Cây sung – vị thuốc quý trong vườn
Cây sung là loài cây rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Lá sung, quả sung là thực phẩm rất được ưa chuộng. Vậy nhưng ít ai biết rằng các bộ phận khác của cây sung cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
1. Nhận biết cây sung
Cây sung (Ficusglomerata Roxb. var. chittagonga King), họ Dâu tằm (Moraceae). Cây sung phổ biến ở các vùng núi thấp dưới 700m, vùng trung du và đồng bằng trên hầu hết các vùng miền trong cả nước.
Vỏ sung, nhựa sung, lá sung chữa bệnh rất tốt (Ảnh: Internet)
Cây thường cao tới 15 – 20m, thân có nhiều u lồi và sẹo. Lá mọc so le, hình giáo hoặc bầu dục, thường bị một loạisâu bọ ký sinh, gây ra những mụn nhỏ gọi là “vú sung”. Cụm hoa mọc dầy ở thân và cành già. Quả phức. Hầu như tất cả các bộ phận của cây sung đều được sử dụng, như lá, quả, nhựa và vỏ sung.
Trong nhựa sung chứa các thành phần như bergenin, lupeol acetat và β – sitosterol. Lá sung non cùng với lá đinh lăng, lá mơ lông… ăn với nem chạo… Quả sung xanh chứa tanin… Quả sung đã muối chua, ăn cùng với thịt… cũng là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
2. Một số chứng bệnh có thể điều trị bằng các bộ phận của cây sung
– Trị đau đầu vùng thái dương: nhựa sung mới lấy, phết đều lên mặt của 2 mảnh giấy bản có đường kính, khoảng 3 cm, dán nhẹ vào 2 bên thái dương, sẽ có tác dụng giảm đau rõ rệt. Song song có thể ăn 20 – 30g lá sung non, hoặc uống khoảng 5 ml nhựa sung tươi, hòa với nước sôi để nguội.
– Trị mụn nhọt, sưng đau: lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt mới lên hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 – 3 lần; hoặc dùng lá sung non, giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau, ngày vài lần.
– Vỏ sung chữa tắc tia sữa, viêm tuyến vú: vỏ sung tươi, cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, lá bồ công anh tươi, lá phù dung tươi, mỗi thứ 20g, thêm ít muối ăn, giã nát, đắp vào nơi sưng đau. Ngày thay 2 lần thuốc.
– Lá sung chữa mất sữa: lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể, mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn.
– Trị bỏng: lấy các lá vú sung, phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng, ngày nhiều lần.
GS.TS Phạm Xuân Sinh
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội