Ngôi nhà cổ gần 200 tuổi chứa bảo vật dát vàng ở làng Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội)

Bức thiều châu dát vàng treo trong ngôi nhà 200 năm tuổi được giới đồ cổ mê mẩn, nhưng không giá nào có thể mua được.

Bên trong ngôi nhà 200 năm tuổi của gia đình ông Trịnh Văn Hùng ở làng Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) chứa bức thiều châu dát vàng được làm khá tinh xảo, giới chơi đồ cổ mê nhưng trả giá nào cũng không thể sở hữu được.

Nằm sâu trong ngôi làng Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), có một ngôi nhà cổ được xây dựng gần 200 năm tuổi mang đậm kiến trúc của nhà miền Bắc xưa. Chủ nhân hiện tại của căn nhà là ông Trịnh Văn Hùng.

Ông Trịnh Văn Hùng cho biết; chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà và bức thiều châu dát vàng này là cụ Trịnh Văn Tạc – một chánh tổng thời phong kiến, thân sinh nghệ sĩ hài Trịnh Mai.

Vào đầu thế kỷ 20, cụ Trịnh Văn Tạc đã cho xây dựng ngôi nhà này, vào thời gian đó gia đình cụ Tạc thuộc diện giàu có, bề thế ở làng mới có đủ điều kiện để xây dựng một ngôi nhà khang trang như vậy. Nhưng đến năm sau đợt cải cách ruộng đất, gia đình ông Tạc chuyển về nội thành Hà Nội sinh sống. Ông bà nội ông Hùng (họ hàng với cụ Tạc) đã gom tiền mua lại toàn bộ mảnh đất, nhằm giữ phần hương hỏa cho dòng họ Trịnh.

Ngôi nhà được thiết kế theo lối “3 gian 2 chái” đặc trưng của những ngôi nhà miền Bắc thời xưa.

Nóc chính của căn nhà được thiết kế theo lối chồng rường, mỗi chi tiết đều được đục, chạm rồng phượng cầu kỳ, mang đậm nét kiến trúc cổ của người Việt.

Gian chính giữa là bàn thờ và bức thiều châu (cửa khám thờ) chạm trổ tinh xảo với các họa tiết hoa, lá, thỏ, sóc, chim muông… và được dát vàng một cách rất nghệ thuật.

Chủ nhân của ngôi nhà cũng chia sẻ rằng, thời bao cấp khốn khó, từng có nhiều tay buôn đồ cổ tìm đến gạ mua với giá cao ngất ngưởng, có người còn gạ ông đổi lấy một chiếc xe Dream nhưng ông cũng thẳng thừng từ chối và sau đó cứ hễ có người đến hỏi mua là ông đuổi thẳng và không tiếp.

Ông Hùng và con cháu coi đây là bảo vật của dòng họ, và đây là tài sản cha ông để lại thì cháu con phải có nhiệm vụ giữ gìn và bảo tồn nó.

Bức thiều châu được ông giữ gìn khá cẩn thận, ông Hùng cũng cho biết chỉ dám lấy chổi lông gà mềm phủi bụi chứ không dám lau chùi nhiều vì sợ hỏng mất lớp mạ vàng. Tuy ít được lau chùi nhưng lớp vàng vẫn giữ được độ bóng và màu sắc rực rỡ, tươi sáng.

Ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố, trải qua bao biến cố, các họa tiết chạm trổ đầu rồng, hoa lá vẫn còn nguyên nét bề thế.

Bức cuốn thư cổ được treo trên cửa chính cũng được chạm trổ cầu kỳ và dát vàng một số chi tiết trên chữ.

Ngoài ra bên trong ngôi nhà còn có rất nhiều đồ dùng từ thời cụ Trịnh Văn Tạc cũng được ông Hùng nâng niu và gìn giữ.

Ông Trịnh Văn Hùng mỗi khi nhìn ngắm lại ngôi nhà của mình, lại rất tự hào về căn nhà đặc biệt mang nhiều giá trị về kiến trúc và văn hóa của gia đình, đó cũng là lí do ông quyết định giữ nguyên bản toàn bộ căn nhà cho đến ngày hôm nay