Loài vương giả chi hoa và di sản nổi tiếng trong Hoàng cung Huế

Đây là loài hoa có sắc hồng tím nhạt, điểm tô vẻ đẹp chốn vương giả Hoàng cung lúc vào hè. Người xưa tin rằng phượng hoàng chỉ đậu xuống loài cây quý này.

Ngô đồng được xem là loài “vương giả chi hoa” trong Hoàng cung Huế (Thừa Thiên – Huế). Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngô đồng là giống cây quý mà người xưa tin rằng phượng hoàng chỉ chọn loài cây này để đậu xuống. Đó như sự báo điềm lành, quốc thái dân an, nên các vị vua đã cho trồng cây trong chốn cung đình vương giả. Đến Huế chớm hè, du khách có thể ngắm ngô đồng khoe sắc hồng tím nhạt thơ mộng. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Cửu đỉnh là bộ tác phẩm bằng đồng gồm 9 chiếc đỉnh lớn, đặt trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, tức khu vực thờ tự bề thế nhất, nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn. Mỗi đỉnh đều có tên riêng, chạm nổi nhiều hình ảnh khác nhau. Trong đó, hình tượng ngô đồng được chạm vào Nhân đỉnh. Ảnh: Pangpangtour123.

Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế, một kiến trúc quan trọng, mang tính biểu tượng. Dân gian có câu: “Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh…”, gợi lên khá chính xác cấu trúc thiết kế của kiến trúc này. Ảnh: Pradomariannetherese.

Cùng với Ngọ Môn là cổng chính phía nam, Hiển Nhơn, Chương Đức, Hòa Bình là các cửa đông, tây, bắc của Hoàng thành Huế. Đây đều là những công trình ấn tượng, thể hiện nghệ thuật kiến trúc cung đình. Ảnh: Briankieu.

Trường Lang là hệ thống hành lang có mái che kết nối các công trình kiến trúc trung tâm của Hoàng thành Huế. Được trùng tu, sơn son, thếp vàng, trả về vẻ đẹp vàng son một thuở, Trường Lang thu hút nhiều bạn trẻ check-in khi tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Tạ Xuân Hương.

Cung Diên Thọ nằm ở phía tây bắc trong Hoàng thành Huế, là biệt cung của các hoàng thái hậu, tức mẹ vua, cũng có khi cả thái hoàng thái hậu. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cung đã qua nhiều lần đổi tên, song vẫn giữ nguyên ý nghĩa tên gọi là mong muốn kéo dài tuổi thọ, kéo dài sự sống. Ảnh: Lê Hiếu.

Điện Long An là nơi trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ cung đình Nguyễn. Điện Long An là kiến trúc đậm nét phong cách cung đình Huế theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, được trang trí rất tinh xảo với các chi tiết chạm trổ, khảm cẩn xương, ngà, xà cừ… Ảnh: Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing