Làng cổ Lộc Yên nằm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cách trung tâm tỉnh Quảng Nam khoảng 40 km về phía tây nam. Làng được hình thành và phát triển vào thế kỷ 15-16 với nhà gỗ, ngõ đá, bờ chè tàu và những vườn cây trái xanh mát. Đến nay qua 7 đời, làng Lộc Yên có nhiều tộc họ cùng sinh sống thuận hòa.
Ngôi làng có tổng diện tích 279 ha, nhà cửa dựa vào lưng núi, phía trước hướng ra cánh đồng lúa rất thông thoáng. Tháng 9/2019, Lộc Yên được xếp hạng Di tích quốc gia và là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam.
Xung quanh nhà cổ được trồng cây ăn trái tạo không gian xanh mát. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm nên cây cối luân phiên đơm hoa kết trái.
Lộc Yên là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của huyện Tiên Phước. Vào những dịp lễ Tết, nơi đây có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Đây điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích cảm giác yên bình, muốn hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình vào không gian làng quê nhà cổ thoáng đãng, cảnh đẹp.
Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít với ba gian, hai chái theo kiểu nhà rường có niên đại từ 80 đến 150 năm. Các ngôi nhà cổ được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mỹ thuật.
Bên trong ngôi nhà cổ của ông Đồng Viết Mão, 82 tuổi. Theo chủ nhân, nhà được xây dựng cách đây hơn 150 năm, trước đây mái lợp tranh, năm 1981 thay bằng ngói mới. “Vật dụng trang trí như tủ thờ được khảm ngọc trai; đồ thờ như độc bình, lư hương, ché, hương án, bài vị… bằng gỗ và đồng, bài vị sơn son, khảm xà cừ mua từ Châu Ổ, Quảng Ngãi”, ông Mão nói.
Bộ ấp quả với hình ảnh quả bí ngay tại gian giữa nhà ông Mão với ước nguyện đủ đầy. Các hoa văn chạm trổ điêu luyện trên các cấu kiện gỗ trong nhà được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà, nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh.
Lộc Yên còn có lưu giữ một “bảo vật” là chiếc bàn tự xoay đầy kỳ bí do nghệ nhân làng mộc Văn Hà tạo ra.
Du khách được giới thiệu một mặt bàn có đường kính khoảng 80 cm, nếu khách tham quan cùng đặt úp tay lên mặt bàn và thống nhất tâm niệm nó tự quay theo chiều nào lập tức mặt bàn từ từ chuyển động xoay tròn. Nếu mọi người vẫn giữ nguyên tay và bước chân theo vòng xoay của mặt bàn thì nó sẽ chuyển động nhanh dần theo hướng đó. Khi có ai đó kêu lên “dừng lại” lập tức nó đột ngột dừng… Bàn sẽ xoay theo chiều ngược lại khi mọi người cùng đảo ngửa tay. Tuy nhiên không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công.
Du khách bước xuống các ngôi cổ, hai bên ngõ rêu phong phủ màu xanh. Nằm ở địa hình đồi nên từ xa xưa người dân dùng đá xếp hai bên ngõ, bờ rào quanh vườn thành bờ kè bằng phẳng. Cách làm này để giữ bờ đất khỏi bị mưa lũ làm xói mòn, rửa trôi, phân chia ranh giới những khu vườn nối liền với nhau.
Hai bên ngõ được trồng chè tàu. Người dân cắt tỉa đẹp mắt, xung quanh có cây ăn trái tạo bóng mát.
Quanh làng sử dụng đá ngăn cách làng với ruộng đồng uốn lượn, đây là con đường du khách đi bộ để tham quan.
Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng”. Chính quyền hỗ trợ người dân làm ngõ bằng đá, trồng hoa để tạo thêm cảnh quan phục vụ du lịch.
Tại ngôi làng này, hầu hết vườn người dân trồng cây lòn bon. Từ tháng 8 âm lịch quả chín du khách đến tham quan và thưởng thức.
Quả mọc ở các nhánh cây thành từng chùm, tương truyền, lúc bị quân Tây Sơn đuổi, Nguyễn Ánh đi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy trốn vào Quảng Nam. Những ngày lẩn trốn ở thượng nguồn sông Vu Gia, đoàn quân của chúa Nguyễn cạn kiệt lương thực, phải vào rừng hái trái cây ăn và gặp loại quả ngon ngọt, ăn vào làm dịu cơn đói khát. Theo một số tài liệu, sau đó dân chúng đưa loại quả tiến Vua mỗi khi đến mùa.
Ngoài ra cây dâu đất được trồng nhiều ở vùng đất này. Loại cây này thuộc thân gỗ, cao 10-20 m. Quả mọc ở thân cây và một số cành to, khi chín có màu đỏ hoặc vàng. Quả dâu đất phần ruột có vị ngọt và chua chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể.
Tổng hợp