Đánh thức các không gian di sản ở Hà Nội
Các không gian mang tính cộng đồng trong đô thị đều có khả năng nhiều hơn những gì vốn có nếu được nhìn nhận và phát huy đúng. Lâu nay các không gian công cộng hay kiến trúc mang yếu tố lịch sử trong đô thị Hà Nội dường như bị bỏ quên hoặc chưa khơi dậy được hết tiềm năng kết nối và thu hút cộng đồng cũng như nâng cao giá trị cảnh quan, văn hóa chung.
Một ví dụ rất đáng nói trong câu chuyện này, đó là với nỗ lực hợp tác cùng chính quyền quận Hoàn Kiếm và Hội Kiến trúc sư Hà Nội, chúng tôi và nhóm nghệ sĩ tình nguyện đã tiến hành một số dự án nghệ thuật công cộng mang tính chất đánh thức những không gian công cộng trong địa bàn quận, như dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng đã làm sống lại một đoạn phố gầm cầu Long Biên vốn bị bỏ quên nhiều năm thành bãi đậu xe và “nhà vệ sinh lộ thiên”, đồng thời thổi hồn vào nó để biến nơi đây trở thành một khu phố nghệ thuật công cộng, một điểm nhấn văn hóa thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm trong suốt 4 năm qua.
Hay như dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân năm 2020 đã biến toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng vốn rất ô nhiễm, tối tăm trước đó có được một đời sống mới sáng sủa, sạch sẽ, hòa nhịp cùng những tác phẩm sắp đặt ngoài trời chạy dọc hơn 500m ven sông. Một bến sông lịch sử nơi cửa ngõ giao thương của Thăng Long – Kẻ Chợ một thời đã được hồi sinh và thổi vào một luồng sinh khí nghệ thuật hoàn toàn mới, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan trong hơn nửa năm qua.
Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng như vậy đã làm cho không gian vốn chật hẹp của khu vực trung tâm thành phố được cân bằng trở lại và tìm được sức sống mới ngay trên chính những di sản kiến trúc đậm tính lịch sử.
Tiếp theo những nỗ lực đó, chúng tôi cùng nhóm sinh viên chuyên ngành Lụa và Sơn mài của khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã cố gắng tích hợp một dự án nghệ thuật vào một ngôi đình mới được trùng tu trong khu vực phố cổ nằm sát hồ Hoàn Kiếm. Đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống), ngôi đình 2 tầng nằm trên con phố chứng kiến sự ra đời, hưng thịnh và lụi tàn của dòng tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng, giờ lại chính là nơi diễn ra sự gặp gỡ, thăng hoa của người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh – nghệ nhân Lê Đình Nghiên, với nhóm sinh viên, những nghệ sĩ trẻ chuẩn bị bước vào con đường sáng tác độc lập.
Sau một tháng diễn ra workshop, miệt mài nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, một triển lãm nghệ thuật đương đại có tên Từ truyền thống tới truyền thống đã ra mắt tại ngôi đình. Triển lãm mang đến một cảm giác “vừa vặn” với không gian ngôi đình cổ mới được trùng tu, tức là tác phẩm lấy cảm hứng trực tiếp từ một dòng tranh xưa cũ ấy đã cộng hưởng được với không gian trưng bày, mang lại cảm nhận vừa mới lạ vừa thân quen, khiến ngôi đình được nhìn rõ hơn với một vẻ đẹp hoàn toàn khác. Giá trị của chính ngôi đình cũng như của dòng tranh dân gian Hàng Trống cùng lúc được nhận diện lại qua những tác phẩm tạo hình tươi mới đầy sức sáng tạo của thế hệ họa sĩ trẻ được sắp đặt tương tác trong không gian này. Một ngôi đình vừa là không gian tín ngưỡng vừa là không gian nghệ thuật độc đáo mang lại cho nghệ sĩ một ly “cocktail cảm xúc” đặc biệt. Hai chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam là lụa và sơn mài đã viết tiếp vẻ đẹp kiều diễm của dòng tranh dân gian truyền thống trong một hình hài mới, làm nức lòng công chúng.
Trong suốt thời gian kéo dài 2 tháng, hàng nghìn lượt khách đã tới tham quan triển lãm cũng như thăm chính không gian ngôi đình đều với một cảm xúc bất ngờ và thú vị khi chứng kiến sự giao thoa đầy cảm hứng giữa kiến trúc và nghệ thuật, giữa di sản truyền thống và cuộc sống đương đại. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm vào mỗi cuối tuần được gia tăng giá trị văn hóa với những không gian di sản mang đậm tính nghệ thuật như thế.
Có thể nói, khu vực phố cổ với đặc trưng là mạng lưới dày đặc công trình di sản tín ngưỡng đình, đền, chùa đang được các cơ quan chức năng của Thành phố và quận Hoàn Kiếm tích cực tu bổ, tôn tạo trong những năm gần đây sẽ trở nên đặc biệt hấp dẫn khi có sự kết hợp triển lãm các dự án nghệ thuật đương đại có khả năng thúc đẩy sự tương tác văn hóa với người xem. Những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long – Kẻ Chợ có lẽ chính là một hướng đi trong tương lai, khi nghệ thuật và không gian di sản của đô thị được cộng sinh, cùng tạo ra giá trị sáng tạo mới đem lại sức sống cho một đô thị có bề dày văn hóa – lịch sử như Hà Nội.
Hy vọng từ cảm hứng của một thành phố sáng tạo, tới đây các không gian nghệ thuật cùng với các không gian di sản đình, đền, chùa trong khu vực phố cổ Hà Nội sẽ cùng nhau cất tiếng, tạo thành một mạng lưới sáng tạo dày đặc trên bản đồ nghệ thuật của thành phố, tiếp tục mang đến sức hấp dẫn mới cho đô thị đẹp đẽ này.