Non thiêng Yên Tử
Yên Tử là ngọn núi cao tới 1068m, nằm trong vùng núi Đông Triều – Quảng Ninh nơi Đông Bắc tổ quốc. Yên Tử không chỉ nổi tiếng là một danh thắng tuyệt đẹp, huyền bí mà còn là cái nôi Phật giáo Việt Nam, nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông lập nên Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Mỗi năm, cứ vào mùa Lễ hội, du khách thập phương lại nườm nượp kéo về nơi đất Phật Yên Tử. |
Mỗi năm đến ngày Hội Yên Tử, du khách, tăng ni, phật tử khắp nơi về đây hội tụ vẫn như nghe thoang thoảng gió ngàn cất tiếng thơ của Ức trai Tiên sinh Nguyễn Trãi thủa xưa:
“ Trên non Yên Tử chòm cao nhất
Trời mới canh năm đã sáng tinh
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh”.
Chốn bồng lai tiên cảnh
Thật vậy, Yên Tử mờ mờ, ảo ảo hiện lên giữa nền trời mây đẹp như một bức tranh thủy mặc với những nét bút thần tình, mỏng manh, nhẹ nhàng đầy huyền bí. Vì thế, người ta mới nhận xét Yên Tử giống như một chốn bồng lai tiên cảnh giữa chốn nhân gian trần tục.
Non xanh Yên Tử giống như một chốn bồng lai tiên cảnh giữa chốn nhân gian trần tục. |
Đến chân Yên Tử, không ai khỏi ngỡ ngàng, ai oán khi gặp suối Giải Oan, chùa Giải Oan. Sử sách truyền lại có khác nhau cũng là điều bí ẩn oan khuất của 300 nàng cung nữ. Khi vua Trần Nhân Tông rời ngôi lên Yên Tử tu hành, có 300 cung tần, mỹ nữ theo nhà vua nhưng không được vua cho ở lại Yên Tử tu hành. Quay trở lại kinh thành thì xa, quân lính tân vương bao bố khắp nơi. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, 300 nàng mỹ nữ đã gieo mình xuỗng suối tự vẫn. Lúc bấy giờ có tốp người Dao bản địa đi kiếm củi về, thấy vậy òa xuống cứu vớt, nhưng chỉ có 5 chàng trai cứu sống được 5 mỹ nữ, rồi xin lấy làm thiếp để tri ân. Sau vua thương xót cho lập chùa Giải Oan.
Vào thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử rồi trở lại Yên Tử tu hành và mở ra Thiền phái Trúc Lâm. Tại dốc Voi Xô là nơi vua Trần Anh Tông hạ kiệu lên thăm Phật Hoàng. Đường lên khu tháp mộ để tới chùa Hoa Yên được xếp thành từng bậc đá đến nay đã rêu phong, mốc phủ. Ngôi tháp nổi bật nhất là tháp Tổ được xây bằng đá sáu tầng. Bốn mặt tường quanh tháp xây bằng gạch thời Trần, chính giữa là Huệ Quang kim tháp tức là tháp Đức Giác Hoàng, trong có tượng đá. Trước mặt tháp có cây hương đá. Ngoài tường gạch có cả thảy 45 ngọn tháp khác là nơi lưu giữ tro cốt của các nhà sư tu hành tại đây. Từ cửa tò vò của khu tháp lên chùa Hoa Yên được dẫn bởi những bậc xây bằng gạch vuông lớn in hình hoa cúc. Chùa Hoa Yên là nơi lưng chừng núi Yên Tử. Chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim bền chắc, cổ kính. Từ nơi đây, du khách tha hồ phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh cảnh trời, mây, cây cỏ xanh tươi được lớp mây trắng như làn sương khói che phủ tạo ra cảnh huyền ảo, thơ mộng. Chính vì thế, vào thời Trần, chùa có tên gọi là Vân Yên, sau vua Lê Thánh Tông đến ngự, Ngài thốt lên vì cảnh đẹp mới đổi tên là Hoa Yên.
Chùa Hoa Yên nằm lưng chừng núi Yên Tử – nơi du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh đẹp hùng vĩ, mê hoặc của đất trời Yên Tử. |
Hai bên chùa Hoa Yên có viện Phù Đồ, Lầu Trống, Lầu Chuông, nhà dưỡng tăng, nhà khách. Bên phải chùa Hoa Yên là chùa Thiền Định, nơi Phật Hoàng tụng kinh, niệm Phật, bên trái là chùa Một Mái nơi Phật Hoàng đọc sách.
