Sức lan tỏa từ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
THAM GIA TRỰC TIẾP XÂY DỰNG CON NGƯỜI VĂN HÓA, ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA
Đợt I của Giải thưởng từ năm 2015-2018, đã có hàng nghìn tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ của tác giả, nhóm tác giả, đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ trong nước và ở nước ngoài gửi về các địa phương, cơ quan, đơn vị, hội, tham gia Giải thưởng. Hội đồng của tỉnh, thành, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, của các hội chuyên ngành đã chọn hơn 2.000 tác phẩm, hồ sơ gửi về các Hội đồng sơ khảo chuyên ngành Trung ương. Trong số các tác giả gửi tác phẩm tham gia có những bậc cao niên như GS. TS. Hoàng Chí Bảo, có tác giả trẻ tuổi nhất (sinh năm 1992) như Trang Anh ở Cao Bằng; nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số (Tày, Thái, Chăm…), là người Việt Nam đang công tác, sinh sống ở nước ngoài (Cộng hòa Pháp, Đức, Liên Bang Nga, Nhật, Đài Loan, Úc…). Những cơ quan, đơn vị, tác giả thường xuyên tham gia và nhiều lần được trao giải thưởng như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); tác giả Hoàng Chóong, Đỗ Danh Gia, Nhà báo Phạm Hoài Nam, Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính, Nhà văn Chu Lai, NSND. Lê Hùng…
Về chất lượng, tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đã bám sát chủ đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về văn hóa Việt Nam, về Tổ quốc, quê hương. Một số tác phẩm có quy mô lớn, được ấp ủ cảm xúc qua nhiều thời gian, như: Hợp xướng “Nhớ lời Di chúc theo chân Bác” của Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính; tác phẩm múa “Ký ức dòng Lam” của nhóm tác giả Phạm Thanh Tùng, Lữ Thị Kiều Lê, Nguyễn Thị Thanh Hằng; tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành của tác giả Vũ Đại Bình; tác phẩm văn học “Theo lời Đảng gọi” của tác giả Vi Thị Thu Đạm; tác phẩm điện ảnh “Như hạt phù sa” của tác giả Vũ Minh Phương; Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Rouen, Pháp.
Hoạt động quảng bá có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các đơn vị truyền hình, phát thanh, xuất bản, nghiệp vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, nghệ sĩ trong nước và ở nước ngoài. Nhiều chương trình đã tạo ấn tượng thuyết phục đối với đông đảo khán thính giả, như chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Nâng bước trẻ em nghèo hiếu học”, “Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó” của Bộ đội Biên phòng; chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của VOV; chương trình “Đảng trong cuộc sống hôm nay” của VTV… Nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật, thông tin, truyền thông, nghệ sĩ, nhân dân tích cực, sáng tạo trong hoạt động quảng bá, góp phần làm lan tỏa giá trị, nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết quả học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, như: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần; Các trung tâm phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Tuyên Quang, Đắk Nông, Hòa Bình; Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long; Trung tâm Thông tin triển lãm TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị; Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh; Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa tỉnh Cao Bằng; Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La; Dàn hợp ca quê hương tại Cộng hòa Pháp; bà Hà Thị Thơm, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La; bà Phan Thị Lan Hương, Hội VHNT tỉnh Gia Lai; NSƯT. Phan Dy, Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế; bà Lê Thị Mạnh, Hội người việt tại Pháp; Nhà thơ, TS. Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, Việt kiều tại Liên Bang Nga; tác giả Giáp Văn Chung, Việt kiều tại Hungary…
Tại lễ tổng kết, trao giải đợt I (diễn ra ngày13/5/2018), Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã tặng 8 giải A; 34 giải B; 67 giải C; 55 giải khuyến khích; khen thưởng đối với 19 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá (164 giải thưởng; khen thưởng 30 tập thể, cá nhân về thành tích quảng bá).
