Hội An mở phiên chợ Tết xưa và mua bán bằng… tiền xu
Tết Tân Sửu này tại làng chài Cẩm An ven sông Cổ Cò và biển Hội An (TP Hội An, Quảng Nam), một phiên chợ Tết Xưa rất đặc biệt sẽ được mở ra cho du khách và người dân cùng tham gia, hòa mình vào không khí cổ truyền để mua bán, trao đổi bằng tiền xu như trong phiên chợ ngày xưa.
Công tác chuẩn bị Hội Tết Xưa tại CamAn
Chợ Tết Xưa có tên gọi “CAMAN” sẽ chính thức diễn ra vào hai khoảng thời gian, từ ngày 4-10.2 (nhằm ngày 23-29 tháng Chạp) và từ ngày 12-16.2 (nhằm mồng 1-5 tháng Giêng). Phiên chợ được tổ chức trong không gian rộng hơn 5.000m2 với khoảng 30 gian hàng, tái hiện lại khung cảnh chợ Tết Hội An thời xưa qua cách bài trí không gian chợ, vật phẩm trang trí và thông qua các mặt hàng buôn bán các món đồ tết, các quầy ẩm thực; phương thức giao thương… Các gian hàng được bày bán tại nhà chòi hoặc quang gánh trong không gian xanh của rau cỏ, hoa trái.
Đại diện BTC cho biết, không chỉ tái hiện lại một cách sinh động phiên chợ những ngày Tết thời xưa với cách bài trí gian hàng hay hàng loạt các hoạt động mua bán, vui chơi giải trí, điểm đặc biệt ở phiên chợ Tết Xưa này chính là sử dụng đồng tiền xu trong toàn bộ quá trình giao thương ở chợ. Đồng thời khuyến khích người tham gia chợ mặc áo dài và trao nhau những chiếc phong bao lì xì ngũ sắc đầy may mắn. Hoàn toàn không sử dụng túi nilon, đồ nhựa, thay vào đó là các vật dụng thân thiện môi trường như túi giấy, lá chuối, lá tếch… để đựng và gói sản phẩm, hàng hóa. Phiên chợ sẽ gợi nhớ hình ảnh Hội An một thời hưng thịnh, tạo ra nơi vui chơi cho khách du lịch, từ đó sẽ tạo thêm một điểm check-in mới lạ, ấn tượng khi đến Hội An. Bên cạnh các hoạt động buôn bán các sản phẩm đặc trưng ngày Tết truyền thống, ẩm thực địa phương, chợ hoa…, tại phiên chợ cũng sẽ diễn ra các trò chơi dân gian, giải trí truyền thống như đập bùng binh, vòng quay may mắn 12 con giáp, hoạt động in tranh, in túi, gói bánh chưng, bánh tổ, xin chữ ông đồ… Trong chợ cũng sẽ có rạp chiếu các bộ phim về Hội An hưng thịnh, các khu triển lãm ảnh màu nước, ca nhạc.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, điều đáng trân trọng là trong thời điểm khó khăn này, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện và cùng tham gia đồng hành với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng với mong muốn giúp du lịch Hội An bừng sáng, khởi sắc trở lại sau những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, hơn 50 doanh nghiệp du lịch đã cam kết đồng hành cùng với thành phố khôi phục hoạt động đón khách. Không chỉ góp công, góp của, các doanh nghiệp du lịch, các khu lưu trú lớn cũng đã đóng góp và đưa ra ra nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ để kích cầu, mời gọi du khách đến Hội An.
Nhiều hoạt động nghệ thuật khác do nhóm doanh nghiệp, cộng đồng Hội An đồng hành cùng địa phương tổ chức như trình diễn áo dài trên phố cổ Hội An; các show nghệ thuật thực cảnh “Thức giấc Hội An”, hoạt động lễ hội đường phố…. diễn ra trong thời gian gần đây đã góp phần mang lại sự mới mẻ, kích cầu du lịch cho Hội An. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tham gia mở các khu chợ đa dạng thể loại, độc đáo để tạo thêm sản phẩm, điểm đến mới cho khách du lịch, đặc biệt hướng đến đối tượng khách nội địa. Ngoài phiên chợ Tết Xưa sắp diễn ra, tại Hội An cũng đã tổ chức hai phiên chợ độc là chợ phiên Làng chài Tân Thành (P. Cẩm An), chợ phiên phố cổ Hội An tại phố đi bộ Nguyễn Phúc Chu (P. Minh An). Cả hai khu chợ này mới được tổ chức và khai trương vào những ngày cuối năm 2020, hiện vẫn đang tổ chức định kỳ hàng tuần, thu hút được khá đông du khách và vẫn sẽ duy trì tới Tết cổ truyền để tạo sản phẩm phục vụ khách.
Chợ phiên làng chài Tân Thành được tổ chức với gần 100 gian hàng bày bán các sản phẩm handmade, ẩm thực, các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương; các món đồ, sản phẩm tái chế, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ sưu tầm,… do chính nhóm doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, dịch vụ tại khu vực dọc biển Tân Thành tự bỏ kinh phí và tổ chức duy trì hoạt động định kỳ vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Chợ phiên phố cổ Hội An diễn ra vào ban đêm tại đường Nguyễn Phúc Chu có gần 50 gian hàng nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng kết nối cung cầu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Điều đặc biệt của phiên chợ này là có rất nhiều mặt hàng “hanmade” được làm từ các sản vật của địa phương, các đặc sản của Hội An, sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” hạng 3 sao trở lên… Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động kích cầu du lịch rất quan trọng. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã là những chủ thể tích cực, góp phần cùng thành phố trong các hoạt động phục hồi du lịch Hội An, cùng mang đến những ý tưởng, sự kiện mới mẻ cho phố cổ, truyền tải thông điệp về điểm đến Hội An an toàn, hấp dẫn đã sẵn sàng đón khách.