Ba mẹ không giỏi tiếng Anh học cùng con thế nào?

Phụ huynh cùng con làm quen với từ vựng đơn giản, sau đó là câu chuyện ngắn, bài hát… để tăng khả năng giao tiếp, theo chị Nguyễn Thị Hoa, nhà sáng lập IMAP Việt Nam.

Có nhiều tranh cãi về việc phát âm chuẩn, con trẻ liệu có cần phát âm chuẩn ngoại ngữ ngay từ đầu? Hay bố mẹ không phát âm chuẩn có nên dạy con? Chị Nguyễn Thị Hoa cho rằng phụ huynh nên đồng hành cùng con. Bởi ngay cả với những người bản ngữ, khác biệt vùng miền cũng khiến cách phát âm có nhiều khác biệt.

Cùng ở nước Anh, người London có cách phát âm khác với người ở Liverpool, cũng khác với người ở Manchester… Vì vậy, “chuẩn” theo chị Hoa là một khái niệm mơ hồ bởi trên thực tế không có gì là tuyệt đối, cũng không có một bộ quy tắc nào quy định sự chuẩn hóa của phát âm tiếng Anh.

Giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching) là kỹ thuật giảng dạy ngoại ngữ được áp dụng nhiều nhất ở các nước coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Phương pháp này không đề cao việc phát âm chuẩn mà nhấn mạnh vào khả năng hiểu được (intelligibility) của người nói trong môi trường giao tiếp. “Vì vậy thay vì cố gắng để các con nói chuẩn, mục tiêu mà ba mẹ và các con nên hướng tới khi học tiếng Anh là phát âm đúng”, chị Hoa khẳng định.

Là người mẹ đồng thời là một cô giáo, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ kỷ niệm bước đầu đồng hành cùng con: “Kiến thức là vô hạn, vì thế có những lần con hỏi một từ, tôi chỉ trả lời qua loa cách phát âm khi nhìn mặt chữ, tuy nhiên vì không chắc chắn nên tôi đã tra lại và sửa ngay cho con cách phát âm đúng của từ đó. Ba mẹ đừng ngại sai trước mặt bé, vì một lần mắc lỗi thì không chỉ bản thân ba mẹ rút kinh nghiệm mà cũng là cơ hội để bé hằn sâu kiến thức hơn”.

Ngoài ra, chị Hoa còn chia sẻ các bước học tiếng Anh tại nhà đơn giản cùng con:

Bước 1: Bắt đầu với những từ vựng đơn giản

Dù người lớn hay trẻ nhỏ, khi tiếp nhận kiến thức với tâm thái vui vẻ thì mới có thể tiếp thu kiến thức tốt và nhanh. Để làm được điều này, ba mẹ nên tranh thủ bất cứ lúc nào có cơ hội để dạy con từ vựng mới, ví dụ như khi con đang chơi, ba mẹ có thể chỉ vào đồ vật và dạy con những từ đơn giản hay sử dụng flashcard để xây dựng hoạt động cho bé vừa chơi vừa học.

Bước 2: Mở rộng hơn với câu chuyện ngắn, bài hát và video để tăng khả năng giao tiếp cho trẻ

Sau khi bé đã quen và có vốn từ vựng tiếng Anh cơ bản, ba mẹ cần mở rộng hình thức học để con chủ động hiểu biết ngôn ngữ nhiều hơn bằng các hoạt động đọc sách truyện, nghe bài hát và xem video tiếng Anh để bé phát triển kỹ năng phản xạ ngôn ngữ.

Với truyện, video hay bài hát thì bố mẹ cần có một bước là cho trẻ tư duy qua hình ảnh bằng câu hỏi đơn giản với bìa sách như “What’s this?”, “What animal is this?”, “How many…?”, “Can you guess what gonna happen…”, “What can you see in the picture?”… Đây đều là những câu hỏi mang tính gợi mở giúp khơi gợi sự tò mò khiến bé tập trung hơn khi học.

Trong quá trình đọc hoặc xem video, ba mẹ nên sử dụng phương pháp Shadowing, tức là lặp lại nội dung và giọng điệu của nhân vật, từ đó giúp bé sản sinh ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đây cũng là cơ hội để ba mẹ trau dồi kỹ năng phát âm cùng bé. Cuối cùng, ba mẹ cần rà soát lại bằng cách hỏi bé những câu hỏi trước đó để bé một lần nữa được nhắc lại kiến thức.

Thảo Linh