Ai muốn ‘đi’ tàu điện Hà Nội, đến ngay phố Đào Duy Từ
Dự án dường sắt xe điện được khởi công vào năm 1900, công ty Compagnie des Tramways Électriques d’Hanoï et Extensions (CTEH) đã được thành lập để xây dựng hai tuyến xe điện đầu tiên, và cùng được khánh thành vào tháng 11/1901.
Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, vào năm 1943, tuyến số 5 được kéo dài về phía Nam tới tận đường vành đai Route Circulaire (nay là phố Đại La) để phục vụ Bệnh viện René Robin (Bệnh viện Bạch Mai), Đài phát thanh Hà Nội và sân bay Bạch Mai.
Với việc lắp đặt hoàn tất tuyến số 5, mạng lưới xe điện tại Hà Nội đã đạt chiều dài khoảng 30km. Bao gồm các tuyến: Bờ Hồ – Bạch Mai sau đó kéo dài tới Chợ Mơ (tuyến số 1), Bờ Hồ – Chợ Bưởi (tuyến số 2), Bờ Hồ – Ấp Thái Hà – Cầu Đơ, Hà đông (tuyến số 3), Bờ Hồ – Cầu Giấy (tuyến số 4) và Bờ Hồ – Đại La (tuyến số 5).
Tuy nhiên, vào đầu những năm 1980, những đường ray, dây xích và các toa tàu đã bị xuống cấp đến mức không còn sử dụng được. Điều này dẫn đến việc tuyến số 1 đã bị đóng vào năm 1982, sau đó là tuyến số 4 (Cầu Giấy), tuyến số 3 (Hà Đông), và tuyến số 5 (Yên Phụ) cũng dừng khai thác. Cuối cùng, tuyến số 2 (Đường Bưởi) đã ngừng hoạt động vào năm 1989.
Đến năm 1986, tuyến số 4 (Cầu Giấy) đã được mở lại, và các đầu máy của xe điện cũ được thay thế bởi những chiếc xe điện bánh hơi được nhập về từ Đông Âu. Xe điện này chạy bằng dây cáp trên tuyến Hà Nội – Cầu Giấy. Tuy nhiên, đến năm 1993, những chiếc xe điện bánh hơi cũng dần bị biến mất cùng quá trình hiện đại hóa đất nước.
Giờ đây những hình ảnh một một thời về phương tiện công cộng đầu tiên của Thủ đô chỉ còn là kí ức thì việc xuất hiện hình ảnh toa tàu điện trên phố đã thu hút khá nhiều sự hiếu kì.
Mặt tiền trên phố Đào Duy Từ thực sự là “tấc đất tấc vàng”. Vậy mà chủ nhân căn nhà đã cắt hẳn một phần toa xe điện và đưa vào trong phố chỉ với mục đích như một điểm “Check-in” thì quả là một ý tưởng thiết kế đầy táo bạo. Điều này xuất phát từ tình yêu quá lớn của chủ nhà dành cho phương tiện một thời.
Với mức đô thị hóa ngày càng nhiều, có vẻ như những nét văn hóa xưa của Hà Nội dần mai một. Do vậy việc tái tạo những hình ảnh như này chính là một nét giữ gìn văn hóa xưa.
Chị Thanh Tina (một việt kiều Pháp) đã gần như phát cuồng khi nhìn thấy hình ảnh toa tàu điện trên phố. Mặc dù hiện trạng lúc chị nhì thấy nó vẫn là một công trường ngổn ngang, nhưng do quá ấn tượng nên chị và nhóm bạn đã xin phép chủ công trình cho trèo lên để chụp hình.
Anh Dương – một người kinh doanh gần đó cho biết: “Ngày nào cũng có hàng chục người qua đây chụp hình rồi live stream, những ngày tết hoặc ngày lễ thì con số tăng gấp bội”.
Tàu điện Hà Nội xưa giờ gần như chỉ còn trong kí ức và trên hình ảnh tư liệu. Việc chủ nhà hy sinh cả một mặt tiền kinh doanh bạc triệu để lưu giữ kỉ niệm về một phương tiện xưa thì là một điều đáng trân trọng.