Ngời sắc Xuân, rộn ràng Tết Việt trên đất nước Triệu Voi

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Tân Sửu 2021. Cũng giống như người Việt ở trong nước, trong những ngày này, bà con Việt Kiều tại Lào lại nhộn nhịp mua sắm Tết.

Trên nhiều con phố ở thủ đô Viêng Chăn, những chợ tạm, quầy hàng bày bán quất, hoa từ Việt Nam, bán bánh chưng, giò, mứt, bánh kẹo … đều đã được dựng lên với nhiều chủng loại và mẫu mã đa dạng khiến cho không khí nơi đây trở lên sôi động và rực rỡ sắc màu. 

Trong tâm thức của người Việt, vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi gia đình đều có một cây đào, cây quất hay cành mai bày trong nhà. Chính vì vậy,  khu chợ hoa với đủ các loại đặc trưng cho ngày Tết của Việt Nam như: quất, mai, hoa ly, hoa lan… đã trở thành điểm đến của nhiều người Việt tại Lào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 

Năm nay giá thành quất cũng khá cao so với mặt bằng chung. Một cây quất vừa tầm có đủ cả hoa, lộc và quả giá khoảng 1,5 triệu kíp (160 USD), còn cây nhỏ có giá thấp nhất là 200.000 kíp.  

Dù đắt như vậy nhưng tại các cửa hàng bán cây cảnh lúc nào cũng tấp nập người mua. Mười ba năm đưa các loại cây chơi Tết từ Nam Định sang bán tại thủ đô Viêng Chăn, chưa năm nào anh Nguyễn Văn Cường bán cây cảnh, đặc biệt là quất, chạy hàng như năm nay. Theo chủ cửa hàng bán cây cảnh này, mặc dù đại dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh, nhưng chỉ sau vài ngày mở hàng, cửa hàng của anh đã bán được tới 75% lượng quất mang sang, nhanh hơn nhiều so với dự tính do năm nay người Việt ở lại ăn Tết đông hơn vì dịch COVID-19 không về được. 

Sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng với anh Hà Văn Hảo, một người Việt tại Lào, dù khó khăn đến đâu thì năm nào anh đã tìm mua quất, mai hoặc đào để bày trong những ngày Tết bởi đó là sắc xuân, là truyền thống của dân tộc. Với gia đình anh, quất, mai hay đào chính là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với mỗi người Việt Nam xa quê hương. 

Phấn khởi và hào hứng khi chọn được cây mai ưng ý để chơi trong những ngày Tết, với anh Tăng Văn Sơn, một người đã 17 năm sống ở Lào, Tết cổ truyền dân tộc luôn phải có mai, đào hay quất trong nhà thì mới có không khí đón năm mới. Anh chia sẻ dù xa quê hương nhưng cứ mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, gia đình anh vẫn luôn duy trì được phong tục và truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam để con cháu hiểu và noi theo. 

Mỗi dịp Tết đến, những cành đào, cành mai hay chậu quất luôn là một phần không thể thiếu của không khí Tết, đặc biệt nó còn giúp những người con xa xứ nguôi đi phần nào nỗi nhớ quê hương. Đó là lý do dù làm việc cách xa Viêng Chăn hơn 100 km, nhưng 7 năm qua, năm nào gần Tết anh Nguyễn Văn Tiến, Công ty CP CM Việt Nam tại Lào, cũng ra thủ đô Viêng Chăn để tìm bằng được một loại cây mang về công ty để đón năm mới. 

Cùng với đào, quất và mai, bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt. Dạo qua con phố Nongbone, thủ đô Viêng Chăn, các quầy bán bánh chưng, mứt Tết luôn tấp nập người mua. Các cửa hàng vừa gói vừa bán mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng người Lào. 

Dù dịch bệnh COVID-19 nhưng năm nay cửa hàng nhà chị Nguyễn Thị Thúy lại bán được số lượng bánh chưng nhiều hơn năm ngoái và phần lớn khách hàng của chị là người Lào. Cửa hàng mở được 2 tuần nay và chị đã bán được hơn 1 tấn gạo. Dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, nhưng lượng khách đặt hàng vẫn rất đông. Đôi bàn tay thoăn thoát vớt từng cặp bánh chưng nóng hổi từ nồi bánh còn nghi ngút khói, chị Thúy cho biết chị sinh ra và lớn lên tại Lào và đã cùng gia đình gói cũng như bán bánh chưng trên phố Nongbone trên 20 năm.

Người Lào thích bánh chưng Việt là “tại vì cái bánh chưng của mình khẩu vị của người Việt mình nó đậm đà, nó nhiều nhân, nhiều thịt”. Năm nay, giá bánh hơi đắt so với thu nhập của người dân. Bánh chưng loại nhỏ có giá là 30.000 kíp/chiếc, loại trung có giá là 40.000 kíp/chiếc và loại to, ngon có giá là 50.000 kíp/chiếc. Tuy nhiên do đặc biệt thích món ẩm thực này của người Việt nên cứ mỗi dịp cận Tết cổ truyền của Việt Nam, rất đông gia đình người Lào sẵn sàng bỏ tiền để được thưởng thức hương vị chỉ có một lần trong năm này.  

Năm nay, đặc biệt do dịch bệnh COVID-19 nên người Lào không trực tiếp đến cửa hàng mua bánh mà thường đặt online. Mỗi ngày anh Võ Đại Hạ – chồng chị Thúy – đều chuyển từ 200 đến 300 cái bánh chưng đến tận tay người mua. Bê từng giỏ bánh chưng lên xe đi giao hàng cho khách, anh tươi cười chia sẻ, khách hàng gọi điện đặt bánh chưng chủ yếu là người quen, thường là cán bộ công nhân viên chức Lào. Năm nay, ngoài gói bánh, bán bánh, anh còn thêm nhiệm vụ đi giao bánh theo đơn đặt hàng. Tất cả đều được anh phục vụ nhiệt tình và chu đáo. 

Cứ vào dịp cuối năm cận Tết cổ truyền của Việt Nam, nhà hàng của anh Lê Quang Tĩnh lúc nào cũng có nhiều đơn đặt hàng bánh chưng của các doanh nghiệp Việt mua biếu cho người Lào hoặc đơn đặt hàng của người Lào. Tất bật đến phố Nongbone mua bánh chưng để kịp làm tiệc cho khách, chủ nhà hàng Hoàng Kim tại Viêng Chăn này cho biết mỗi ngày tại cửa hàng, ngoài 40-50 chiếc bánh làm tiệc cho khách thì anh còn nhận đặt từ 150 – 200 chiếc bánh chưng để làm quà biếu. Bánh chưng của Việt Nam có vị đậm đà và ngon hơn bánh chưng nhỏ của Lào nên phần lớn khách hàng Lào đều thích bánh chưng của Việt Nam. 

Không khí Tết cổ truyền của Việt Nam đang tràn ngập khắp thủ đô Viêng Chăn. Sự nhộn nhịp ấy đã mang tới cho những người con xa xứ cảm giác ấm áp, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và nhớ Tết ở quê hương.

Phạm Kiên – Thu Phương (TTXVN)