Đề xuất lễ hội đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đang lập hồ sơ kiến nghị Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xem xét, đưa Lễ hội đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trao đổi với Zing ngày 2/3, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, cho biết Lễ hội đô thị Nước Mặn là sự kiện đặc biệt quan trọng, nét văn hóa độc đáo của địa phương.
“Chúng tôi đã giao Phòng Quản lý Văn hóa, Trung tâm Văn hóa điện ảnh và Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với huyện Tuy Phước lập hồ sơ. Dự kiến trong tháng 3 này, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xem xét, đưa Lễ hội đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Chánh nói.
Hàng năm, Lễ hội đô thị Nước Mặn được tổ chức từ ngày 29 tháng Giêng đến hết mùng 3 tháng Hai âm lịch tại Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng của người dân Bình Định tưởng nhớ về các bậc tiền nhân từng tạo dựng nên thương cảng Nước Mặn sầm uất, từng được ghi tên trong nhiều hải đồ thương cảng thế giới.
Phần lễ được tổ chức trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu (trong đó kiệu chính rước sắc, 4 kiệu còn lại rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục). Ngoài phần lễ, phần hội còn có các trò chơi dân gian gồm: Kéo co, cạp bưởi, đập ấm, múc nước đổ ly, đánh bài chòi cổ, múa lân, biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền và hát bội, thu hút rất đông người dân tham gia.
|
Lễ hội đô thị Nước Mặn mừng đón mùa xuân mới ở Bình Định. Ảnh: T.Th. |
Theo cứ liệu lịch sử, hơn 400 năm trước, khoảng năm 1610, nhiều thương đoàn từ Phúc Kiến (Trung Hoa) đã vượt biển đến vùng đất này để giao thương với người Việt bản xứ.
Quá trình giao lưu buôn bán, vùng thương cảng Nước Mặn dần hình thành và phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ XVI đến XVIII bao gồm cả những khu vực huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.
Qua biến thiên lịch sử và biến đổi tự nhiên, khu hải cảng nơi đây bị bồi lấp thành đầm lầy rồi trờ thành khu vực nông thôn trũng thấp ngày nay.
Để tưởng nhớ những bậc tiền nhân và cùng với sự tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, người dân ở đây đã dựng lên miếu thờ Thiên Hậu thánh mẫu cùng ông Quan Thánh để thờ cúng. Trong đó, năm 2010, chùa Bà, khu vực trung tâm tổ chức lễ hội đô thị Nước Mặn đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa.