Hai ấn phẩm giúp thêm yêu bài ca cổ
Tác giả Trần Bình Trọng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Công ty CP In Tổng hợp Cần Thơ; còn soạn giả Nhâm Hùng nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Ðô, là cây viết gạo cội của làng cổ nhạc nhiều năm qua. Nói về sự kết hợp thú vị này, hai tác giả bày tỏ trong lời nói đầu: “Hai chúng tôi… Một người, cả đời gắn bó với những trang in, góp phần tô điểm cho cuộc sống bằng những ấn phẩm. Một người, không ngừng theo đuổi sự nghiệp hoạt động văn hóa nghệ thuật, đến bạc mái đầu. Cả hai đều có điểm chung: Ðam mê giai điệu bài ca vọng cổ…”. “Trăng nước Cần Thơ” ra đời trong sự đồng điệu ấy.
Ấn phẩm gồm có 2 phần: Các bài ca cổ của liên danh Bình Trọng – Nhâm Hùng và những bài sáng tác riêng của soạn giả Nhâm Hùng. Tất cả 54 bài ca cổ, bài bản tài tử trong “Trăng nước Cần Thơ” mang đến một không gian hữu tình, giàu nghệ thuật qua những cung điệu hò, xự, xang… Ở đó, có những ký ức về một Cần Thơ hào hùng, kiên cường trong cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương: “Người người hoan ca mùa xuân lịch sử. Tiến bước nhanh nhanh, ta về giải phóng Cần Thơ. Bước quân đi, vùng căn cứ tiễn chân đoàn người…” (“Về Phương Bình”, Bình Trọng – Nhâm Hùng). Và một Cần Thơ, thành phố bên sông, lãng mạn quyến rũ lòng người hôm nay: “Trăng Cần Thơ cho thơ, cho nhạc. Nước Cần Thơ cho trái, cho bông. Từ cổ kim đã sánh đôi trăng nước. Cùng với nhân gian – cay đắng mặn nồng” (“Trăng nước Cần Thơ”, Nhâm Hùng). Ấn phẩm này tập hợp hầu hết những sáng tác được nhiều người yêu thích của soạn giả Nhâm Hùng như “Một thoáng Tây Ðô”, “Dòng sữa mẹ Hậu Giang”, “Ði tìm bông cúc thủy”, “Cung đàn Cần Thơ”, “Sen trắng”…
Ấn phẩm “101 bài vọng cổ, tài tử đoạt giải và phát sóng” của tác giả Nguyễn Trung Nguyên ra mắt khiến nhiều người bất ngờ. Trước nay, mọi người biết anh là một nhà thơ, nhà văn và cũng có “lấn sân” sáng tác cổ nhạc, tân nhạc, nhưng không ngờ anh lại tích lũy một “tài sản” cổ nhạc đồ sộ đến vậy. Các tác phẩm trong sách đều đã đoạt giải hoặc phát sóng trên các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước. Trên nền tảng văn chương thế mạnh, anh đã tạo được sự khác biệt trong bài ca cổ, tài tử với sự mượt mà, tứ thơ trong ca từ cùng với cảm xúc của người nghệ sĩ đa năng.
Nguyễn Trung Nguyên tinh tế trong khai thác chất liệu cuộc sống và tạo dấu ấn bằng những câu chuyện, tình tiết đắt giá để khiến người nghe nhớ. Trong bài “Tổ quốc chúng tôi đây”, anh viết: “Có bà mẹ nửa đêm giật mình ngồi dậy. Sờ soạng đôi tay như đang tìm mộ đứa con mình”. Và cách chơi chữ thú vị nhưng cũng đầy thi vị trong “Thành phố bãi bồi”: “Về Cà Mau cứ muốn ở lâu lâu. Con gái miệt biển cái gì cũng mặn mòi hết thảy…”.
Có thể nói, lâu rồi làng cổ nhạc Cần Thơ mới có những tuyển tập sáng tác vọng cổ, bài bản tài tử dày dặn, công phu như vậy. Ðiều đó cho thấy sự tâm huyết của các soạn giả đất Tây Ðô trong giữ gìn và phát huy câu hát quê hương. Bởi cốt lõi trong bảo tồn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền, ngoài nghệ nhân thực hành trình diễn thì đội ngũ người sáng tác – soạn giả, thầy tuồng là rất quan trọng, nhưng lại đang thiếu. Qua những ấn phẩm này, những cung điệu hò, xự, xang… sẽ được lan tỏa, ngân vang.