Tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu đến với bạn đọc trong diện mạo mới

0 289
Giai đoạn này, nhà văn Lê Lựu không còn nhận thức được rõ ràng cuộc sống xung quanh. Những tiểu thuyết nổi tiếng của ông được đến với độc giả trong diện mạo mới.

Lê Lựu là một nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm như Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Mở rừng… Thế nhưng, đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà không còn trên kệ của các nhà sách. Những độc giả trẻ tuổi, những độc giả ngày nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể đọc trên mạng, và không đầy đủ.

Với mong muốn nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn qua lăng kính của nhà văn Lê Lựu, Sbooks phối hợp với NXB Văn học đã xuất bản và phát hành bộ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu, với tấm lòng tri ân sâu sắc, khi mà trong thời khắc này, nhà văn đang trong giai đoạn tỉnh thức, không còn có thể hiểu được, nghe được những lời ngợi ca…

Nhà văn Lê Lựu lúc còn khỏe mạnh, tỉnh táo

Nhà văn Lê Lựu lúc còn khỏe mạnh, tỉnh táo

Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới để khai mở lại văn bản câu chữ.

Độc giả sẽ được cùng nhà văn trở lại những tháng ngày xưa, khi mà con người còn nhiều định kiến ấu trĩ, lạc hậu; nhưng cũng đầy ấm áp, thuần Việt mà ngày nay chúng ta dường như đánh rơi đâu mất…

Khác với nhiều bản in trước đây, tiểu thuyết Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng được họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, họa sĩ Linh Giang minh họa. Hai họa sĩ nổi tiếng này góp phần làm nên diện mạo mới mẻ cho sự trở lại của những tác phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người nhiều năm nay.

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời: Núi – người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, từ một cậu học sinh giỏi mà số phận đưa đẩy trượt dài để trở thành một tên trộm cắp.

Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối, bất hạnh đeo đẳng với những hậu quả của thời chiến tranh và bao cấp… Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa…

Tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu đến với độc giả trong diện mạo mới - Ảnh 2.

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” với diện mạo mới

Còn ở Thời xa vắng, nhân vật Giang Minh Sài dường như luôn phải sống theo ý người khác, cho đến lúc phải ly hôn lần thứ hai trong đời. Và lúc này, con người thật trong anh bừng tỉnh thức, nhận ra con đường mình cần phải đi, phải làm điều gì đó thật là mình, chính mình, và có ích. Đó là trở về lại làng quê để thực hiện ước nguyện xây dựng và thay đổi nếp sống nếp làm ăn mới ở quê…

“Có lẽ Thời xa vắng bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau…”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét.

Hoài Sa