NSƯT Hải Phượng truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc qua tiếng đàn tranh

NSƯT đàn tranh tài danh Hải Phượng sẽ trở lại trong chương trình Dấu ấn huyền thoại ngày 2/6, tại TP.HCM và sóng HTV7.

Nữ giảng viên truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh

NSƯT Hải Phượng (Nguyễn Hải Phượng, SN 1969) may mắn sinh ra trong gia đình truyền thống nhạc dân tộc, có mẹ là Nghệ sĩ đàn tranh – Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Hải Phượng được truyền dạy tình yêu âm nhạc và cảm hứng học đàn từ bé. Lên 7 tuổi, Hải Phượng tham gia khóa học đàn tranh đầu tiên tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc đời cô gắn liền với hai chữ “đàn tranh” từ ngày đó.

NSƯT Hải Phượng – nữ giảng viên âm nhạc truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh - Ảnh 1.

Xuất sắc giành được giải Nhất trong cuộc thi “Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc lần thứ nhất” năm 1992, sau hơn 1 năm tốt nghiệp Nhạc viện, Hải Phượng được nhiều người biết đến như một “ngôi sao đàn tranh” trong làng âm nhạc dân tộc Việt Nam. 

Năm 1993, cô theo chân Giáo sư Trần Văn Khê sang Thủ đô Paris thực hiện đĩa nhạc mang tên Đàn Tranh Xưa và Nay của hãng Ocora và giành 2 giải thưởng từ Chính phủ Pháp. Giải thưởng lần đó đã giúp nữ nghệ sĩ có cơ hội tham dự các sự kiện âm nhạc, chương trình biểu diễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Từ đó, tiếng đàn đặc trưng của nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam – đàn tranh được hơn 20 quốc gia biết đến.

NSƯT Hải Phượng – nữ giảng viên âm nhạc truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh - Ảnh 2.

NSUT Hải Phượng và mẹ là NS Thúy Hoan.

Không chỉ sở hữu ngón đàn tài hoa, nghệ sĩ Hải Phượng còn mang trong mình quyết tâm bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc. Gắn bó với đàn tranh hơn 45 năm cùng 20 năm làm nghề giảng dạy, Tiến sĩ – NSƯT Hải phượng hiện là Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc – Giảng viên tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. 

“Không biết từ bao giờ, Phượng lại yêu mến nghề dạy. Những kinh nghiệm xương máu ở trên sân khấu bao nhiêu năm nay mình đem truyền lại cho lớp đàn em. Khi thấy các bạn đánh được, mình vui khó tả lắm”, cô giáo Hải Phượng cho hay.

NSƯT Hải Phượng – nữ giảng viên âm nhạc truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh - Ảnh 3.

Chia sẻ thêm với khán giả, nữ nghệ sĩ tâm sự: “Hải Phượng có cơ hội đi nước ngoài, có những chương trình giao lưu đàn tranh giữa các nước. Việt Nam có đàn tranh, Hàn Quốc có Gayageum, Nhật Bản có Koto, Trung Quốc có Guzheng. Phượng nhớ có lần mình diễn xong thì đài truyền hình đến quay và viết một bài báo. Trong đó, một nhạc sĩ đã nhận xét về mình: Sau này khi tất cả cây đàn tranh đều giống nhau ở một điểm là kỹ thuật, sử dụng hai tay đều nhau, tay phải cũng như tay trái thì cây đàn nào nói lên được tiếng nói đặc biệt, có một bản sắc đặc biệt, có giai điệu đẹp đặc biệt thì cây đàn đó sẽ có một chỗ đứng rất vững chắc mà không bị lẫn vào cây nào khác. Lúc sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê – thầy của Phượng cũng hay nói là bàn tay phải là bàn tay tạo ra âm thanh, còn bàn tay trái lại là bàn tay làm đẹp và nuôi dưỡng âm thanh. Bàn tay trái đi từ trái tim ra cho nên những tình cảm, ý nghĩ của mình sẽ truyền qua bàn tay trái và bàn tay trái của cây đàn tranh rất quan trọng. Nó nói lên những buồn, vui, thương, giận với những cung bậc khác nhau và càng học mình lại thấy đúng. Bàn tay trái rất dễ đánh thế nhưng đánh sao để mình và mọi người cảm không hề đơn giản chút nào. Cây đàn tranh có thể làm được, những cái nhấn nhá của nó là nhấn đứt ruột và đôi khi những bài cổ khi đánh mình có cảm giác một luồng điện chạy ra, lúc đó là không phải sử dụng lực của cánh tay nữa mà là lực từ trong người”.

