Nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa tái xuất bản hai cuốn sách văn học dành cho thiếu nhi “Ba nàng lính ngự lâm” và “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”.

Nguyễn Đình Tú thuộc thế hệ nhà văn 7x, gắn bó mật thiết với từng hơi thở của đời sống văn chương đương đại. Nhắc đến anh, người ta nghĩ ngay đến các tiểu thuyết: Hoang tâm, Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Nháp, Bên dòng sầu diện, Xác phàm, Kín, Cô Mặc Sầu, Chú bé đeo ba lô màu đỏ… những tác phẩm đã in dấu ấn văn chương anh trong đời sống văn học Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Nguyễn Đình Tú đưa thiếu nhi lạc vào hành trình của giấc mơ và hiện thực - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ảnh: NVCC.

Mới đây, hai tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi “Ba nàng lính ngự lâm” và “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” của nhà văn gốc Hải Phòng trở lại với bạn đọc bằng diện mạo rất rất ngộ nghĩnh, mới mẻ, thú vị.
“Ba nàng lính ngự lâm” gồm 17 câu chuyện nhỏ xảy ra ở lớp 1G trường Hoa Mai dưới cái nhìn của một cậu bé tên là Xuân Chinh. Mọi chuyện đều bắt đầu và xoay quanh 3 bạn gái là My xinh, Phương hot girl và Lam Anh “hung thần”. Nào là chuyện trốn trong toilet để không phải ăn cơm, chuyện một lớp phó học tập được bầu ra đơn giản chỉ vì cậu ta… quậy nhất lớp hay nỗi băn khoăn tại sao bạn này lại thân với bạn kia mà không phải là thân với mình.
Trải qua những phi vụ như Vụ mất tích bí ẩn, Dọa ma, rồi đến Anh hùng toilet, bạn đọc nhí sẽ biết đến Chiến công của My xinh, biết ai là Lính cứu hỏa không mặc quần, ai là Người mẫu và khán giả bất đắc dĩ; rồi cùng đến Nông trại để thăm nom trò chuyện với những cô bò sữa…
Câu chuyện chọn nghề của các bạn nhỏ cũng thật bất ngờ, bạn thì thích làm nghề lái xe, làm phi công, làm lính cứu hỏa, làm bộ đội, bạn thì thích làm nghề nặn tò he, và có bạn còn thích cả làm nghề… hoa hậu. Đó là những cái thích rất đúng với tâm lý của trẻ thơ, là những gì các bạn nhỏ đã được nhìn thấy, thích thú hay ngưỡng mộ.
Nguyễn Đình Tú đưa thiếu nhi lạc vào hành trình của giấc mơ và hiện thực - Ảnh 2.

Bìa sách “Ba nàng lính ngực lâm”. Ảnh: Sbooks.

“Chú bé đeo ba lô màu đỏ” là truyện dài dành cho thiếu nhi đã được ra mắt năm 2016. Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ về nguồn cảm hứng để anh viết tác phẩm: “Những đứa trẻ lên mười có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên mười cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên mười cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh.
Những đứa trẻ lên mười vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên mười cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ lên mười. Đó chính là “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”.
Nhân vật chính trong cuốn sách là cậu bé Hưng, một cậu bé tuổi lên mười ở một thị trấn nhỏ nằm khuất nẻo vùng trung du phía Bắc những năm 90 của thế kỉ trước. Từ nhỏ, Hưng sống với bố và chưa bao giờ được biết mặt mẹ. Nỗi tò mò về mẹ cứ lớn dần trong Hưng khi bị bạn bè tra hỏi riết ráo, thôi thúc Hưng bước vào hành trình tìm kiếm mẹ qua manh mối duy nhất mà cha cậu hé lộ. 
Mang theo hành trang là chiếc ba lô màu đỏ trên lưng, với biệt danh “chú bé đeo ba lô màu đỏ” do người bạn gái thân thiết cùng lớp thường gọi, Hưng lên đường hằng mong tìm được người mẹ yêu dấu, tìm về gốc gác nguồn cội của mình mà không thể tưởng tượng được rằng, hành trình mà cậu sắp trải qua sẽ gặp bao sóng gió. 
Trong hành trình ấy, Hưng đã đi qua nhiều vùng miền, gặp nhiều người khác nhau trong xã hội, cả người tốt lẫn kẻ xấu. Những biến cố, những sự kiện không may xảy ra liên tiếp giúp Hưng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, “không được sợ” – như lời cô Đào – một ân nhân đã cưu mang và yêu thương Hưng luôn nhắn nhủ với cậu.
Nguyễn Đình Tú đưa thiếu nhi lạc vào hành trình của giấc mơ và hiện thực - Ảnh 3.

Bìa sách “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”. Ảnh: Sbooks.

Trong cuốn sách ra mắt lần này, nhà văn Nguyễn Đình Tú công bố thêm “đoạn kết” thú vị của tập truyện dài này để bạn đọc rõ hơn.
PGS.TS Bùi Thanh Truyền chia sẻ về “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”:  “Liên tiếp những sự kiện, biến cố bất ngờ khi móc nối, khi buông lửng, khi theo trật tự thời gian tuyến tính, lúc đảo tuyến thời gian, nhiều mạch truyện sự kiện, hành động đan xen những hồi ức, tâm trạng nhân vật người kể chuyện, sự chuyển đổi tự nhiên trong ngôi kể, hình thức trần thuật để tạo niềm tin và khơi mở xúc cảm tích cực ở bạn đọc… tất cả tạo nên một sức hấp dẫn, ám gợi rất lớn đối với trẻ thơ” 
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cũng bày tỏ: “Rất nhiều những tác phẩm văn học dành cho thiếu niên hiện nay có xu hướng kéo trí tưởng tượng của các em đi xa nhất, khám phá những vùng hiện thực… không có thực, thì Nguyễn Đình Tú đã có một “hành trình ngược”. Nhà văn đã đưa các em khám phá chính những vẻ đẹp trong những điều dung dị của cuộc sống trần thế thân thuộc này theo từng bước chân của cậu bé Hưng bị số phận đẩy đưa trong hành trình xuyên Việt mà cậu vừa là nhân vật chính, vừa là một hướng dẫn viên du lịch cho bạn đọc”.
Kim Thu