Trở về miền ký ức qua tranh của họa sĩ Chu Mạnh Chấn
Nhiều tác phẩm gây ấn tượng với công chúng Thủ đô.
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn sinh năm 1933 tại Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội). Với các văn nghệ sĩ xứ Đoài, ông là thế hệ đàn anh, người thầy của nhiều nghệ nhân giỏi tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Ông dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu, thiết kế, giảng dạy về nghệ thuật sơn mài tại Trường Thủ công mỹ nghệ Hà Tây (nay là Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội).
Bên cạnh mảng thiết kế và giảng dạy, họa sĩ Chu Mạnh Chấn dành nhiều thời gian sáng tác tranh, chủ yếu về đề tài làng quê Việt Nam, lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống đang dần bị lãng quên.
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn vẫn miệt mài sáng tác.
Triển lãm “Miền ký ức” gồm 30 tác phẩm chọn lọc trong cuộc đời sáng tác của họa sĩ Chu Mạnh Chấn, đa phần bằng chất liệu sơn mài sở trường và một số tác phẩm bột màu, có thể kể đến là bức: “Ca trù”, “Chùa Tây Phương”, “Cổng làng”, “Cổng làng Thổ Hà”, “Đình làng Hạ”… và đặc biệt là bức tranh sơn mài “Lễ hội chùa Thầy” khổ lớn 4m x 2,5m tái hiện sinh động lễ hội lớn bậc nhất xứ Đoài xưa.
Cảm nhận về sáng tác của Nghệ nhân nhân dân, họa sĩ Chu Mạnh Chấn, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Ông là người phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên. Những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện đã mang cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng làm sống lại những vẻ đẹp xưa trong đời sống hiện đại”.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 3-4-2021.
Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Chu Mạnh Chấn:
Cổng làng
Ca trù
Lễ hội chùa Thầy