Ngày tam nương có thực sự đáng sợ?

Nếu chúng ta chỉ coi trọng ngày tốt xấu mà không quan tâm đến sửa đổi hành vi, chuyển nghiệp thì cũng không tránh được những hậu quả của nghiệp chướng từ kiếp trước.

Phải khẳng định rằng Phật giáo không phân biệt ngày tốt, xấu. Quan niệm ngày tốt, xấu như: hoàng đạo, hắc đạo, ngày Tam nương, Nguyệt kỵ… bắt đầu từ đạo Lão của Trung Hoa dựa theo ngũ hành tương sinh – tương khắc, âm – dương.

Tập tục kiêng kỵ ngày Tam nương (tức là 3 người đẹp Muội Hỉ, Đát Kỷ và Bao Tự làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương và Tây Chu) cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Chủ trương của đạo Phật là “Tâm Bình thế giới bình”- nếu tâm chúng ta bình an thì thì thế giới bình an hay “Trú dạ lục thời hằng cát tường” – ngày nào cũng tốt, giờ nào cũng tốt.

Mỗi chúng ta đều có thể tự tạo nên ngày đẹp, ngày vui khi mạng lại niềm vui, sự an lạc cho mọi người.

Phật tử có nên xem ngày tốt giờ tốt hay không

Đạo Phật quan niệm, những người hiện tại gặp xui xẻo, tai nạn không phải do ngẫu nhiên mà do nghiệp quả đến ngày đã chín. Do đó, chúng ta phải tu nhân tích đức, chuyển được nghiệp của mình thì mới được bình an. Nếu nghiệp trong quá khứ hay hiện tại chúng ta tạo nên mà không có chuyển nghiệp thì sẽ không thoát khỏi nhân quả. Thế mới có câu

“Phú quý khởi miễn luân hồi

Thần thông bất năng định nghiệp.”

Nghĩa là phú quý thì cũng không thể thoát khỏi kiếp luân hồi. Thần thông không tránh được nghiệp quả. Ví như ngài Mục Kiền Liên là một trong mười đệ tử tài giỏi nhất của Đức Phật, có phép thần  còn không chuyển được nghiệp của bà Thanh Đề chịu cực hình trong địa ngục. Ngài phải tu tập, chuyển nghiệp thức của bà trong quá khứ thì mới được giải thoát.

Nhân quả hiện tại

Chúng ta không quá nặng nề về ngày tốt, xấu bởi đó là phong tục của nước láng giềng, hơn nữa mỗi tháng có tới 6 ngày Tam nương (và còn nhiều ngày xấu khác) mà cứ ngày xấu (theo thuyết âm dương, ngũ hành…) là chúng ta ngưng trệ mọi  hoạt động thì sẽ ảnh hưởng tới công việc tới thu nhập và sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội.

Nếu chúng ta chỉ coi trọng ngày tốt xấu mà không quan tâm đến sửa đổi hành vi, chuyển nghiệp thì cũng không tránh được những hậu quả của nghiệp chướng từ kiếp trước. Chúng ta giúp những người nghèo khổ, làm những việc hữu ích cho xã hội, cho đất nước, phóng sinh, cúng dường… chính là phương pháp tự giải nghiệp cho chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể tự tạo nên ngày đẹp, ngày vui khi mạng lại niềm vui, sự an lạc cho mọi người.

Theo phatgiao.org.vn