Mê mẩn loạt ảnh phục chế của những mỹ nhân là chuẩn mực của vẻ đẹp thời Nguyễn

Thời đại ngày nay nhìn lại vẫn không thể ngưng trầm trồ về vẻ đẹp mực thước của phái nữ ở triều đại vua chúa
0:00

Những ghi chép về mỹ nhân thời xưa ngày nay vẫn còn đôi chút hạn chế, do đó, hậu thế chỉ thường được nghe mô tả vẻ đẹp của người con gái, phụ nữ xưa qua ca dao, tục ngữ và thơ văn. Triều đại càng lâu đời thì tài liệu và hình ảnh lưu giữ càng ít. Thật may mắn, những thước phim ảnh về triều đại nhà Nguyễn – đời vua chúa cuối cùng của Việt Nam vẫn được truyền đời vẹn nguyên.

Dù ngày nay, quan niệm về vẻ đẹp có phần thay đổi theo thời gian, nhưng khi được chiêm nghiệm cận cảnh vẻ đẹp mực thước xưa kia của phụ nữ triều Nguyễn, ai nấy đều không khỏi trầm trồ. Mới đây, trong một diễn đàn mạng, dân tình xôn xao về loạt ảnh phục chế của vẻ đẹp chuẩn mực đó.

Bài đăng về hình ảnh nữ giới thời Nguyễn với một số đặc điểm lưu truyền được xem là chuẩn mực của vẻ đẹp xưa thu hút hơn 1.900 thả tim cùng hàng chục bình bình luận trong thời gian ngắn đăng tải.

Vị đầu tiên mặc trang phục rất chỉn chu, đeo vòng kiềng lớn, đầu đội mũ cầu kì này không rõ danh tính là ai nhưng cũng có thể là con nhà quan chức lớn. Cô sở hữu khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn cùng khuôn miệng chúm chím, nền nã và phúc hậu.

Nếu bạn đang tò mò không biết đâu là nguyên mẫu của câu nói mắt lá răm, lông mày lá liễu, sống mũi dọc dừa, mái tóc đen nhánh thì chính cô gái này đây. Một vẻ đẹp rất tự nhiên, truyền thống.

Ngày xưa, phụ nữ triều Nguyễn cũng được tiếp xúc với nền văn hóa, thời trang của Pháp nên ở họ có sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Chuẩn mực của phong cách làm đẹp ngày ấy luôn là áo dài, tóc tết gọn gàng nhường sự thanh thoát cho gương mặt.

Hình ảnh được chụp đen trắng nhưng thông qua sự giúp sức của công nghệ chỉnh ảnh, những đường nét của mỹ nhân xưa trở nên chân thực và thuyết phục hơn bao giờ hết.

Bên dưới bài đăng, dân tình thi nhau xuýt xoa khen ngợi: “Những người nữ này nếu sinh vào thời đại này vẫn cứ đẹp. Đủ tiêu chuẩn của 1 hot girl”, “Phụ nữ Việt Nam mình đẹp ghê á. Mỗi người một vẻ riêng không lẫn với ai”, “Ngẩn người”,…

Tất nhiên, khi nói về người phụ nữ đẹp của thời đại vua chúa cuối cùng này, không thể không nhắc đến Nam Phương Hoàng Hậu. Bà không chỉ là người hội tụ đủ các yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” mà còn là biểu tượng thời trang, sắc đẹp của cả một giai thoại lịch sử.

Theo lời vua Bảo Đại miêu tả, hoàng hậu là người “vừa có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam lại pha một chút Tây”.

Dù khoác lên mình bộ cánh hiện đại hay quốc phục truyền thống thì vẻ đẹp thức thời của bà vẫn không hề lung lay. Ở hoàng hậu luôn toát lên khí chất vương giả, cao sang và diễm lệ.

Tuy thời xưa, công nghệ làm đẹp chưa phát triển thế nhưng phụ nữ Việt cũng đã biết chăm chút cho diện mạo từ những nguyên liệu cây nhà lá vườn. Bí quyết làm đẹp đó cho đến nay vẫn được truyền đời và được nhiều chị em phụ nữ áp dụng. Dù hiệu quả không thể bì kịp mỹ phẩm công nghệ nhưng lại mang tính bền vững, an toàn mãi với thời gian.

Rửa mặt bằng nước vo gạo

Ông bà xưa vẫn thường cho rằng, hạt gạo được xem như là hạt ngọc của trời đất ban tặng, vì thế nước vo gạo cũng không được lãng phí. Phụ nữ xưa thường chắt nước vo gạo vào trong chén và dùng để rửa mặt như thể đang tận hưởng tinh hoa của đất trời.

Khi khoa học phát triển, nghiên cứu phát hiện rằng trong gạo có chứa nhiều vitamin B5 giúp ngăn ngừa lão hóa và làm trắng da. Thói quen dùng nước vo gạo để rửa mặt cũng được truyền cho đến ngày nay.

Làm trắng da với phấn nụ

Thời nhà Nguyễn, cung đình Huế có hẳn những xưởng chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi… với nguyên liệu chính đến từ thiên nhiên. Một trong những mỹ phẩm làm đẹp da nổi tiếng nhất vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay là phấn nụ cung đình Huế. Quy trình sản xuất loại mỹ phẩm cung đình này rất công phu, gồm 9 công đoạn bí mật với nguyên liệu chính là thạch cao và 10 vị thuốc bắc bí truyền, một số loại hoa, nước mưa xứ Huế tinh khiết…

Loại phấn này có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, làm trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế sự lão hóa của da.

Kẻ mày lá liễu với bông điên điển

Không phải đến bây giờ, đôi lông mày mới được chú trọng như thế mà từ xưa, phụ nữ Việt cũng đã đặc biệt chăm chút cho đôi lông mày của mình. Thời Nguyễn, sự gọn gàng, đậm nét của hàng chân mày vẫn được chú trọng hàng đầu.

Các mỹ nhân xưa thường thường lấy than đốt từ gỗ cây điên điển làm phấn tô lông mày. Sau này, khi văn hóa phương Tây du nhập vào, người ta đốt nút chai sâm-panh thành than với công dụng tương tự.

Gội bồ kết cho mái tóc đen mượt

Tục ngữ có câu: “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Các cụ xưa quan niệm, là con gái nhất định phải để tóc dài, đen óng và suôn mượt. Để sở hữu mái tóc đó, từ cung tần hoàng gia cho tới những người phụ nữ nông thôn, tất cả đều sử dụng nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, chế thành thứ dầu gội hoàn hảo, đó là dầu gội bồ kết.

Bồ kết có tác dụng làm sạch da đầu và tóc, giúp tóc mềm mại, đen mượt và trị gàu rất tốt. Ngoài ra, công thức còn được bào chế thêm tinh dầu nấu ra từ vỏ bưởi, chanh, lá hương nhu, sả.