Phía sau Hoa Yên là chùa Phố Đà, lên đỉnh là chùa Bảo Sái, rồi chùa Vân Tiêu ẩn khuất trong mây. Sau là chùa Đồng ở độ cao chót vót 1068m.
Chùa Đồng
Được xây dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi là Thiên Trúc Tự. Năm 2007, Chùa được đúc lại bằng đồng nguyên chất nặng tới 60 tấn, đứng sừng sững giữa trời. Chùa Đồng được tọa lạc trên giữa đài sen khổng lồ, trong mỗi phiến đá là một cánh sen đang nở. Chùa quay về hướng Tây Nam có bình đồ kiến trúc hình chữ “nhất”. Các họa tiết trang trí cho Chùa mang nét văn hóa thời Trần, riêng quả chuông bằng đồng nặng 70 tấn. Chùa Đồng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông con trai trưởng của vua Trần Thái Tông (năm 1258 – 1308). Chùa được khởi dựng vào thời Hậu Lê do một bà Phi của Chúa Trịnh phát tâm công đức. Vào thời vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, sau đó một Thủ nhang ở chùa Long Hoa (Uông Bí – Quảng Ninh) tái tạo lại chùa trên nền đá cũ. Nhiều năm sau các Phật tử quyên góp tiền dựng lại chùa bằng đồng rất nhỏ.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Các tượng có chiều cao trung bình từ trên dưới 0,6 mét được tọa lạc trên đài sen. Tượng Thích Ca trong trang phục áo cà sa tọa thiền với tư thế kiết già; tượng Đệ Nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa ngồi kiểu tay úp lên hai đùi (kiết già kiểu cát tường) mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm; còn lại pho tượng Đệ Nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ Tam Tổ (Huyền Quang) cũng mặc áo cà sa ngồi khôn lộ bàn chân, tay kết (định ấn).
Chùa Đồng Yên Tử cũng là đỉnh cao chót vót tận lưng trời và cũng là điểm cuối cùng mà mỗi Phật tử khi đến Yên Tử không thể không tới chiêm, bái, tôn kính. Nơi đây gần như quanh năm khí hậu ẩm ướt, mát lạnh bởi mây mù bao phủ tạo thành cảnh tĩnh mặc, huyền ảo, cô tịnh nhưng tuyệt đẹp.
Theo Ban Quản lý khu di tích Yên Tử thì chưa khi nào việc đúc một công trình tại chùa Đồng lại lao tâm, khổ tứ, cầu kỳ như vậy. Phải chăng các chư vị, cao tăng muốn gửi một thông điệp tới lớp hậu duệ phật tử hôm nay là, không có gian lao, khổ luyện, thành tâm thì không thể quả Phật, đắc Đạo được. Và phải chăng chùa Đồng còn giá trị khác đó là “đồng tâm – đồng lực” trong khối đại đoàn kết của Phật tử, đồng bào Việt Nam qua bao thế hệ.
Như vậy Yên Tử có 3 hệ thống chùa: chùa Thượng (chùa Đồng); chùa Trung (chùa Hoa Yên); chùa Hạ (chùa Giải Oan).
Đến Yên Tử trong mùa Lễ hội, du khách, tăng ni phật tử ai nấy đều thấy lòng thanh tịnh, hòa trộn vào đất trời, ngất ngây bởi cảnh đẹp núi mây, cây cảnh, chùa triền cổ kính. Lòng thầm cảm phục các bậc cao nhân tiền bối đã khéo chọn nơi thiêng liêng này để phụng thờ đạo Phật.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Trở về Yên Tử mỗi phật tử trong lòng lại tỏ lòng tôn kính, biết ơn Trần Nhân Tông vị vua đã khai dựng lên Thiền phái Trúc Lâm và biến Yên Tử trở thành cái nôi Phật Giáo Việt Nam cho muôn đời sau.
