Quả thị

0 672
Quả thị chẳng lạ lẫm gì với chúng ta. Quả thị trong chuyện cổ tích với cô Tấm xinh đẹp, hiền dịu. Trong đời thường, quả thị dân dã gắn liền với ký ức tuổi thơ biết bao người.

Về quê tôi được mẹ chỉ cho cây thị cổ thụ trong sân chùa. Cây to sum suê cành lá, quả thị hanh hanh vàng lúc lỉu, nhìn thật thích. Cây thị này ngày xưa bọn trẻ chơi đánh chắt, đánh chuyền, ô ăn quan dưới bóng mát của nó. Hứng chí lên chúng còn trèo cây bẻ quả thị ương mang về để dành nâng niu. Những quả thị ương được thả vào cái túi lưới đan rất khéo bằng len hoặc sợi.

Mâm lễ quả cúng ngày rằm tháng bảy

Ở thành phố, trẻ con chúng tôi cũng biết tự đan những cái túi đựng thị. Những cái túi xinh xắn cõng quả thị bên trong thơm lừng. Thị có hai loại quả. Quả to tròn xoe, màu vàng nhạt thường có khoảng 6 đến 8 cái hột bên trong. Thị này thơm dịu. Loại quả thứ hai là thị sáp, quả dẹt, vỏ màu vàng đậm hơn, có mùi thơm nồng nàn hơn. Thường người ta hái thị còn xanh, vỏ hơi hường một chút để bán. Thị là loại quả dễ hỏng cần phải được nâng niu. Mùa thị đến là khi ta ăn mít thấy hạt mít nứt nanh, nảy mầm, ấy là đã đến mùa thị, khoảng cuối mùa hè, đầu mùa thu.

Mỗi đứa trẻ gái một túi thị đi dong dong ngoài phố khoe nhau, thỉnh thoảng đưa lên mũi hít hà. Thị chín tỏa hương thơm phức quyến rũ. Bọn trẻ lôi thị ra khỏi túi và nắn cho quả thị mềm đi. Quả thị chín được nắn sẽ nứt một kẽ nhỏ, em bé chỉ việc đưa lên miệng mút.

Mùa thị, bà ngoại rất hay mua thị của bà cụ hàng rau quẩy qua nhà. Chị em chúng tôi sung sướng mỗi đứa sở hữu mấy túi thị. Có túi lủng lẳng chèn vài ba quả. Không hiểu sao bà tôi lại bảo không được ăn thị. Mùi thơm khó cưỡng, chúng tôi vẫn lén bà mà chén thị như thường. Quả chín thật nhưng ăn xong vẫn thấy chan chát ở lưỡi , sin sít ở răng và cảm giác bứ cổ.

Thật ra trong quả thị có những hoạt chất chống viêm, kháng khuẩn, chống lão hóa, có nhiều vitamin C và đường. Ngoài ra quả thị còn có tác dụng bổ máu, chống ô xy hóa. Kể ra quả thị cũng thật có ích!

Bà ngoại không cho chúng tôi ăn thị cũng có lý. Không ăn thị chưa chín và khi bụng đói. Trong quả thị có nhiều chất tanin nhất là thị ương. Chất tanin kết hợp với a xít trong dạ dày khi ta đói, chúng kết hợp với nhau tạo ra những cục sỏi tạo nên chứng tắc ruột, rất nguy hiểm.

( thảo nào cụ hàng nước trong truyện cổ tích Tấm Cám chỉ xin ngửi thị, chứ không ăn thị hihi…)

Thiên nhiên ưu đãi chúng ta với nhiều loại quả phong phú, ngon lành và bổ. Quả thị là loại quả ngon có nhiều dinh dưỡng và lợi ích nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách.

Theo Chuyện quê