‘Photo Hà Nội 21’: Những bức ảnh tìm về nguồn cội
Sáng tạo trong trưng bày
Nổi bật trong chuỗi chương trình của “Photo Hà Nội 21” là các triển lãm giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh sử dụng phương tiện thủ công và kỹ thuật số gồm: “Mê Kông – chuyện đôi bờ” (Lâm Đức Hiền) và “Tinh hoa ẩm thực Pháp” tại Viện Pháp; “Khoảnh khắc bí mật của maiko” (Philippe Marinig) tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản; “Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao” (Punk Dragon) tại không gian nhiếp ảnh Matca; “Khuôn dạng và Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA.
Các triển lãm đem tới cách tiếp cận khác biệt trong việc sáng tạo và trưng bày hình ảnh. Đơn cử, triển lãm “Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao” là một không gian sáng tạo trong lòng Thủ đô Hà Nội, góp phần mang đến cho người xem một góc nhìn mới, đầy sáng tạo của các nghệ sĩ nước ngoài về Việt Nam. Mỗi tác phẩm mang trong mình một câu chuyện riêng thông qua những tấm hình đã được khéo léo cắt ghép và sắp đặt. Punk Dragon chọn chụp những người lao động bình dị, cảnh sinh hoạt đời thường mà không phải ai cũng thấy vẻ đẹp ẩn chứa trong đó.
Theo Điều phối chương trình “Photo Hà Nội 21” Đào Thu Hà: “Người xem có thể nhận thấy sự đa dạng từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Có nghệ sĩ đã thực hiện dự án bằng tư liệu dài hạn, có nghệ sĩ đã kết hợp giữa ảnh với thiết kế, nghề thủ công để kể những câu chuyện, góc nhìn riêng của họ. Tôi tin sự đa dạng trong nhiếp ảnh, được giới thiệu trong chương trình sẽ góp phần khơi gợi câu chuyện, cách hiểu khác nhau xung quanh nhiếp ảnh”.
Hướng về Tổ quốc
Một triển lãm đáng chú ý khác trong chuỗi sự kiện “Photo Hà Nội 21” là “Mê Kông – Chuyện đôi bờ” (tác giả Lâm Đức Hiền) tại Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace. Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền đã thực hiện hành trình dài 4.200km dọc sông Mê Kông từ hạ nguồn nhiệt đới tấp nập, tràn trề sự sống tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đến thượng nguồn Tây Tạng nơi tuyết trắng phủ quanh năm.
Trong vài thập niên lăn lộn chụp ảnh những đất nước có chiến loạn, Lâm Đức Hiền đã phải thường xuyên trở về Lào hoặc Việt Nam bởi ở đó ông có cảm nhận mình được truyền năng lượng, sự tự do từ con sông Mê Kông. Những bức ảnh của ông trở thành một phần của sáng tạo, đi thẳng vào trái tim của người xem và ở rất lâu trong đó.
Bên cạnh Lâm Đức Hiền, loạt triển lãm còn có sự góp mặt của vài nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế mang dòng máu Việt khác cùng khao khát nỗi niềm muốn tìm lại cội rễ Việt. Trong triển lãm “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu”, những bức ảnh nằm giữa ranh giới nghệ thuật và tư liệu của Mỹ Liên – cô gái sinh năm 1995, sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ luôn phản chiếu nỗi băn khoăn về gốc gác của mình.
Trong khi đó, Prune Phi mang đến những bức ảnh khác lạ tập trung khai thác đề tài tuổi trẻ, góp mặt trong triển lãm chung có tên “Khuôn dạng” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA. Theo giám tuyển Nguyễn Phương Thảo, trong chuỗi tác phẩm giao thoa giữa nhiều chất liệu của Prune Phi, nghệ sĩ thị giác người Pháp với 1/4 dòng máu Việt đặt câu hỏi về cơ chế của di truyền, ký ức và sự đa căn tính thông qua cách tiếp cận tạo hình với nhiếp ảnh.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, “Photo Hà Nội 21” đã thực hiện phiên bản 3D từ những triển lãm, sử dụng máy ảnh 360 độ để tạo ra phiên bản giúp người xem có thể tiếp cận online tại nhà, tương tác, xem thông tin từ các triển lãm. Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam Micheal Croft đánh giá cao sáng kiến này của Viện Pháp và mong rằng sẽ có các sự kiện tương tự trong tương lai. “Photo Hà Nội 21” cũng góp phần thúc đẩy hướng đi tới thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
“Thông qua những hoạt động triển lãm, tọa đàm, khóa học diễn ra tại nhiều địa điểm văn hóa của Thủ đô, “Photo Hà Nội 21” đem đến cho công chúng các cách tiếp cận khác biệt, sáng tạo trong hoạt động thị giác, đồng thời quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của nhiều vùng miền đất nước và thế giới.” – Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon