Mùa xuân hy vọng

Bao giờ cũng vậy, Tết đến xuân về luôn là một dịp đáng nhớ với tất cả mọi người, nhưng Tết năm nay có lẽ sẽ trở thành một cái Tết đặc biệt mà chúng ta trải qua. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội vào đúng dịp Tết đã làm thay đổi những điều vốn tưởng như bất biến, trong đó có việc trở về quê hương.

Với những người xa quê, sau một năm bận bịu, ai cũng mong được về quê đón Tết, sum họp cùng gia đình. Tôi đã chạnh lòng khi nghĩ đến những người không may nhiễm bệnh hay những người phải đi cách ly tập trung trong những ngày giáp Tết, bởi họ sẽ không được ăn Tết cùng gia đình. Nhưng rồi chính tôi và nhiều người nữa cũng đã lựa chọn ở lại Hà Nội, không trở về quê dịp này để hạn chế sự lây lan cũng như để những vùng quê yên tâm đón Tết.

Tết đầu tiên xa quê, tôi thấy nhớ không khí tất bật rộn ràng của quê mình trong những ngày rục rịch chợ búa, sắm sửa. Nhớ nồi bánh chưng bập bùng lửa đỏ của mẹ mà hằng năm phải đợi tôi về đến mẹ mới nhen lên bởi mẹ biết tôi thích nhất là được ngồi bên nồi bánh đang sôi nghe mẹ kể chuyện quê trong những ngày tôi xa vắng. Tôi nhớ mâm ngũ quả được bố cẩn thận lựa chọn từ những hoa trái trong vườn nhà rồi trang trọng thành kính bày biện lên ban thờ tổ tiên. Nhớ nhất là mâm cỗ tất niên chiều 30 Tết, đó là khi mọi vất vả hay âu lo đã lùi xa ngoài kia để tôi được tận hưởng sự ấm êm, sum vầy và trọn vẹn nhất sau một năm dài xa quê. Và khoảnh khắc giao thừa, trong hương thơm vấn vít, trong sắc hoa bừng lên, trong tiếng pháo đì đùng, gia đình tôi sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để cùng hy vọng vào một năm mới nhiều an vui.

Hơn mười năm sống và làm việc ở Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên tôi có thì giờ quan sát người phố phường sắm Tết. Bắt đầu từ những chợ hoa, chợ gốm, tôi nhận ra nơi này dường như luôn quan tâm đến cái đẹp trước tiên. Nhiều người cho rằng chỉ cần một cành đào là đã đủ thấy Tết, trong khi ở quê tôi là khi có tiếng lợn kêu, có nồi bánh chưng ăm ắp. Càng áp Tết, những con phố càng bớt đông đúc hơn, đó là điều tôi chưa bao giờ được chứng kiến ở nơi này, bởi hằng năm cứ 28 tháng Chạp là tôi đã vội vàng về quê. Những cơ quan công sở đã đóng cửa nghỉ, Tết Hà Nội càng hiện diện một cách rõ ràng hơn khi trên phố ta chỉ gặp những hoa, những quất, những đồ dùng, vật dụng, thực phẩm.

Tôi theo chân người chị ra chợ, chị cũng không về quê ăn Tết như tôi, theo thói quen tôi tất bật đi nhanh, chị nhắc: “Năm nay ăn Tết Hà Nội, chúng ta cứ thong dong mà sắm sửa, cảm nhận một cái Tết không còn tất bật lo toan…”. Tôi nhận ra mùa xuân đã thật sự về trong khoảnh khắc ấy. Bởi ngày thường, chị là người vất vả tất bật với việc cơ quan, với bếp núc gia đình, nhưng hôm nay rất khác, chị thong thả đi qua những cành đào, cành mai đang hé nụ và lơ đãng một ánh nhìn giữa phố xá ngược xuôi. Tết để chúng ta cảm nhận những khoảnh khắc chứ đâu để hối hả chạy đua với thời gian.

Trong mâm cơm ngày Tết xa quê tôi vẫn gặp những hương vị quen thuộc truyền thống như bánh chưng, dưa hành, nem, canh măng miến… Chị tôi đã chuẩn bị chu đáo cho một cái Tết xa quê mà không thiếu vắng hương vị quê. Đi giữa Hà Nội những ngày này, tôi nhận ra mình là người may mắn khi còn được cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân. Nơi tuyến đầu, rất nhiều người vẫn đang căng mình chống dịch, vậy thì một cái Tết xa quê để sẻ chia và góp mình vào sự hạn chế dịch bệnh ấy đâu phải thiệt thòi gì. Tôi tin mùa xuân này sẽ đem đến hy vọng mới cho chúng ta, bằng trách nhiệm và lòng trắc ẩn, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để có những ngày sau tới tốt đẹp hơn.