trở lại trong tuần này. Theo đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chương trình múa rối nước sẽ biểu diễn trở lại từ ngày 11-3 với hai suất 10 giờ và 15 giờ (trừ thứ hai). Ngoài ra, nhà hát cũng đã thực hiện chương trình múa rối nước đặc biệt với chủ đề như “Cá chép hóa rồng”, “Trâu vàng nghinh xuân”. Riêng vào thứ bảy, nhà hát cho biểu diễn trở lại vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí”. “Câu chuyện nghìn lẻ một đêm”, “Aladdin và cây đèn thần” được kể thông qua các tiết mục xiếc đặc sắc và hấp dẫn. Vở diễn từng tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, nhất là khán giả nhí khi ra mắt vào cuối năm 2020.

Với sự trở lại đồng loạt của các sân khấu, có thể nói đây là tín hiệu vui, cho thấy sân khấu thành phố sau những đợt nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tín hiệu vui ấy có kéo dài hay không tùy thuộc vào chất lượng của các vở diễn trong lần trở lại này. Bằng sự nỗ lực, lòng yêu nghề của các ông bầu, bà bầu, cùng với việc cả nước đang tiến hành tiêm vắc – xin Covid-19, hy vọng các sân khấu thành phố sẽ có sự đầu tư đúng mức để trở lại thời kỳ đỉnh cao, cũng như giành lại tình yêu của khán giả như từng có trước đây.

Bài và ảnh: BẢO LINH