Tết Thượng nguyên Đền Dâu: Không gian thiêng để thực hành hát văn
Đền Dâu ở số 64 Hàng Quạt – con phố nhỏ nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Đây vốn là phần đất của thôn Thuận Mỹ, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long cũ. Do đó, Đền Dâu còn có tên là Thuận Mỹ Linh Từ.
Xa xưa, phần đất này vốn nằm bên bờ sông Tô Lịch, nơi có bãi dâu tằm trải dài tít tắp bên những nếp nhà của những người nông dân quanh năm tảo tần trồng lúa, chăn tằm, dệt lụa. Trăm năm vật đổi sao dời, cảnh vật nay đà đổi khác. Duy chỉ có ngôi đền cổ mang cái tên dân dã: Đền Dâu là vẫn còn hiện hữu.
Đền vốn là nơi thờ phụng đức Quốc tổ Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng. Sang đời nhà Lê, đền khởi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tết Thượng nguyên là dịp cầu phúc
Thượng nguyên là một trong tứ quý, tức bốn nghi lễ quan trọng trong năm của Đạo Mẫu gồm lễ thiên quan Thượng nguyên tháng Giêng, lễ địa quan Trung nguyên tháng Tư, lễ thủy quan Hạ nguyên tháng Bảy và lễ Tất niên tháng Chạp.
Ngoài mùng 8 tháng Giêng, các đền, phủ tùy chọn lấy một ngày để tổ chức lễ Thượng nguyên. Ngày nay, nhiều người nhầm lẫn giữa Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) với Tết Thượng nguyên. Đền Dâu là một trong số ít các di tích tại Hà Nội còn bảo tồn trọn vẹn các nghi lễ của Tết Thượng nguyên.
Ông Trang Công Tuấn, thủ nhang Đền Dâu cho biết Tết Thượng nguyên diễn ra vào đầu năm, mang ý nghĩa tích phúc thiên quan, là dịp để mọi người cầu phúc, xua đuổi những điều không may. Để chuẩn bị cho nghi lễ diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng, nhà đền đã dọn dẹp, sửa sang và chuẩn bị lễ vật từ nhiều ngày trước đó.
“Đây là lễ tiết rất quan trọng trong năm, là dịp mà thỉnh tài, tài đáo, thỉnh phúc, phúc lai. Lễ vật dâng cúng gồm có hương, hoa, đăng, trà, quả, thực để cúng Phật Thánh,” ông Tuấn cho biết.
Nghi lễ thường bắt đầu từ 7 giờ sáng, mở đầu với nghi lễ cúng thánh sau đó là màn hát văn thờ. Kết thúc phần lễ, người nhà đền, các con nhang đệ tử, du khách thập phương cùng thụ lộc, thưởng thức mâm cỗ Thượng nguyên đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực đất kinh đô.
Được biết, mọi năm, nhà đến thường chuẩn bị đến 150 mâm cỗ trước là dâng cúng Quốc Tổ, các vị vua Hùng và hội đồng Thánh Mẫu, sau là đãi đệ tử nhà đền và các vị khách thập phương.
“Năm nay, do dịch bệnh nên chúng tôi không mở cửa di tích đón khách, chỉ thực hiện các nghi lễ trong nội bộ nhà đền,” ông Tuấn cho hay.
Theo quan niệm của ông Tuấn, phước báo đến từ đời sống hàng ngày, chúng ta phải làm việc tốt thì mới được hưởng phước phần, không phải cứ đi lễ thật nhiều mà muốn gì được nấy.
“Tôi nghĩ rằng Phật Thánh, gia tiên tiền tổ luôn ở bên mình, con người sống phải có trước có sau, làm việc thiện ắt tích được phúc. Cha mẹ tại đường như Phật tại thế. Cha mẹ chính là Phật sống trong nhà, cần gì cầu cúng đâu xa. Đi lễ nhiều, cúng dường nhiều mà không hiếu kính cha mẹ thì cũng không được phúc,” ông chia sẻ.
Vị thủ từ cho rằng “tiên kính phụ mẫu, hậu kính quỷ thần,” đối với ông bà, cha mẹ phải báo hiếu trước rồi mới đi lễ bên ngoài.
Nơi bảo tồn những di sản quý
Trong tiếng đàn sáo réo rắt, giọng cung văn ngân nga ca ngợi công đức các vị Thánh, mở đầu vấn hát văn thờ:
“Một nén nhang thơm thấu cửu trùng
Kính thiên, kính địa, kính thánh thần
Chữ rằng nhất niệm thông tam giới
Nguyện cầu cho dân đắc bình an.”
Hát văn thờ là nghi lễ đặc biệt nhất trong Tết Thượng nguyên tại Đền Dâu. Đội cung văn nhà đền gồm 4-6 người, vừa hát vừa chơi các nhạc cụ như đàn nguyệt, trống cái, trống con, thanh la, phách, sáo, kèn.
