Đi tìm giá trị và ý nghĩa lời ru
Trong kho tàng văn hóa, văn học dân gian, lời hát ru và tiếng hát ru là một loại hình văn hóa phi vật thể, có giá trị nghệ thuật của ông cha ta từ ngàn năm qua để lại. Hát ru thông qua hình thức truyền khẩu là chính, nên qua nhiều đời, nhiều thế hệ mà lời hát ru có thể biến tấu theo từng địa phương, theo vùng miền; âm điệu lời ru cũng được thăng hoa hay phá cách tùy theo người hát ru.
Hát ru con. Tranh minh họa: internet
Qua lời ru mượt mà, trầm bổng, ấm áp ấy, đứa trẻ nhận được tình cảm của người ru truyền sang. Đó là tâm tư thầm kín, tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, đạo lý làm người… thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ. Tựu trung, lời ru là một nét đẹp văn hóa.
Dù chưa hiểu được ý nghĩa và nội dung lời ru, nhưng đứa trẻ nào cũng cảm thấy dễ chịu và ngủ một cách ngon lành trong giai điệu ngọt ngào của lời ru. Qua lời ru mộc mạc và bình dị, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, ân cần, chở che nó trong giấc ngủ. Cũng qua lời hát ru, lòng nhân ái được hình thành trong tâm hồn tuổi thơ, vun đắp thêm tình cảm gia đình.
Vùng lưu vực châu thổ sông Hồng có đặc trưng của nền văn minh lúa nước, là chiếc nôi hình thành nên văn hóa làng xã. Ở sự tương đồng văn hóa đó, sẽ không thể thiếu những câu đồng dao, ca dao, tục ngữ về đạo nghĩa, sự vật hiện tượng, kinh nghiệm sản xuất, tình cảm gia đình, làng xóm, tín ngưỡng dân gian và ẩm thực vùng miền nhiệt đới, gió mùa. Cùng với đó là những sân đình, cây đa, bến nước, con đò; con cò, con vạc, con nông, con trâu, cái kiến… Để rồi hiện tượng, sự vật đó uyển chuyển đi vào lời ru một cách khéo léo, tài tình. Người ru thường mượn những sự vật, hiện tượng đó để truyền những tâm tư, tình cảm vào tâm hồn trẻ thơ. Song, cũng qua đó thể hiện tâm tư, tình cảm cá nhân với người nghe ngoài đối tượng là đứa trẻ được ru. Trong hát ru, lời ca thường được lấy từ đồng dao, ca dao, hay trích các bài thơ hoặc các điệu hò dân gian: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”…
Lời hát ru không hẳn được đào tạo bài bản qua sách vở và giáo dục gia đình. Nó được truyền khẩu từ thế hệ trước sang thế hệ sau một cách tự nhiên. Cùng một bài hát ru, mỗi người ru lại có một cách thể hiện khác nhau. Thông thường, những bài thơ theo thể thơ lục bát, song thất lục bát dễ đưa vào lời ru hơn vì có nét mượt mà, trầm bổng. Trước khi ru trẻ, người ru thường đọc những bài đồng dao, nhịp điệu tung tẩy để trẻ tập trung lắng nghe: “Cô lô cô lốc/ Một trăm gánh ốc/ Một nghìn gánh trai/ Mười hai gánh hến/ Đổ vào đầu cô”; hay “Kéo cưa lừa xẻ/ Thợ khỏe cơm vua/ Thợ thua cơm làng/ Thằng bé lang thang/ Chạy về bú mẹ”; “Cái con lanh chanh/ Làm đổ bát canh/ Bà cô bắt đền/ Đi hái rau dền/ Cho bà cô ăn”… Khi bé đã có vẻ chăm chú, sẵn sàng nằm gọn trong vòng tay âu yếm của người ru, cùng với tiếng võng kẽo kẹt đều đều, thì người ru bao giờ cũng bắt đầu bằng từ “À ơi…!”. Và sau đó đi vào lời thơ của câu lục, cuối câu sẽ ngân dài. Đến câu bát, từ thứ tư sẽ đệm một từ “à ơi” mới hát tiếp, cuối câu bát cũng ngân dài; và tiếp tục như vậy hát ru đến hết bài này sang bài khác đến khi trẻ đã đi vào giấc ngủ sâu nồng.
