Ðàn trâu sơn mài độc đáo ở làng cổ Ðường Lâm
Ðến làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội) trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu, khách du lịch sẽ ngạc nhiên thích thú khi được ngắm nhìn đàn trâu ngộ nghĩnh, xinh xắn trưng bày tại không gian những ngôi nhà cổ. Ðây là những chú trâu nằm trong bộ 1.010 tượng trâu sơn mài được họa sĩ, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát thực hiện để bày tỏ tình yêu với quê hương và cũng là để tạo điểm nhấn du lịch mới cho ngôi làng cổ ở “đất hai vua”.
Sinh ra trên mảnh đất Sơn Tây, nhà chỉ cách làng cổ Ðường Lâm chừng vài cây số cho nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã gắn bó với văn hóa xứ Ðoài. Trong tiềm thức của anh, con trâu không chỉ là hình ảnh bình dị, thân thuộc gắn liền đời sống nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa của Việt Nam, tượng trưng cho ước mong về sự no đủ, hạnh phúc, mạnh mẽ. Vì lẽ đó mà người họa sĩ sinh năm 1983 có khá nhiều sáng tác gắn liền hình ảnh con trâu. Năm 2020, anh giành giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam với tác phẩm “Trâu hoa Lạc Việt”. Ðây cũng là tác phẩm đã gợi cảm hứng để Nguyễn Tấn Phát quyết định thực hiện bộ tượng trâu sơn mài gồm 1.010 chú trâu nhân Kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long – Hà Nội và mừng năm mới Tân Sửu 2021.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên những sản phẩm tượng trâu sơn mài.
Bắt tay làm từ tháng 10-2020, đến nay anh đã hoàn thành hơn 400 mẫu tượng. Mỗi tượng cao trung bình 20 cm, dài 40 cm. Ðiều đặc biệt là không mẫu nào giống mẫu nào, tất cả đều được làm thủ công và mỗi sản phẩm đều là độc bản. Chiêm ngưỡng bộ sưu tập đầy thú vị này, sẽ dễ dàng nhận ra các mẫu trâu được sáng tạo theo những chủ đề riêng. Bên cạnh hình ảnh đáng yêu của những chú trâu thuần nông với đôi sừng to, chắc khỏe, còn có dáng vẻ ngộ nghĩnh của những chú trâu được cách điệu theo hình cổng làng, mái nhà cổ, cửa sổ, hay trâu hóa rồng, trâu phượng hoàng. Trên mình trâu là những hoa văn truyền thống Việt Nam được chạm khắc một cách tinh xảo, khéo léo như họa tiết trống đồng, mây cuộn, chữ thọ, chữ hỷ… Nhìn những chú trâu căng bóng, tạo dáng sinh động và mềm mại, thoạt đầu nghĩ chúng được làm từ đất nung, hỏi ra mới biết phần lớn làm bằng những mẩu, miếng gỗ mít không còn dùng đến đã được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lựa về từ những ngôi nhà trong làng và các xưởng mộc. Anh cho biết, để biến những miếng gỗ này thành tượng trâu phải trải qua nhiều khâu sáng tạo. Ðầu tiên là vẽ trên giấy, sau đó nặn bằng đất để định hình, tiếp đó mới đục trên gỗ, rồi khảm trai, khảm trứng để tạo thành tác phẩm sơn mài kiểu truyền thống. Mỗi công đoạn cần tới từ 15 đến 20 ngày mới hoàn thiện, trong đó phải tính đến yếu tố thời tiết bởi độ ẩm cao hay thấp cũng ảnh hưởng khá nhiều tới tốc độ khô của sơn và việc bảo quản gỗ… Bên cạnh gỗ mít, một số ít mẫu trâu còn được anh làm từ gáo dừa để tạo thành những giỏ, bát đựng đồ, từ đó tăng thêm tính ứng dụng cho sản phẩm. Sử dụng những chất liệu thuần Việt và vô cùng thân thiện với người dùng để sáng tạo, anh muốn gửi đi thông điệp bảo vệ môi trường. Ðây cũng là một trong những yếu tố khiến những sản phẩm mỹ nghệ của anh luôn “ghi điểm”, được khách hàng đánh giá cao. Anh dự kiến ra mắt triển lãm online về bộ sưu tập tượng trâu vào tháng 4-2021, ngay sau khi hoàn thành 1.010 tác phẩm. Anh hào hứng cho biết, hầu như mẫu tượng trâu nào vừa làm xong cũng có người đặt hàng ngay. Ðiều này tạo động lực thôi thúc người nghệ sĩ trẻ không ngừng sáng tạo để làm nên những sản phẩm có giá trị.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, anh đã từng trải nghiệm với nhiều chất liệu tranh khác nhau như bột mầu, sơn dầu…, nhưng chỉ có thể tìm thấy bản ngã nghệ thuật của mình ở sơn mài. Ðam mê này càng được chắp cánh khi anh theo học chuyên ngành sơn mài Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội. Và đặc điểm khiến những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Tấn Phát không bị trộn lẫn là bởi anh đã dũng cảm theo đuổi một ngách hẹp không dễ chinh phục của mỹ thuật là văn hóa dân gian. Cũng là hình ảnh trâu, dê, gà, lợn…, nhưng qua óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của anh liền trở thành những tác phẩm tinh xảo, mang đậm hồn cốt Việt. Theo đuổi sơn mài truyền thống nhưng Nguyễn Tấn Phát không bao giờ chịu bằng lòng với những gì mình đã học hỏi, lĩnh hội được. Anh không ngừng đưa vào sơn mài nhiều chất liệu mới tưởng chừng không thể kết hợp để tạo ra những sản phẩm độc, lạ. Năm 2017, tại
Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Nguyễn Tấn Phát đã trở thành một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh. Vai trò hai trong một: nghệ nhân kiêm họa sĩ khiến anh vừa có lợi thế về kỹ năng sáng tác, tạo hình, vừa có thế mạnh về kinh nghiệm làm chủ nguyên liệu.
Tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng cao ở những cuộc thi quy mô lớn như: Giải nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014, 2019; quán quân cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam năm 2020… Khởi nghiệp bằng nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất quê hương, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã bước đầu tạo được những dấu ấn riêng trên con đường mình chọn. Ðó cũng là cách anh thể hiện tình yêu với quê hương và những giá trị văn hóa Việt Nam.