Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình, vua Hùng là vị vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế giỗ tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi tạm dựng hình hài đất nước.
Giỗ tổ Hùng Vương và đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt, là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan, thử thách, đoàn kết gắn bó keo sơn, để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.
Nguồn gốc của tín ngưỡng Hùng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố cấu tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, được bảo tồn và lưu truyền qua biết bao thế hệ với sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị. 
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam. Đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính và biết ơn vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với triết lý “con người có tổ có tông” và “Uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác, đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Hiện nay trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương.  Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.
Công đức các vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn, là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước dân tộc Việt. Thờ phụng các vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước. Từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau, chưa bao giờ tắt tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.
Ngay từ những năm 40-43 sau công nguyên, trong cuộc chiến chống quân xâm lược, nữ tướng Hai Bà Trưng đã đọc lời thề sông Hát trước khi xung trận: “Một, xin rửa sạch quốc thù/Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ hùng”.
Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các vua Hùng, được các thế hệ người Việt gìn giữ tiếp nối và khẳng định như trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ của Người: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, để lý giải nguồn cội con cháu rồng tiên. Truyền thuyết Quốc tổ “Lạc Long Quân và Âu Cơ” sinh hạ 100 người con, trong đó 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển, lập ra thủy tổ của Bách Việt, trong đó có Lạc Việt và Âu Việt của nước Văn Lang thời vua Hùng, nước Âu Lạc thời vua Thục.
Với ý nghĩa đặc biệt và hết sức nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là dịp để mỗi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân, đã có công lao to lớn trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Thanh Xuân