Đợt II của Giải thưởng từ năm 2018-2020 có sự khởi sắc khá toàn diện. Về số lượng, so với giai đoạn 2015-2018 và các giai đoạn trước, tác phẩm VHNT, báo chí, xuất bản, số đơn vị, cá nhân tham gia quảng bá nhiều hơn, với gần 6.000 tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ của tác giả, nhóm tác giả, đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ trong nước và ở nước ngoài gửi về các địa phương, cơ quan, đơn vị, hội, tham gia Giải thưởng. Thành phần tham gia phong phú về độ tuổi, nghề nghiệp, vùng miền. Các lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành đều có tác phẩm tham gia Giải thưởng. Nhiều nhất là lĩnh vực báo chí (hơn 500 tác phẩm), tiếp theo là lĩnh vực mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu.
Về chất lượng, đa số các tác phẩm, công trình, ấn phẩm đã bám sát chủ đề Giải thưởng, trực tiếp tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Khá nhiều tác phẩm có quy mô lớn, dày công sáng tạo, sưu tầm, như: chương trình Chính luận – Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” của VOV; ca khúc “Dâng Người ngàn hoa chiến công” của tác giả Chẩm Hồng Giang (TP. Hồ Chí Minh); tác phẩm sân khấu “Gặp lại người đã chết” của tác giả Nguyễn Đăng Chương (Nhà hát Công an Nhân dân); tác phẩm Múa “Dũng sỹ Rừng Sác” của tác giả Trần Ly Ly (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam); Sưu tầm Văn nghệ dân gian “Những bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên dâng lên Bác Hồ kính yêu” của tác giả Trương Bi (TP. Hồ Chí Minh); 2 tập sách “Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường” của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; tác phẩm Văn học “Cánh cung đỏ” của tác giả Hà Lâm Kỳ (Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam); tác phẩm mỹ thuật “Tượng đài Bác Hồ tại khu lưu niệm 6 lời Bác Hồ dạy Công an Nhân dân” của tác giả Vũ Đại Bình (Hà Nội); tác phẩm Nhiếp ảnh “Mái ấm thiên thần” của tác giả Trần Thị Minh Hà (TP. Hồ Chí Minh)…
Hoạt động quảng bá cũng đạt kết quả tốt hơn so với các đợt trước; tăng cả về số lượng và hình thức hoạt động. Các đơn vị báo chí, xuất bản, nghiệp vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật; các cơ quan thuộc ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy; Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Cục Công tác Đảng, công tác chính trị – Bộ Công an tiếp tục duy trì quảng bá đều và hiệu quả. Hoạt động quảng bá đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong kế hoạch công tác hằng năm của các cơ quan, đơn vị. Nhiều chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả, như: chương trình “Học Bác mỗi ngày” của Truyền hình Thông tấn; “Học và làm theo Bác” của VTV… Một số đơn vị biểu diễn nghệ thuật, thông tin, truyền thông, nghệ sỹ, cựu chiến binh đã chủ động, sáng tạo trong hoạt động quảng bá, góp phần làm lan tỏa giá trị, nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết quả học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Nhà hát Chèo tỉnh Ninh Bình; Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Ban Quản lý các Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng; Nhà xuất bản Thanh Hóa; Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Yên bái; Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh; Hội Cựu chiến binh Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Đội chiếu phim số 1, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hòa Bình…
Tại lễ tổng kết, trao giải (diễn ra ngày 13/5/2020), Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã tặng 2 giải đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải khuyến khích; khen thưởng về thành tích quảng bá đối với 42 tập thể và 6 cá nhân (231 giải thưởng; khen thưởng 48 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá)
Kết quả cho thấy, sau mỗi đợt tổng kết, trao giải thưởng, khen thưởng, số lượng tác phẩm nhiều hơn, chất lượng tác phẩm, công trình được nâng lên, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm, xuất bản phẩm, công trình về chủ đề học và làm theo Bác đa dạng, phong phú hơn. Giải thưởng tiếp tục thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, phóng viên, người làm công tác xuất bản, thông tin, truyền thông và các tầng lớp nhân dân.
