Nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự sáng tạo
Các nghệ sĩ Hà Nội đã và đang bền bỉ duy trì, phát huy giá trị dòng chảy văn nghệ dân gian một cách hấp dẫn. Ảnh: Tuấn Anh
Mùa hội “thời 4.0”
Nói đến hội hát mùa xuân, hẳn nhiều người lại nhớ đến những vần thơ đậm chất Đồng bằng Bắc Bộ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay” (Mưa xuân). Trải qua thời gian, đời sống thay đổi nhưng không khí rộn rã của hội làng mỗi độ xuân về dường như vẫn nguyên vẹn. Đây cũng là “đất sống” nuôi dưỡng, bảo tồn nghệ thuật diễn xướng dân gian suốt bao đời nay.
Năm nay, do diễn biến bất thường của dịch Covid-19, hội xuân không được tổ chức song với những người yêu nghệ thuật diễn xướng dân gian, không khí “hội” vẫn được lan tỏa nhờ khả năng kết nối của công nghệ. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Lược, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát dân ca Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) giới thiệu với chúng tôi về nhóm Câu lạc bộ Giao lưu văn nghệ Mê Linh – Đông Anh – Sóc Sơn – Hà Nội trên ứng dụng facebook. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược chia sẻ: “Ban đầu, nhóm tập hợp một số người yêu ca hát ở Mê Linh, sau đó phong trào lan rộng ra nhiều xã, rồi liên kết cả 3 huyện. Anh chị em bạn bè yêu ca hát rủ nhau vào nhóm bởi ai cũng mong muốn có không gian để sinh hoạt, giao lưu văn nghệ dân gian. Đều đặn các tối từ 19h30 đến 22h30 nhóm sẽ biểu diễn trực tiếp (livestream). Do số lượng thành viên đăng ký biểu diễn đông nên nhóm phải lập ra ban quản trị để sắp xếp lịch, viết bài giới thiệu người biểu diễn… Số thành viên thuộc làng chèo Xa Mạc rất đông, đều là những gương mặt được yêu thích trong nhóm”. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược không quên khoe “đồ nghề” của các nghệ sĩ dân gian trong nhóm. Đó thường là một “phòng thu mini” với 2 chân đỡ điện thoại, một chiếc để quay/ phát trực tiếp trên facebook, một để phát nhạc; một chiếc micro để thu tiếng, tai nghe… Chỉ cần như vậy thôi, những người trong câu lạc bộ đã có thể kết nối, cùng sinh hoạt, biểu diễn và lan tỏa làn điệu dân ca trong thời công nghệ số.
Khởi đầu từ vài chục rồi vài trăm thành viên, đến nay, nhóm này đã có hơn 2 nghìn thành viên. Mặc dù không hạn chế thể loại nhưng đa số các bài hát được chọn biểu diễn là các bài dân ca, chèo, cải lương, quan họ… Xuân này, dù không được đến hát giao lưu tại các hội làng, nhưng không khí trên nhóm facebook lúc nào cũng vui như hội. Các “nghệ sĩ dân gian” vận áo mớ ba mớ bảy, trang điểm cẩn thận, biểu diễn cho nhau nghe với tất cả sự nhiệt tâm. Các buổi biểu diễn vẫn cần được trau chuốt nhiều hơn, nhưng nó đã giúp lan tỏa tình yêu với dân ca, niềm vui tối tối lại được nghe “livestream” diễn xướng dân gian cho đông đảo công chúng trên mạng xã hội.
Các em nhỏ trình diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2020.
Đa dạng hóa các hình thức biểu diễn
Cùng với việc gìn giữ nghệ thuật dân gian trong đời sống bằng tình yêu thuần chất của người dân, Hà Nội cũng là nơi mà nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, tỏa sáng thông qua những sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức bằng các hình thức ngày càng đa dạng, mang lại những trải nghiệm văn hóa thú vị cho người dân và du khách.
