Những điểm đến hấp dẫn du khách ngày xuân tại Thanh Hóa

Tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, hấp dẫn, hòa quyện giữa tự nhiên với các di tích văn hóa lịch sử, TP Thanh Hóa luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan, vãn cảnh, lễ chùa ngày xuân.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng – điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Điểm nhấn trong bức tranh lễ hội ngày xuân ở TP Thanh Hóa phải kể đến Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Nằm trong vùng danh thắng Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm có vẻ đẹp bề thế, cầu kỳ, với nhiều công trình như chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà sinh hoạt đạo tràng, lầu chuông, lầu trống, vườn hoa… tọa lạc giữa ngút ngàn thông xanh với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Leo qua ngót trăm bậc thềm đá, phóng tầm mắt ra xa, du khách ngắm dòng sông Mã thơ mộng giữa đôi bờ xóm làng, phố xá. Dạo bước giữa ngút ngàn thông xanh trên đỉnh Đồi C4 – để nhớ về một Hàm Rồng từng đi qua máu lửa, để viết nên thiên anh hùng ca bất tử của quân dân Thanh Hóa. Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng, với kiến trúc chùa đậm bản sắc văn hóa Việt, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đã và đang là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn, lý tưởng không chỉ của phật tử mà còn là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh du lịch TP Thanh Hóa. Vì thế, những ngày đầu xuân, nhiều du khách gần xa đã đến dâng hương, cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa nơi đây.
Giữ cho mình thói quen dâng hương, vãn cảnh, chị Nguyễn Thị Hằng (TP Thanh Hóa) luôn chọn Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là điểm hẹn mùa xuân. Chị Hằng chia sẻ: “Có lẽ do niềm xác tín tâm linh, nên năm nào gia đình tôi cũng đi lễ chùa ở đây. Năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi không đi đông người mà chỉ đi theo gia đình. Với tôi, điểm đến tâm linh này không chỉ hấp dẫn nhờ vẻ đẹp tự tại, mà hơn hết, nó giúp tôi phần nào cân bằng đời sống tinh thần”.
Cách Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng không xa, Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tọa lạc trên núi Cánh Tiên với nhiều hạng mục như tháp chuông, đền thờ chính, hệ thống nhà bia, hồ nước bán nguyệt… cũng là một điểm đến được khá đông du khách lựa chọn tham quan, thưởng ngoạn cảnh vật, kiến trúc và tri ân những người có công với đất nước. Đây là điểm tham quan lịch sử có ý nghĩa đối với người dân, du khách khi muốn tìm hiểu về lịch sử và con người xứ Thanh. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đến với mọi người.
Là một trong những làng cổ nổi tiếng nhất Việt Nam, làng cổ Đông Sơn nằm cạnh sông Mã đã trở thành một chứng nhân lịch sử hàng nghìn năm tuổi. Nơi đây còn là một “kho tàng văn hóa” vô cùng sinh động, đặc sắc và giàu giá trị của mảnh đất xứ Thanh. Di chỉ văn hóa Đông Sơn là minh chứng sinh động cho một giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn minh người Việt cổ. Trải qua thời gian, ngôi làng bé nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã vẫn còn mang nhiều dáng dấp của làng Việt cổ yên bình, với cây đa, giếng nước, sân đình, cùng nhiều danh thắng, di tích trầm mặc và một bức tranh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt, đây còn có một giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi và những ngôi nhà cổ giàu giá trị nghệ thuật, kiến trúc thẩm mỹ, cũng như mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử – văn hóa thú vị. Với tiềm năng du lịch lớn, UBND TP Thanh Hóa đã công bố “Tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn”. Đây là cơ sở để các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, xây dựng nhiều tour tham quan giới thiệu đến du khách, nhờ vậy, lượng du khách đến với làng cổ Đông Sơn ngày một nhiều hơn.
Ngoài những địa danh nổi tiếng ấy, Khu di tích lịch sử – văn hóa Hàm Rồng còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác. Điển hình là cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, động Tiên Sơn, động Long Quang, hồ Kim Quy,… Mở rộng ra toàn vùng, có thể nói, miền thắng tích Hàm Rồng mang một giá trị khảo cổ và lịch sử có một không hai với những đặc trưng riêng, hàm chứa tiềm năng phát triển du lịch lâu dài. Danh thắng này đã và đang được quy hoạch, đầu tư để trở thành quần thể du lịch sinh thái cảnh quan nổi bật của TP Thanh Hóa.
Để chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, biến tướng tại các điểm du lịch, UBND TP Thanh Hóa đã thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc chấp hành pháp luật trong hoạt động của các di tích, danh thắng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; việc sắp xếp hàng quán và các dịch vụ khác xung quanh khu vực di tích; các hoạt động trái pháp luật như mê tín dị đoan, xóc thẻ, lên đồng; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa cấm lưu hành và các hoạt động có liên quan. Cùng với đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các phường, xã, ban quản lý các di tích, danh thắng chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định. Nghiêm cấm các dịch vụ đổi tiền lẻ, cờ bạc trá hình, rút quẻ, lôi kéo khách đến hành lễ tại khu vực di tích, danh thắng, lễ hội; sắp xếp các khu vực bán hàng, khu vệ sinh bảo đảm khoa học, tạo mỹ quan cho khu di tích; bố trí nhân lực thu gom, xử lý rác thải, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, sắp xếp nơi gửi xe đạp, xe máy, ô tô theo quy định, không để xảy ra tình trạng chèn ép du khách.
Theo baothanhhoa.vn