Về khía cạnh khác, lời hát ru còn là những điều gửi gắm, là thông điệp, là nỗi niềm tâm tư thầm kín, bày tỏ một cách khéo léo qua lời ru, để cho những người trưởng thành gần cận nghe nữa. Một số bài ru vui vui mà mang đầy ý nhắc nhở về đạo lý, ứng xử cho tròn bổn phận, bài học về cách sống, lâu nay ít được nằm trong những bài hát ru phổ biến.
Ở trong hoàn cảnh gia đình mà người chồng có tính gia trưởng, vũ phu, hay nhu nhược, bài hát ru thường được cất lên rằng: “Cái cò là cái cò quăm/ Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai/ Có đánh thì đánh sớm mai/ Chớ đánh buổi tối lấy ai mà nằm”… Với người vợ vụng về, chưa chu toàn bổn phận thì lời ru khéo léo, tế nhị giúp người nghe nhận ra và dần hoàn thiện bản thân hơn: “Vợ người ăn nói nhẹ nhàng/ Vợ tôi lốp đốp như rang bỏng mì/ Vợ người khéo đứng khéo đi/ Vợ tôi đi lại méo phi bẹp thùng/ Vợ người đầu tóc gọn gàng/ Vợ tôi lếch thếch đầu quàng ổ rơm/ Vợ người canh ngọt dẻo cơm/ Vợ tôi náo nháo cháo cơm thất thường”…
Trong khi con cái chểnh mảng, lười học, thì ông bà, cha mẹ gửi gắm qua lời ru: “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Ba cái cùng béo vặt lông cái nào?/ Cái Cò lười học làm sao/ Bài thì không thuộc, lội ao suốt ngày/ Cái Vạc không chịu làm bài/ Đêm khuya đi nghịch, sáng ngày ngủ trưa/ Cái Nông thì cũng chẳng vừa/ Ngồi ì trong lớp chẳng thưa, chẳng rằng/ Học hành như vậy nên chăng/ Tôi khuyên ba cậu phải năng học hành”.
Những bà mẹ thuộc thế hệ có tên gọi là “u” thường là người đông con, đông cháu; hết ru con rồi đến ru cháu; nên các u vừa thuộc nhiều bài hát ru, vừa tinh tế trong cách ru trẻ. Còn nhớ, sau thời kỳ bao cấp, nhiều thanh niên nam nữ ly hương đi học tập, làm ăn xa, có khi vào tận miền Nam. Có người cái hay, cái đẹp chưa học được; mà cái dở, cái nhố nhăng đã khoác lên người, trở về quê hương với bộ dạng kịch cỡm, đua đòi. Các u từ làng trên, xóm dưới đã nhanh chóng truyền khẩu nhau bài hát ru: “Chiều nay ra đón anh về/ Gặp bao bè bạn kẻ chê người cười/ Tưởng anh gọn đẹp hơn người/ Nhìn trông chẳng khác đười ươi trên rừng/ Tóc dài chấm tận ngang lưng/ Mai xòe, mai cụp giống sừng con hươu/ Quần loe quét đất sớm chiều/ Xin anh hãy sớm biết điều sửa ngay”. Chẳng biết có phải đi đâu cũng “được” nghe những lời ru kiểu này, hay ý thức hệ văn hóa ngày càng được xã hội chấn chỉnh và đào thải, mà những hình ảnh lệch chuẩn này dần dần không còn chỗ đứng ở sau lũy tre làng?
Ngày nay, thế hệ “u” dần dần đi vào thiên cổ, “tre già, măng mọc” là lẽ ở đời. Tiếc rằng, lời ru và hành động hát ru cũng mai một theo đối với những bà mẹ trẻ. Một xã hội sôi động, ồn ào, tấp nập hơn, đã lấn át những giây phút thảnh thơi bên chiếc võng đung đưa, những lời ru trầm bổng cất lên mượt mà, thánh thót; không chỉ trẻ, mà người lớn cũng phải thổn thức, xao lòng.
Qua nghiên cứu, từ những lời ru vui có ý nhắc nhở nhau như vậy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thế hệ trước qua thế hệ sau… mà hình thành nên một đại gia đình đoàn kết, yêu thương, bảo ban, che chở nhau. Đó là mẫu của một gia đình truyền thống. Để rồi, các thành viên trong gia đình, ai cũng có thể cất lên lời ru với lòng tự hào về truyền thống gia đình: “À… ơi! Ông bà như tấm gương trong/ Cha mẹ hòa thuận, hiếu trung vẹn tròn/ Thảo hiền lớp lớp cháu con/ Gia đình hạnh phúc mãi còn sáng soi”.
Hoàng Tiến Điểm