Thấm thía tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng 

Đến với sân khấu của Dấu ấn huyền thoại, NSƯT Hải Phượng đã đặt trọn tâm tư, tình cảm của mình vào từng phần trình diễn. Tiết mục đầu tiên mà cô gửi tặng đến khán giả là bản hòa tấu nhạc cổ truyền miền Nam mang tên Lưu Thủy – Bình Bán – Kim Tiền. Ở bản nhạc này, cô biểu diễn cùng 13 người học trò của mình. 

Được trình diễn đàn tranh cùng cô giáo, chị Anh Nguyệt – nghệ sĩ đàn tranh tại Nhà hát ca múa nhạc dân tộc bông Sen không tránh khỏi xúc động: “Vào Nhạc viện TPHCM, cô là người đã kiên nhẫn, kiên trì dạy em những ngón đàn đầu tiên nên. Để có được ngày hôm nay, em rất cảm ơn cô”. 

Như Quỳnh, học viên khác cho biết: “Trước đây con tìm đến đàn tranh là tại vì muốn theo kiểu cách hiện đạ. Cho tới khi vô trường học, con lại học nhạc cổ. Con không có muốn học nữa, muốn nghỉ học nhừng rồi cô Hải Phượng kêu qua dạy và không hiểu sao từ đó con không có ý định nghỉ nữa, rồi thích nhạc cổ hơn”. 

Lần đầu được lắng nghe học trò nói ra suy nghĩ của bàn thân, nữ nghệ sĩ không chỉ vui mừng mà còn hiểu được ngọn lửa mà cô truyền cho lớp trẻ vẫn còn đủ sức nóng để duy trì và lan tỏa.

NSƯT Hải Phượng – nữ giảng viên âm nhạc truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh - Ảnh 4.

Ngoài ra, NSƯT Hải Phượng đưa khán giả đến với không gian âm nhạc đầy màu sắc qua phần biểu diễn Dạ cổ hoài lang kết hợp cùng tiếng đàn nguyệt của NSƯT Huỳnh Khải và ca khúc Thương về miền Trung, Vọng cổ Tương tư khúc kết hợp cùng NSƯT Khánh Vân.

Đồng thời, “ngôi sao đàn tranh” còn biểu diễn bản Biến tấu Sakura dựa trên bài dân ca Sakura của Nhật Bản. Tuy có nhiều bản biến tấu khác nhau nhưng bản nhạc mà NSƯT Hải Phượng thể hiện là bản biến tấu do chính mẹ của cô sáng tác. Điểm nhấn ở bản biến tấu Việt Nam là sẽ có tiếng đục, tiếng trong mà ở các nước khác chỉ có một tiếng. 

Đứng trên sân khấu cùng con gái, NGƯT Thuý Hoan nói: “Tôi rất là xúc động khi anh Bửu Điền đã tạo một chương trình không những cho nghệ sĩ mà người biểu diễn còn được gần gũi với khán giả. Thêm nữa là những ai ghiền đàn tranh như tôi có được một bữa thưởng thức sự phong phú của cây đàn mà mình hãnh diện…”.

NSƯT Hải Phượng – nữ giảng viên âm nhạc truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ qua tiếng đàn tranh - Ảnh 5.

Đặc biệt, thế hệ thứ 3 trong gia đình của Hải Phượng là Hải Minh – con gái nữ nghệ sĩ cũng góp phần tươi mới cho đêm nhạc của mẹ khi trình diễn bản nhạc Senbonzakura theo phong cách EDM hiện đại. Có lẽ, Hải Minh là sẽ thế hệ kế thừa, tiếp nối Hải Phương để tiếp tục hành trình mang nhạc cụ dân tộc đi xa hơn như cách bà ngoại đã truyền lửa lại cho mẹ em.

Khép lại đêm diễn, nữ NSƯT gửi lời cảm ơn đến người mẹ, người thầy là cố Giáo sư – Tiến sĩ Trần văn Khê, cố Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, thầy Nguyễn Văn Đời đã chỉ dạy cô học cách sống hết mình vì nhạc cụ dân tộc, “cũng như tình cảm yêu mến của quý vị mà chúng tôi có thể đi trên con đường này, con đường đầy khó khăn nhưng hạnh phúc”. Bằng tình yêu và đam mê với nhạc cụ dân tộc vô bờ bến, chắc hẳn NSƯT Hải Phượng cùng học trò sẽ đưa những thanh âm của tiếng đàn tranh trong trẻo vươn xa hơn nữa trong tương lai.

Tập 4 Dấu ấn huyền thoại sẽ được phát sóng lúc 20g35 thứ Tư ngày 2/06/2021, trên HTV7.

Trần Thị