Nơi quy tụ nhiều sân khấu nghệ thuật dân tộc nhất là khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Đã từ nhiều năm nay, Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội (nay là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn xướng dân gian như múa sư tử; múa, hát cửa đình; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… Trong dịp Tết 2021 vừa qua, công chúng Thủ đô đã được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống, giới thiệu những tinh hoa cổ nhạc Việt Nam trong không gian đặc trưng của phố cổ. Đó là chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” mừng xuân Tân Sửu 2021 cùng khúc vĩ thanh của chuỗi hoạt động văn hóa “Ký ức Thăng Long” với sự tham gia của các thành viên nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng đưa vào biểu diễn thử nghiệm chương trình “Hoàng thành – Diễn xướng dân gian” tại Hoàng thành Thăng Long…
Bên cạnh đó là hoạt động thường xuyên của những nhóm nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật dân tộc như nhóm Xẩm Hà thành, Giáo phường Ca trù Thái Hà, Giáo phường Ca trù Thăng Long, Giáo phường Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Đình Làng Việt, CLB Ca trù Chanh Thôn… Những buổi biểu diễn miễn phí, những chương trình truyền dạy nghệ thuật cổ truyền đã góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của nghệ thuật dân tộc trong đời sống hôm nay.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Lược (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) bên bàn thu mini để “livestream” chèo.
Một tình yêu để đắp bồi di sản
Nghệ nhân ở các làng nghề, họ có thể là người nông dân, anh cán bộ xã hay làm bất cứ công việc gì, nhưng mỗi khi làng có hội, mỗi khi có cơ hội là họ “lột xác”, trở thành những người nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu. Anh Nguyễn Văn Mạc, cán bộ văn hóa xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) không giấu nổi tự hào khi nhắc về điệu chèo Xa Mạc đã đưa tên tuổi làng quê anh đi xa. Anh lý giải: “Tên điệu chèo cũng chính là tên vùng đất quê hương tôi. Vùng đất đã cho người dân nơi đây một chất giọng đặc biệt, rất khỏe và ấm cùng khả năng ép giọng để tiếng hát có thể vang đi xa nhất. “Mạc” là làng, còn “Xa” là xa xa, là tiếng hát vang xa. Xưa kia, ai đi thuyền qua vùng này, từ xa đã nghe thấy lời ca vang vọng…”.
Trong Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ II – diễn ra vào cuối tháng 12-2020, công chúng có dịp cảm nhận rõ hơn sức sống của các loại hình nghệ thuật dân gian trong cộng đồng. 9 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội đã được giới thiệu bởi chính những cộng đồng đang nắm giữ di sản với tất cả tình yêu và niềm tự hào. Đó là những loại hình nghệ thuật mà danh tiếng đã gắn liền với tên địa phương như: Hát ví, hát dô (huyện Quốc Oai), ca trù (Phú Xuyên, Câu lạc bộ Ca trù Hoa Hựu), hát chèo tàu (huyện Đan Phượng), hát trống quân (huyện Phúc Thọ), múa rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), múa cồng chiêng của người Mường (huyện Thạch Thất), hát xẩm, chèo (quận Thanh Xuân, Câu lạc bộ truyền thống UNESCO Hà Nội).
Còn với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu, chỉ có tình yêu với di sản mới có thể giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn để “ngược dòng thời gian”, tìm về gìn giữ câu ca của cha ông. Câu chuyện theo đuổi ca trù suốt 30 năm của ca nương Bạch Vân với muôn nỗi vất vả cả về vật chất, tinh thần đã trở thành một ví dụ điển hình cho những người nặng lòng với di sản. Rồi NSND Xuân Hoạch với việc gây dựng chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, nhóm Xẩm Hà thành kiên trì duy trì hoạt động của sân khấu tại khu di tích Tượng đài vua Lê suốt nhiều năm qua…
Câu lạc bộ Giao lưu văn nghệ Mê Linh – Đông Anh – Sóc Sơn – Hà Nội giao lưu văn nghệ trên ứng dụng facebook.
Trên cơ sở kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ mà cha ông để lại, bằng tình yêu của cộng đồng, quyết tâm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu, Hà Nội đã và đang duy trì, phát huy giá trị dòng chảy văn nghệ dân gian bền bỉ, hấp dẫn song hành cùng các dòng chảy nghệ thuật khác. Chính điều này đã tạo nên diện mạo vừa hiện đại, vừa giàu truyền thống của đời sống nghệ thuật Thủ đô hôm nay.