Nhất thiết phải có bài văn Công đồng để tán dương công đức của Phật Thánh, văn từ thủ đền và một bài văn khác tùy ý. Riêng bài văn Công đồng có nội dung vô cùng phong phú, kể tên tất cả các vị Thánh trong Đạo Mẫu. Ngoài lễ Thượng nguyên thì hát văn thờ cũng sẽ được thực hành trong các dịp lễ quan trọng khác của Đạo Mẫu.
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Văn Ty, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, nhận xét Đền Dâu là một trong những nơi còn bảo tồn hát văn thờ đầy đủ và đúng chuẩn nhất hiện nay.
“Kho tàng các bài hát văn thờ vô cùng phong phú riêng văn thờ Mẫu Liễu Hạnh có 3 bài, Quốc Sử Ký (ca ngợi Đức Đại vương Trần triều), Cảnh Thư Đường, văn Nhị vị Bồ Tát, văn Lý Chiêu Hoàng,… Bài dài nhất là một tiếng rưỡi, bài thông dụng nhất là văn Công đồng kéo dài 20-30 phút,” ông Phạm Văn Ty cho biết.
“Văn thờ có ngũ cung niêm luật chặt chẽ, khác với hát văn trong diễn xướng và nghi lễ hầu đồng,” ông nói.
Theo ông, hát văn trong hầu đồng ngày nay rất phong phú khi được kết hợp với nhiều làn điệu khác từ chèo và quan họ. Tuy nhiên, hát văn thờ xưa nay vẫn nghiêm cẩn, chuẩn chỉnh với những làn điệu cổ truyền gồm có: miễu cách, thổng cách, phú bình, phú chênh, phú nói, dọc cách, dồn cách,…
Ông Ty chia sẻ thêm rằng trong bộ cung văn thì đàn nguyệt đóng vai trò chủ đạo. Đàn nguyệt còn gọi là quân tử cầm (do đàn ông chơi) không chỉ là nhạc cụ mà còn là vật thiêng, là pháp bảo trong nghi lễ hát văn thờ.
“Văn thờ có tính linh thiêng, nghe lên mà có mùi hương khói, mang đậm bản sắc âm nhạc dân tộc, không pha trộn với những làn điệu khác,” ông Ty nói.
Ông cũng bày tỏ sự lo lắng trong việc gìn giữ di sản hát văn thờ, bởi hiện nay nhiều cung văn trẻ không còn hát được trọn vẹn cả bài.
Sau những nghi lễ linh thiêng, nhà đền hạ mâm lễ để thụ lộc Thánh. Mâm cỗ đủ 2 bát 4 đĩa, trong đó có đĩa giò chả Ước Lễ, quê hương của thủ từ Trang Công Tuấn.
Từ thời cụ thủ từ Trang Công Thịnh, thân sinh của ông Trang Công Tuấn, mâm cỗ Đền Dâu vẫn cứ được sắp sửa theo đúng lối truyền thống của người Hà Nội xưa.
Ông Thịnh là một nhà nghiên cứu sưu tầm và truyền bá văn hóa dân gian sáng giá của Thủ đô, từ nghệ thuật diễn xướng dân gian cho đến việc ứng dụng ca dao tục ngữ trong đời sống. Đặc sắc nhất là nghệ thuật nấu ăn truyền thống của người Hà Nội.
Từng có cơ hội thụ lộc tại bản đền, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, tác giả cuốn sách “Hà Thành hương xưa vị cũ” nhận xét: “Cách bầy cỗ vẫn giữ nguyên theo lề lối cổ được truyền lại từ cụ Trang Công Thịnh. Trên những chiếc mâm gỗ sơn then cũ kỹ, các món được tôn cao trên những chiếc bát nhỏ, xếp xen kẽ theo màu sắc, gửi gắm cái ước muốn mâm cao cỗ đầy ấm no thịnh vượng của người dân đất Việt.”
Bà nói thêm: “Nét đặc biệt của mâm cỗ Thượng nguyên đền Dâu là bao giờ cũng có thêm một khay xôi gấc, bánh chưng, chè kho gợi nhớ hương xuân vị tết vẫn còn vương vấn giữa đất trời Hà Nội khi chưa qua kỳ trung tuần tháng giêng. Bánh chưng gói chặt tay, luộc thật rền. Xôi gấc tra đường kính vừa vặn, thơm phức mùi mỡ gà. Chè kho đậu đãi quấy thật kỹ trên bếp than củi, ngọt sắc khẩu vị người Hà Nội cổ, ngát thơm mùi vừng rang lấm tấm rắc bên trên.”
Cũng do tiếp thụ sự giáo dưỡng dạy dỗ của cụ cựu thủ từ, ông Trang Công Tuấn cũng đã nỗ lực việc bảo tồn và thực hành nghi lễ tại Đền Dâu. Cùng sự tôn kính các vị Thánh tối linh, tối hảo, du khách thập phương đến Đền Dâu còn được trải nghiệm di sản quý giá của dân tộc./.
Chùm ảnh Lễ Thượng nguyên tại Đền Dâu: