Truyện ngắn: Hạnh phúc

Sau những ngày mưa tầm tã dai dẳng, con đường đất gồ ghề đến thôn Nhảng lắm vũng nước lẫn đất đá. Cô giáo Hồng đi xe máy một đoạn đành phải gửi xe ở một nhà quen ven đường. Cô đang tới nhà học trò Định. Ba hôm nay em nghỉ học, chưa rõ đích xác vì lý do gì. 

Ảnh minh họa

Nghe phong thanh ai đó nói, do mẹ em bắt nghỉ. Ở thôn hẻo lánh này số người có điện thoại di động còn ít lắm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn trao đổi gì với cha mẹ học sinh cũng khó khăn, thường chỉ nhắn qua học trò hoặc có dịp nhờ ông trưởng thôn gặp ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

Định là đứa trẻ lầm lì, tính cục cằn, học kém. Em đã phải học lại lớp 5– chính là lớp mà cô giáo Hồng dạy năm nay khi được chuyển về đây, gần xã nhà. Điều mà Định được nhiều bạn học quý là gan dạ, hay giúp bạn, luôn bênh, bảo vệ cho bạn yếu thế bị bắt nạt.

Từ nhà đến thôn Nhảng chỉ độ dăm cây số mà cô giáo Hồng phải đi vòng vèo mất hơn hai tiếng đồng hồ. Đi trên đường lúc lúc lại tắt qua mấy chỗ bờ ruộng, bờ mương để tránh những vũng lầy và đống đá ngổn ngang mà thôn chuẩn bị cho trải bê tông.

Nhà Định năm gian ngói ở cuối thôn gần đồi cây. Chị Nhuệ, mẹ Định, đang lúi húi trồng trọt gì đó trong vườn. Thấy bóng người ở cổng, chị quay đầu, kêu rầm:

– Ối, cô giáo Hồng đến chơi. Chủ nhật, cô giáo không nghỉ ở nhà à?

– Chị đang trồng gì đấy? Em Định đâu hở chị?

– Ôi giời ơi, suốt ngày nhổng đi, có giúp gì cho tôi đâu. Mời cô giáo vào nhà.

Hồng đã đôi ba lần trò chuyện với mẹ Định trong các buổi họp phụ huynh học sinh tại trường. Chị là người nói năng bỗ bã, có vẻ nóng nảy nhưng thật thà, chất phác, thẳng thắn. Chị vất vả về đường gia đình. Chồng bộ đội đóng quân tận biên giới, năm mới về đôi ba lần. Nuôi bốn đứa con, Định là thứ hai, cũng là con trai cả. Bố mẹ chồng đều đã mất. 

Một mình cáng đáng hai sào ruộng, đồi cây, lại đàn lợn, gà, nuôi dạy bốn đứa con ăn học quả là cực nhọc. Ở thôn này chỉ có vài ba gia đình cùng cảnh như chị. Hồng cảm thấy mình cần giúp học trò Định của mình. Em phải được đi học và học khá hơn trước để mang lại hạnh phúc cho mẹ em và nhất là bố em- người lính đang vững tay súng bảo vệ biên giới. Trẻ học kém đâu chỉ là lỗi của em mà còn của người thầy, phải xem lại cách dạy và cách quan tâm tới trò.

– Sao em Định nghỉ học hả chị?

– Cho nó nghỉ. Học dốt quá. Phí cơm, phí gạo, phí tiền cô giáo ạ.

Được dịp, chị thao thao kể. Bao dồn nén bấy lâu nay mới tung ra. Tội lớn nhất của con mình là dốt, dốt học ấy. Đời thuở nhà ai học lớp năm, mà học đúp, cửu chương không thuộc, nhân hai số không xong, đến phép chia cũng ú ớ. Có bài toán quá đơn giản cũng không biết làm. 

Hôm nọ chị điên tiết với bài toán trong sách mà con chị ngồi hàng giờ không sao giải được. Người mẹ ngồi cạnh con. Bài toán thế này, lớp có 10 dãy bàn ghế, mỗi bàn ghế có 4 em ngồi. Lớp vừa có thêm 5 em nữa vào học. Hỏi cả lớp có tất cả bao nhiêu em?

– Để tìm 10 dãy bàn ghế có bao nhiêu em, làm phép tính gì? – Người mẹ hỏi.

– Phép cộng

– Cái gì?

– Trừ ạ

– Hả? Giời ơi!

– Nhân

– Nhân cái gì với cái gì?

– Chia

– Sao lại chia? Giời đất ơi!

Định im bặt, mặt đỏ bừng, gục mặt xuống bàn.

Người mẹ phát đét vào lưng con.

– Không học nữa. Mai nghỉ hẳn. Ở nhà hót phân! Phí cơm gạo nuôi mày!

Người mẹ kể chuyện đã qua vẫn không giữ được sự nóng giận bực tức của mình.

– Cho nó học làm gì hả cô giáo? Ở nhà cày ruộng, làm vườn. Vớ phải đứa như thế, dạy cũng phí công.

