Tắm tất niên
Từ ngày xửa ngày xưa, rau mùi – loài cây thân thảo chuyên dùng làm gia vị đã quá đỗi thân thuộc với người dân đất Việt từ Nam chí Bắc. Bát canh măng miến, đĩa nộm xu hào, đĩa hạnh nhân xào thịt… ngày tư ngày tết mà không điểm nhẹ vài cọng rau mùi (miền Nam gọi là “ngò rí”) bên trên coi như kém hẳn vị ngon. Hạt mùi (sách Đông y gọi là “Hồ tùy”) còn là một vị dược liệu vô cùng thần diệu trong y học truyền thống.
Sau khi thu hoạch hết đám rau vụ đông trước khi chuẩn bị gieo cấy vụ xuân – hè, bao giờ mẹ tôi cũng để dành một đám rau mùi nơi góc ruộng. Và rồi, những đám rau mùi lúc đầu chỉ la đà mặt đất vào một ngày đông tháng giá nọ, sau khi trổ lứa hoa vàng thơm ngát cánh đồng thì những quả (hạt) rau mùi bé tí xíu e lệ thẹn thùng đua nhau nhú ra.
Năm nào cũng vậy, vào cuối tháng Chạp, phải đổ ải sớm để xuống đồng cấy trước Tết Nguyên đán, mẹ tôi sai các con nhổ đám cây rau mùi ấy về rồi đem buộc thành từng chùm nhỏ treo dưới mái tranh cho chúng mượn những cơn gió bấc hanh hao se sắt mà tự khô dần, khô dần. Những khi gặp phải lúc trời mưa gió sùi sụt dầm dề lê thê, bà đem những túm thân cây rau mùi bé bỏng hao gầy treo trên gác bếp, mượn sức nóng của lửa hong khô.
Chiều 30 Tết, sau khi cây giò lụa đã luộc xong và chỉ còn phải canh chờ nồi thịt đông cho đủ độ chín nhừ, mẹ lại đem cái nồi “mười hai” bằng đồng thau ra và lấy những bó thân cây rau mùi đã rửa sạch cho vào nồi cùng những gáo nước mưa tinh khiết. Sau đấy, bà đặt cái nồi lên bếp củi. Chỉ mươi phút là đã có một nồi nước rau mùi dịu dàng thanh tao, mùi thơm mê hoặc thân quen. Anh em chúng tôi đứa nào cũng được mẹ đun cho một nồi nước rau mùi đặc để gội đầu và tắm rửa. Còn mẹ, vì phải lo đủ thứ việc không tên nên năm nào cũng thế, chỉ đến gần giao thừa mới tự thưởng cho mình một nồi nước rau mùi.
Được “tắm tất niên” bằng nồi nước hương liệu chiết lọc từ những cọng mùi bé bỏng mang theo những gì thanh khiết nhất của đất trời, cảm giác như được tiếp thêm năng lượng, cơ thể sảng khoái, tinh khôi. Và sáng mùng một Tết, trước khi thắp nén nhang trước ban thờ gia tiên, lại có một nồi nước rau mùi cho già trẻ lớn bé trong gia đình rửa mặt, rửa tay.
Sau này lớn lên, đi nhiều nơi rồi sinh sống ở Thủ đô, mới thấy cái tục “tắm tất niên” chả hề có ranh giới giữa nông thôn và thành thị. Những ngày áp Tết, trong giá rét mưa phùn phiêu diêu hư thực, hình bóng những bà những chị nhẫn nại rong ruổi khắp các ngóc ngách phố phường cùng đôi quang gánh hay chiếc xe đạp chở những bó mùi tươi. Tiếng mời chào thô mộc nhưng đầy giai điệu bổng trầm thương mến đến ngẩn ngơ: “Ai rau mùi đơi…”!
Ngẫm ra mới thấy lạ, thời của “thế giới phẳng”, có đủ loại mặt hàng hóa mỹ phẩm từ xa xỉ tới bình dân nhưng người Việt mình vẫn không có ý bỏ cái tục “tắm tất niên” bằng thứ nước thơm kỳ diệu từ cây rau mùi dân dã, thuần khiết. Và cái mỹ tục “tắm tất niên” ấy đã trở thành một gam màu đặc trưng tô đậm cho bức tranh Tết thuần Việt.
Trước thềm năm mới, lòng dạ lại xốn xang nhớ nồi nước “tắm tất niên” của người mẹ già chân quê cả đời tần tảo.