“Chiếc dép thất lạc – The lost sandal” – Cuốn sách song ngữ ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Theo Hà Nội mới, “Chiếc dép thất lạc” là cuốn sách tranh mà hai nữ tác giả nước ngoài đặc biệt viết về trẻ em Việt Nam, dành cho trẻ em Việt Nam. Tác phẩm kể về hành trình tìm lại chiếc dép yêu quý vô tình đánh rơi của cô bé Linh. Cô bé dùng nhiều cách để tìm lại dép, như vẽ tranh áp phích dán ở cửa hàng tạp hóa, viết nhiều bức thư gửi đến mọi người trong khu vực chiếc dép bị đánh rơi… Và rồi Cô Tiên Dép Rớt xuất hiện, mang đến nhiều điều thú vị…
Ngoài câu chuyện ngộ nghĩnh, vui tươi, hài hước, “Chiếc dép thất lạc” còn chứa đựng bài học nhân văn về việc hãy yêu quý, trân trọng đồ vật, hãy biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ mọi người xung quanh. Các tác giả còn nhắn nhủ với bạn đọc nhỏ tuổi rằng, chỉ một hành động nhỏ như nhặt và trả lại chiếc dép, bạn sẽ đem lại niềm vui hạnh phúc cho người mất và bớt một chất thải nhựa ra môi trường sống. Bên cạnh đó, với lượng từ vựng tiếng Anh vừa đủ, văn phong trong sáng, giản dịch, cuốn sách giúp bạn đọc làm giàu thêm vốn tiếng ngoại ngữ của mình.
Sinh ra và lớn lên ở Bỉ, tác giả Geralda De Vos đến Việt Nam vào năm 2017. Cô tham gia tích cực các hoạt động xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, tái chế đồ vật, khuyến khích lối sống tử tế thông qua việc nhặt và trả đồ thất lạc cho mọi người.
Trên báo sggp.org.vn cho hay, cùng với lời kể của Geralda De Vos, phần minh họa của họa sĩ Sofia Holt đem đến sự tươi trẻ, nhịp điệu rộn ràng, thanh bình cho “Chiếc dép thất lạc”.
Đó là cái nhìn của những người dấn thân sống thực sự trên mảnh đất này, nhìn cuộc sống xung quanh bằng cái nhìn trìu mến chứ không tìm sự dị biệt của những nền văn hóa khác, đất nước khác.
Họa sĩ Sofia lớn lên ở Thụy Điển. Cha cô vẽ tranh, còn mẹ cô làm gốm. Cô đến Sài Gòn vào năm 2014 và làm công việc thiết kế các sản phẩm nội thất và đồ dùng hữu ích tại đây. Hiện cô đang thiết kế thời trang, đồ nội thất, vẽ tranh minh họa và góp thêm ý tưởng về một thế giới hạnh phúc và bền vững hơn.
Dù không biết đọc và viết tiếng Việt, nhưng nữ họa sĩ vẫn kỳ công “vẽ tiếng Việt” cho những tấm áp phích, những lá thư trong cuốn sách.