Để có kết quả trên, cấp ủy các cấp, cơ quan có liên quan đã bám sát thực tiễn của địa phương, cơ sở, đặc thù của từng loại hình văn học nghệ thuật, nghiệp vụ văn hóa, thông tin, truyền thông, kịp thời định hướng, cung cấp thông tin; tổ chức giao lưu, trao đổi về chủ đề sáng tác, tham quan, mở trại viết, đầu tư trang thiết bị…; tạo điều kiện về kinh phí, động viên tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá được duy trì thường xuyên, tiến hành thuận lợi, động viên văn nghệ sĩ, phóng viên, những người có tâm huyết phấn khởi sáng tạo. Cơ quan chủ trì, chỉ đạo đã chủ động phối hợp, tổ chức, hướng dẫn, động viên các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sĩ, nhà báo, toàn dân, toàn quân, đem tài năng, tâm huyết và tình cảm kính yêu Bác Hồ để sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua hoạt động sáng tác, quảng bá đã chọn ra những tác phẩm, ấn phẩm, công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Giải thưởng chính là sự kết tinh của những giá trị sáng tạo từ trái tim của mỗi người.
Nhìn lại 5 năm (2015-2020), thời gian không dài so với quá trình từ Cuộc vận động sáng tác, quảng bá (năm 2009) phát triển cho đến nay trở thành Giải thưởng, có thể nhận thấy một khối lượng lớn tác phẩm, ấn phẩm, công trình của hàng nghìn bộ óc, trái tim đầy tâm huyết, ngày đêm trăn trở, tìm tòi, sáng tạo. Những kết quả sáng tạo đó đã trực tiếp phục vụ đời sống của nhân dân, mang lại niềm tin, sự hứng khởi trong học tập, lao động, cống hiến. Và giá trị hơn, ý nghĩa hơn chính là các sản phẩm VHNT, báo chí, xuất bản đó đã tham gia trực tiếp xây dựng con người văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú.
|
GÓP PHẦN LAN TỎA SÂU RỘNG GIÁ TRỊ TO LỚN CỦA TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Giải thưởng nói riêng, hoạt động sáng tác, quảng bá nói chung thực chất là tuyên truyền về kết quả học tập và làm theo Bác, đã trở thành công việc thường xuyên của các Hội VHNT, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thu hút ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Thông qua tác phẩm, công trình, ấn phẩm, hình tượng nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, làm lan tỏa những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tham gia tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Để phát huy kết quả, khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín của Giải thưởng trong nhiệm kỳ XIII của Đảng, công tác tham mưu cho cấp ủy, chủ trì cơ quan, đơn vị về lĩnh vực này cần quan tâm một số điểm sau:
Một là, cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của VHNT, báo chí, công tác thông tin, truyền thông, hoạt động quảng bá tham gia Giải thưởng thực chất là tuyên truyền về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần làm lan tỏa ngày càng sâu rộng giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Hiểu sâu, nắm chắc Quy chế Giải thưởng giai đoạn 2021-2025, nhất là những điểm mới so với Quy chế Giải thưởng giai đoạn trước. Bám sát hướng dẫn của các Hội chuyên ngành ở Trung ương, chủ động nắm, cung cấp thông tin cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia Giải thưởng về điển hình, gương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Hai là, Quy chế Giải thưởng giai đoạn 2021-2025 đã ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương kịp thời hướng dẫn cho cơ quan, đơn vị liên quan, hội viên về chủ đề sáng tác, những quy định cụ thể, thể lệ, thời gian, địa chỉ nhận tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ về thành tích hoạt động quảng bá.
Ba là, cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, thường xuyên định hướng, cung cấp thông tin cho các đơn vị văn hóa, các hội, chi hội, nghệ sĩ, nghệ nhân, câu lạc bộ ở cơ sở để có dữ liệu, thực tế phục vụ cho công việc sáng tác, quảng bá.
Bốn là, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo cơ quan, đơn vị truyền thông, văn hóa chủ động, tích cực tuyên truyền kết quả Giải thưởng, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác với nhiều hình thức, sáng tạo, hấp dẫn.
|
Nhạc sĩ VŨ VIỆT HÙNG