Những hiện vật quý giúp khơi dậy niềm tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam

Nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8-3-1910/8-3-2021), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật với chủ đề ‘Ký ức và di sản’.

Tại lễ tiếp nhận hiện vật lần này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ bổ sung hình ảnh, tài liệu hiện vật của 24 cá nhân gồm phóng viên ảnh, chủ nhân hiện vật, nhà sưu tập tư nhân Việt Nam và quốc tế, các nhà thiết kế thời trang áo dài… làm tư liệu cho kho cơ sở; đồng thời ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tập thể nhằm sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa.

Các hiện vật tiêu biểu gồm: 02 Áo dài của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam- Nguyễn Phương Nga mặc trong buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga bên tà áo dài đã sử dụng trong nhiều hoạt động ngoại giao

Áo dài của 19 nhà thiết kế thời trang gắn với các di sản văn hóa truyền thống tham gia chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Hiện vật tiếp nhận còn có 358 ảnh về phụ nữ trong cuộc sống thường ngày, làng nghề của ông Đinh Quang Thành, nghệ sỹ nhiếp ảnh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại chiến trường miền Nam; 240 hiện vật về văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồ dùng trong gia đình, lao động sản xuất của các dân tộc ít người miền núi phía Bắc và Trường Sơn Tây nguyên của Ông Mark Rapopost, người Mỹ có đam mê sưu tập hiện vật văn hóa Việt Nam; 03 cuốn nhật ký của bà Nguyễn Thị Phượng, bác sỹ Nhi khoa Trường Đại học Y Hà Nội viết về cuộc sống của bà thời là học sinh phổ thông, khi là sinh viên, thời gian công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các hiện vật về tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc ít người của bà Nguyễn Thị Nhung, nhà sưu tập hiện vật văn hóa Việt Nam.

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành trao tặng những bức ảnh cho Bảo tàng

Tham dự buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga xúc động tâm sự: “Là một người phụ nữ Việt Nam có vinh dự được tham gia nhiều diễn đàn quốc tế trong các hoạt động ngoại giao, tôi luôn cảm thấy tự hào và tự tin khi đại diện cho đất nước giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam và phụ nữ Việt Nam thông qua tà Áo dài…”

Còn nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành xúc động cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi trao tặng những bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sau hàng trăm bức ảnh về đề tài chiến tranh trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Tôi đã dành ra 4,5 tháng để lựa chọn trong số 2000 file ảnh là nguồn tư liệu tôi đã lưu giữ trong 40 năm qua về người phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước …”.

Những hiện vật mà các tác giả trao tặng cho Bảo tàng giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá về văn hóa, di sản gắn với người phụ nữ Việt Nam, góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản Việt Nam trong mỗi người dân Việt Nam.

Nam Du