Hồng nhoẻn cười, dang tay ôm chị:

– Chắc chị quá bực mà nói vậy thôi. Ai cũng có lúc giận về con. Em cũng thế. Người mẹ nào chẳng mong con chăm ngoan, học giỏi. Em biết, chị đã thiệt thòi việc học hành…

Đúng là vì bố, mẹ già yếu bệnh tật, đông con, chị Nhuệ đang học cấp III phải nghỉ học để gánh vác nhiều việc trong gia đình.

Chị Nhuệ khẽ thở dài.

Hồng ngồi rỉ rả kể về những đứa trẻ hư hỏng ở xã mình, toàn bỏ học, do phần lớn ở gia đình. Có trẻ vì bố mẹ bỏ nhau, con chung, con riêng, cãi đánh chửi nhau, nghiện ngập rượu chè, ma túy, do người lớn mải làm ăn sao nhãng dạy bảo, quản lý con cái. Những đứa trẻ ấy hoặc trộm cắp, đi bụi hoặc chúi đầu ngày đêm vào trò chơi trên mạng, nghiện hút. Nghe xong, chị Nhuệ khẽ khàng;

– Tôi biết, cháu nghỉ học dễ hư. Chỉ có điều cháu học kém quá, có học nữa cũng vậy thôi.

– Chị nên động viên cháu, từ phép tính đơn giản nhất, đừng mắng nhiếc làm cháu dễ tủi thân, chán nản. Chị ơi, chả phải chị đâu, khối người lớn cứ lãng quên tuổi thơ của mình- Cái tuổi trong trắng dễ vui, dễ buồn. Ngày xưa còn bé, em cũng hay thế lắm, có khi còn giận và ghét cả bố mẹ. Bây giờ đôi khi muốn quát tháo hoặc phạt thật nặng đứa con mười mấy tuổi, em lại nhớ tuổi thơ của mình. Giá mà bà, giá mà bố, mẹ không thế….

– Hồi bé, tôi cũng vậy- Chị Nhuệ tiếp lời.

Cô giáo cứ nhỏ to với chị Nhuệ bao tâm tư của mình. Người mẹ hơn bốn chục tuổi được cô giáo trải lòng cũng bộc bạch tâm tư. Cô giáo nói đúng quá, trẻ thơ như tờ giấy trắng, mọi điều đều dễ in vào tâm khảm.

– Chị ơi, Định ở lớp được nhiều bạn quý lắm. Em ấy hay giúp bạn lại thật thà, dũng cảm.

– Thì nó cũng chỉ có tội học dốt thôi chứ ở nhà sai việc gì đều làm hẳn hoi. Có điều mấy hôm nay bỏ học nó cứ đi lang thang trốn mẹ. Tôi có tính nóng nảy vẫn chưa sửa được.

– Em hiểu, chị rất thương quý con. Chị yên tâm, em sẽ kèm cặp cháu. Từ tuần sau em dành vài buổi dạy thêm các em học đuối. Ở lớp cũng có mấy em như Định nhà mình. Định đi đâu rồi hả chị?

– Chắc nó lại đến nhà ông Tá ở đầu thôn ven đường. Ông ấy vừa mở quán nét gì ấy, đông trẻ con đến chơi lắm.

– Để em ra.

Quán ông Tá khá đông thanh niên và lũ trẻ. Định ngồi chầu hẫu ở góc nhà, mắt nhìn chăm chăm vào màn hình vi tính phía trước. Cô giáo đến mà chả ai để ý. Hồng tới ôm vòng tay đứa trẻ, cười:

– Cô bắt được học trò nghỉ học rồi nhé.

Định giật mình, ngượng nghịu, lý nhí:

– Em chào cô.

– Nào về nhà thôi. Mẹ em đang mong em đấy.

– Em không về. Em không đi học nữa. Mẹ em bảo thế rồi.

– Cứ biết thế đã. Em về với cô, đứng dậy nào

Định lầm lì trở ra.

Hồng dường như không để ý đến vẻ mặt đứa bé cứ vui vẻ kể chuyện trường chuyện lớp. Cô còn kể chuyện những đứa trẻ ở xã mình đã giỏi giang như thế nào, mà toàn những đứa mồ côi cha mẹ, khuyết tật. Nhiều em bây giờ đã là công nhân lành nghề, là bác sĩ, kỹ sư.

Suốt chặng đường chú bé chẳng hề cất lời. Chả hiểu em đang lắng nghe chuyện cô giáo kể hay là nghĩ về mẹ mình.

Về nhà, Định ngồi sụp xuống ghế dài cạnh bàn, đầu cúi gằm. Trông đứa con hốc hác, mặt mũi nhọ nhem, quần áo xộc xệch chỉ sau mấy ngày nghỉ học chơi la cà trong xóm, người mẹ xót xa. Chị đi tới bên vuốt mớ tóc bù xù của con, thì thầm:

– Ngày mai con lại đi học.

Đứa bé lắc đầu

Người mẹ ôm riết đứa con vào lòng.

– Mẹ có…lỗi. Mẹ giận quá nên…

Chị nghẹn ngào không sao nói hết lời.

Nắng bừng lên rực rỡ. Ánh nắng vàng tươi choàng khắp cỏ cây, mặt đất ẩm ướt. Phía đồi cây sau vườn bỗng vang rộn tiếng chim. Trong căn nhà im ắng tiếng chim mới lảnh lót, ấm áp biết bao.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh (Theo baobacgiang.com.vn)