Trịnh Công Sơn qua nét vẽ ‘một cõi đi về’
Họa sĩ Lê Sa Long (Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho biết ông đã vẽ tranh về Trịnh Công Sơn từ nhiều năm qua. Bức tranh đầu tiên về nhạc sĩ họ Trịnh lấy tên là Cát bụi (vẽ năm 1984), bức thứ hai vẽ năm 1997 khi Lê Sa Long còn là sinh viên năm 3 Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Năm ngoái, nhân kỷ niệm 19 năm Ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001-2020), họa sĩ Lê Sa Long từng tổ chức triển lãm online Lời thiên thu gọi với 29 tranh sơn dầu, và dự định khi có điều kiện thuận tiện sẽ bán đấu giá ủng hộ Quỹ Học bổng Trịnh Công Sơn.
* Cảm xúc năm 2021
Năm 2021 kỷ niệm 20 năm ngày nhạc sĩ họ Trịnh qua đời thì “niềm cảm hứng lại dâng trào trong tôi, giúp tôi có cảm xúc vẽ liên tục nhiều bức tranh mới theo chủ đề dựa trên âm nhạc và thực tế trong đời sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời” – họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần ngày 25-3.
Theo đó, tựa các tác phẩm được vẽ trước ngày giỗ 1-4 năm nay cũng được họa sĩ Lê Sa Long đặt theo tên các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn như Biển nhớ, Một cõi đi về, Từ khi trăng là nguyệt, Tôi đang lắng nghe, Biển nghìn thu ở lại, Ru tình, Như cánh vạc bay, Đóa hoa vô thường… Tranh vẽ chất liệu sơn dầu hoặc pastel, acrylic trên giấy, khổ trung bình 0,5×0,9m và 0,8×1,2m.
Trong số này có bức chân dung Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mang tên Yêu dấu tan theo. Ca sĩ Khánh Ly từ Mỹ xa xôi khi nhìn thấy chân dung của mình cùng Trịnh Công Sơn đã nhờ ca sĩ Quang Thành (người đại diện và quản lý của ca sĩ) nhắn tin cho họa sĩ Lê Sa Long rằng: “Rất hiếm họa sĩ vẽ về mình, trong khi Trịnh thì rất nhiều. Thế mà trong bộ tranh mình xuất hiện bên Trịnh Công Sơn trong 4 tác phẩm. Mình cảm ơn họa sĩ”.
Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc, họa sĩ Lê Sa Long “đã vẽ chân dung Trịnh Công Sơn bằng cảm nhận và ký ức của một người say mê nhạc Trịnh”. Thật vậy, đằng sau mỗi tranh vẽ Trịnh Công Sơn, họa sĩ đều dày công nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những tư liệu, chi tiết hay và đặc trưng về Trịnh.
* Mỗi bức tranh, một câu chuyện
Bức Biển nhớ (pastel, acrylic trên giấy) là chân dung của nhạc sĩ vẽ trên nền gồm những hình ảnh tư liệu trước năm 1975 và những câu nói nổi tiếng của Trịnh. “Tôi lấy cảm hứng bối cảnh Trường đại học Quy Nhơn (tiền thân là Đại học Sư phạm Quy Nhơn) giai đoạn 1962-1964 – là lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại đây, đồng thời thêm cảm xúc từ phố biển Quy Nhơn, vốn là nơi đã giúp cố nhạc sĩ sáng tác ra các ca khúc nổi tiếng về biển và những bài Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Cát bụi…” – Lê Sa Long tiết lộ.
Bức Tôi đang lắng nghe (pastel, acrylic) vẽ lại cảnh lúc Trịnh Công Sơn vẽ tranh. Nhạc sĩ họ Trịnh từng nói: “Hội họa là cõi trú thứ hai, bên cạnh cõi trú âm nhạc; khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi” (trích sách Tôi là ai, là ai, tuyển các bài viết của Trịnh Công Sơn và viết về Trịnh Công Sơn, NXB Trẻ, 2011). Sinh thời, ở nơi phòng khách ở tầng hai ngôi nhà 47C – Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), nhạc sĩ thường vẽ chân dung bạn bè, người quen, người trong gia đình, bạn gái… và tặng họ. Ông cũng vẽ nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sĩ: Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Giáng, Dương Tường… “Các bức vẽ (drawing) và tranh (painting) của ông tối giản chi tiết, nhiều khoảng trống đơn sắc. Những khoảng trống tham gia cùng các đường nét, màu sắc nhấn nhá tạo nên đặc trưng và thần thái của nhân vật” – họa sĩ Lê Sa Long bình phẩm.
Với bức tranh Từ khi trăng là nguyệt (sơn dầu), họa sĩ Lê Sa Long vẽ hình ảnh nhạc sĩ họ Trịnh nhìn ánh trăng như hướng về cái đẹp vĩnh hằng. Bên dưới là hoa hồng trên nền tờ giấy viết nhạc, phía xa xa là con đường đang mờ dần. “Phải chăng đây chính là con đường xa vạn dặm mà đời người ai cũng trải qua?” – Lê Sa Long tâm đắc.
Ông nhớ lại lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn từng viết: “Âm nhạc như thể là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười, có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời”, hoặc: “Số phận của một bài hát có thể trở thành số phận của một con người có được hoặc mất đi của một hạnh phúc”.
* Cuộc “hội ngộ” trong mơ: Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn
Riêng bức Một cõi đi về (sơn dầu) là tác phẩm khá độc đáo, bởi đây là “bức họa từ một giấc mơ” như cách nói của họa sĩ Lê Sa Long. Họa sĩ chia sẻ: “Đã từ lâu tôi có ý định vẽ một bức tranh về cuộc hội ngộ giữa ba nhạc sĩ lớn thuộc hai thế hệ của nền âm nhạc Việt Nam: Văn Cao (1923-1995), Phạm Duy (1921-2013) và Trịnh Công Sơn (1939-2001), dù trong thực tế điều ấy không hề xảy ra! Tính cách của các nhạc sĩ nói trên có thể khác nhau, nhưng họ vẫn gần gũi trong âm nhạc vì cả ba trọng cái tài của nhau, trân quý và tôn trọng nhau!”.
Bức tranh cho thấy trong giấc mơ của họa sĩ, ba vị nhạc sĩ ngồi cùng nhau trên “con tàu Âm nhạc” rời dần cõi tạm, phía sau là tấm màn sân khấu loang những vệt màu đỏ tươi dần khép. Lê Sa Long bộc bạch: “Nhiều khi tôi vẫn băn khoăn và tự nghĩ: các ông có lẽ là thiên sứ được đưa xuống trần gian rong chơi cùng âm nhạc, thi ca, hội họa…, xong cuộc vui rồi thì lại quay về cõi thiên thai. Trong lúc vẽ tranh, cuộc hội ngộ trong mơ giữa ba người, bên tai tôi văng vẳng tiếng đàn hát: “Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ. Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua. Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ. Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa…”.