Độc đáo Lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào
Mỗi khi nhắc đến đất nước Lào, chúng ta lại nhớ đến lễ buộc chỉ cổ tay. Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ rất lâu đời, nó mang nét đẹp về văn hóa về tinh thần của người dân xứ xở Triệu Voi.
Mâm Khoẳn trong lễ buộc chỉ cổ tay
Lễ buộc chỉ cổ tay được tiến hành vào các dịp Tết Bunpimay (Tết truyền thống của Lào), vào dịp cưới xin, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách, tân gia …. Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết với gia chủ. Tục lệ buộc chỉ cổ tay là một nét văn hóa độc đáo, nó thể hiện lòng mến khách đối với bạn bè của người Lào. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn đó là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng chúng tôi yêu mến các bạn.
Chủ lễ (tiếng Lào là móphon)chuẩn bị làm lễ
Lễ buộc chỉ cổ tay được chuẩn bị rất chu đáo, ban đầu gia chủ sẽ làm một mâm lễ cho buổi lễ (gọi là mâm Khoẳn) gồm có rượu, hoa, trứng, gà, xôi nếp, nước và chỉ trắng trang trí thành một hình tháp và trên đỉnh sẽ cắm một cây nến vàng. Bắt đầu vào buổi lễ, bên mâm Khoẳn, tất cả những người tham dự sẽ ngồi xung quanh, người chủ lễ sẽ ngồi đối diện với những người nhận lễ. Chủ lễ sẽ châm cây nến trên đỉnh của mâm Khoẳn và khấn vái. Những người xung quanh, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết, tình đoàn kết giữa các thành viên dự lễ.
Các em học sinh cùng thầy cô giáo thuộc Trung tâm tiếng Việt Savannakhet, các tham gia buổi lễ
Sau khi khấn xong, chủ lễ sẽ buộc chỉ tay cho người nhận lễ trước rồi lần lượt đến những người khác. Loại chỉ tay này được tết riêng, buộc thành chùm trên mâm lễ, cắt vừa đủ để buộc vào cổ tay. Sau đó những người khác cũng sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm Khoẳn và buộc cho cho nhau để cầu phúc, cầu may. Thông thường các vị khách chính, người già, gia chủ và phụ nữ sẽ được buộc nhiều nhất.
Người dân Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho chính mình. Bởi với họ cầu mong tốt lành cho người khác, thì sau đó, người khách sẽ lại mang bình an đến cho họ. Theo người dân ở nơi đây, để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lí do gì.
Chủ lễ buộc chỉ cổ tay cho chủ nhà và các vị khách
Chủ nhà, khách đều có thể buộc cho nhau
Không chỉ có những sợi mà những đồng tiền cũng được buộc cùng
Tục buộc chỉ cổ tay có từ ngàn đời nay và trở thành nét đẹp cho tâm hồn của những người dân xứ xở Triệu Voi.
Tuấn Anh