Ngài có tên húy là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu. Ngài sinh ngày 11 tháng một (1) năm Mậu Ngọ (1258). Ngài có tâm hâm mộ Thiền Tông ngay từ thủa nhỏ. Năm 16 tuổi ngài được lập thành Hoàng Thái Tử. Ngài muốn nhường lại ngôi vị cho em để thỏa thê với cuộc sống thái hòa, tu tịnh nhưng vua cha không nghe. Rồi vua Thánh Tông cưới Trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho ngài. Có lần ngài trốn khỏi cung hoàng để đến núi Yên Tử nhưng đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời sáng. Rồi vua cha hay tin cho người đi triệu ngài về cung.
Ngài lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1279 lúc đó ngài vừa 21 tuổi. Tuy ở ngôi vua nhưng ngài vẫn một lòng tâm niệm tới chùa, tới Phật. Vua cha thấy ngài như vậy thì cho là kỳ quặc, khác thường. Thái Tông thấy con trai Thánh Tông ăn chay, gầy ốm thì thương lắm, lo lắm… Những lúc như thế hai cha con ngài lại ôm nhau mà nước mắt rơi lã chã…Ngài rất thông minh, rất hiếu học. Ngài thông suốt rất nhiều nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời)…Tuy là nhà vua mang tâm Phật, lòng hướng Phật nhưng trong con người ngài cũng nung nấu một ý chí sắt thép chống giặc ngoại xâm cùng dân tộc. Hai lần vào năm 1285 và 1288 ngài đã lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông hung bạo, dũng mãnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Hội nghị Diên Hồng đã đi vào huyền thoại, chói lọi trang lịch sử hào hùng của dân tộc đều do ngài khởi xướng.
Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299) ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Tại đây ngài tu luyện lập thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì vậy Yên Tử ngày nay được gắn liền với tên tuổi của ngài mở ra dòng Thiền – con đường luôn sáng tạo, phù hợp với tinh thần phát triển của mọi thời đại. Ngài mất năm 1308, thọ được 51 tuổi.
Hội Xuân Yên Tử
Yên Tử được công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp treo. Tuyến 1 được đưa vào sử dụng từ năm 2002 với chiều dài 1,2km từ suối Giải Oan lên chùa Hoa Yên. Tuyến 2 đưa vào sử dụng từ năm 2008 với chiều dài 900 m từ chùa Một Mái lên Cổng Trời gần An Kỳ Sinh. Hiện nay, Công ty đã nâng công suất vận tải lên 2.500 hành khách/giờ. Từ khi Yên Tử có cáp treo, du khách thập phương đến đây Lễ Phật, tham quan, chiêm ngưỡng thuận tiện hơn xưa nhiều.
Hàng năm, Yên Tử bắt đầu mở hội vào ngày mồng 10 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Phần Lễ được chuẩn bị rất hoành tráng uy nghi, gồm phần gióng trống, thỉnh Xuân khai hội Lễ cầu cho quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử rồi lời chúc phúc đầu năm. Phần dâng Lễ của 54 bản hội với trang phuc truyền thống cùng 3 bộ kiệu và đoàn rước hơn 100 người. Phần Hội gồm màn trống, màn múa rồng – lân được 100 diễn viên thể hiện và màn kịch “Hào khí non thiêng”…
Mỗi mùa Lễ Hội Yên Tử đón tới hơn triệu lượt khách về thăm, Lễ. Chính vì vậy, các cơ quan hữu trách của Quảng Ninh cùng công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm đã chuẩn bị các công tác phụ cận cho Lễ hội rất công phu, khoa học bài bản. Từ các hệ thống dịch vụ cho đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và giao thông đều được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Sự hài hòa giữa công tác quản lý hành chính với nơi chùa triền, cửa Phật sao cho vừa trật tự, vừa trang nghiêm, sùng kính là cả một sự kết hợp nhuần nhuyễn, khoa học, công phu từ các bộ phận công tác.
Khu Tháp Tổ trường tồn theo năm tháng được xây bằng đá sáu tầng. |
Yên Tử đang phát triển nhanh chóng từng ngày. Hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương quy hoạch, trùng tu, tôn tạo hàng loạt công trình tại Yên Tử để mỗi năm có thể đón hàng chục triệu khách, nhưng vẫn giữ nguyên cảnh cổ kính uy nghi nơi của Phật.
Thật vinh dự, thật xứng đáng nơi hào khí thiêng liêng – cái nôi của Phật giáo Việt Nam mà cha ông ta đã dày công xây dựng.