Vòng quanh thế giới với những cách đón năm mới độc đáo
uy nhiên năm nay do đại dịch COVID-19, nên người dân trên thế giới hạn chế các hoạt động tụ tập ngoài trời mà đón năm mới tại nhà. Nhưng dù thế nào thì tựu chung lại, thời khắc giao thừa chào đón năm mới đều là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và cầu chúc những điều may mắn, tốt lành, hạnh phúc sẽ đến trong năm tới.
Australia
Australia là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Nếu như đêm giao thừa ở các nước trên thế giới thường là thời điểm của mùa Đông, thì ở Australia, thời tiết vào đêm giao thừa thường nóng, gần 40 độ C. Vì thế, mọi người thường đi dã ngoại, cắm trại trên biển, ăn mừng ngoài trời trong trang phục mùa hè. Tất nhiên không thể thiếu màn trình diễn pháo hoa trong đêm giao thừa.
Thời khắc đồng hồ điểm 0h cũng chính là lúc bắt đầu dạ tiệc ánh sáng. Cầu cảng Sydney trở thành trung tâm đón giao thừa của thế giới với những màn pháo hoa rực rỡ được truyền hình trực tiếp cho hàng tỷ người xem trên khắp thế giới.
Mỹ
Ở Mỹ vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, hàng nghìn người Mỹ thường tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc quả cầu pha lê đẹp lung linh chạm xuống đất. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne”, tung những bông hoa giấy nhiều màu sắc lên trời. Họ cùng nhảy múa theo những điệu nhạc vui và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè. Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày.
Brazil
Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới. Vào thời khắc giao thừa, mọi người thường cầu nguyện những điều tốt đẹp đến với mình trong năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khoẻ.
Venezuela
Người Venezuela có phong tục ăn 12 trái nho trong đêm giao thừa với mong muốn một năm mới đầy niềm vui, an lành. Trong thời khắc chuyển giao này, mọi người quây quần bên một bàn tiệc lớn với những món ăn truyền thống cùng chai rượu sâm banh. Một trong những phong tục nữa của đất nước thuộc khu vực Nam Mỹ này vào dịp năm mới là mọi người thường ghi những điều mình mong muốn vào một phong thư và đốt đi. Họ tin rằng nếu làm vậy thì năm mới những ước mơ đó sẽ thành hiện thực.
Pháp
Điểm thú vị trong ngày đầu năm mới tại Pháp đó là người dân nước này thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an và thời tiết có thể sẽ nóng bức. Nếu là gió Tây sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu là gió Đông, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát…
Đức
Năm mới đến, người Đức thường đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm len trong nhà, vừa để báo hiệu tiết Xuân phủ khắp đất trời, vừa mang hàm ý sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống và ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ và bước vào một năm mới với nhiều điều may mắn, hạnh phúc hơn năm cũ.
Tây Ban Nha
Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người cùng nhau ăn nho. Người nào có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ thì người đó sẽ gặp may mắn cả năm, mọi việc đều đạt như ý muốn. Một số nơi ở Tây Ban Nha còn có tục lệ trước năm mới không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười to đón năm mới để cầu mong sự an khang thịnh vượng.
Anh
Vào đêm giao thừa, người Anh tập trung ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến. Mọi người nắm tay nhau hát bài Auld Lang Syne và nhảy múa trong không khí tưng bừng, náo nhiệt đón mừng năm mới.
Theo truyền thống, người Anh sẽ có một bữa tiệc thịnh soạn vào tối giao thừa, kéo dài từ 8h tối đến sáng sớm hôm sau. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là lúc bắt đầu nghi lễ chúc mừng năm mới như mở các cửa nhà và chuẩn bị những chiếc bánh mỳ đen cho khách đến xông nhà. Người đến xông nhà không cần gõ cửa mà cứ thế đi thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Người Anh quan niệm rằng để mang lại sự may mắn và an lành cho gia chủ thì người đầu tiên bước vào nhà phải là người đàn ông trẻ trung, khỏe mạnh và ưa nhìn. Người đến xông nhà mang theo một viên than đá nhỏ, tiền, bánh mỳ và muối. Những thứ đó đều tượng trưng cho sự giàu có và sung túc. Ngược lại, người Anh kỵ người đến xông nhà là cô gái có mái tóc vàng nhạt, hoặc là người nghèo túng, vì họ cho rằng những người đó sẽ mang lại vận xui, khó khăn và vận hạn cho gia chủ trong cả năm đó.
Nga
Trong thời khắc năm mới đến, mọi gia đình ở Nga đều tổ chức đón năm mới trong không khí vui vẻ, ấm áp tình thân. Đặc biệt, gia đình nào cũng có một cây thông lớn trong nhà. Cây thông càng lớn, được trang hoàng càng rực rỡ, đẹp mắt thì gia đình đó càng có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới. Trang hoàng cây thông là công việc yêu thích của nhiều gia đình Nga, thường cha mẹ muốn dành bất ngờ cho con cái, nên âm thầm trang trí cây thông vào lúc chúng đi ngủ và đến sáng ngày đầu năm mới, chúng có một niềm vui bất ngờ đó là nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Người Nga rất chú trọng tặng quà cho con cái trong dịp năm mới. Trẻ em Nga cũng rất thích nhận được quà từ ông già Tuyết và bà chúa Tuyết trong dịp năm mới.
Armenia
Khi năm mới đến, người Armenia có phong tục cho trẻ em tập trung thành nhiều nhóm đi vòng quanh các ngôi làng và hát vang những bài hát chúc mừng năm mới tới những người hàng xóm. Trẻ nhỏ nhận được rất nhiều hoa quả như là những món quà mừng tuổi.
Năm mới, người Armenia còn có phong tục là các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, song điều đặc biệt là người vợ không bao giờ được nhận quà từ chồng, bởi họ quan niệm rằng nhận quà từ chồng có nghĩa là người vợ bị ghét bỏ. Đối với con cái, người con út sẽ đi theo người anh hay chị cả để đến chỗ người cha đang giấu những món quà bên trong chiếc áo choàng. Chúng thường hôn lên bàn tay của cha và nhận được những món quà từ cha mình.
Phần Lan
Ở Phần Lan, theo phong tục, trong những ngày đầu năm mới, người ta thả một mẩu sắt đang nóng chảy vào một thùng nước lạnh. Miếng sắt sau khi đông cứng là hình trái tim hay chiếc nhẫn thì năm tới hẳn sẽ có nhiều niềm vui bất ngờ. Nếu miếng sắt có hình dáng giống một chiếc thuyền thì năm mới sẽ có những chuyến du lịch khắp nơi, hay hình con vật là tượng trưng cho sự sung túc, no đủ…
Nhật Bản
Lễ đón mừng năm mới ở Nhật Bản được gọi là Oshogatsu. Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới vào ngày 1/1 và kéo dài tới 2 tuần. Người Nhật cho rằng vào dịp Tết, thần linh cũng như những linh hồn người thân đã mất có thể về thăm, cho nên nhà cửa thường được dọn dẹp thật sạch sẽ, trước cửa mọi nhà đều có các cành thông và tre bện vào nhau tượng trưng cho sự trung thành và trường thọ, đôi khi còn có thêm cành mận.
Sau khoảnh khắc giao thừa, trong buổi sáng tinh mơ ngày đầu năm, mọi thành viên trong các gia đình Nhật Bản cùng nhau ra đường để chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Sau đó rủ nhau lên chùa lễ Phật đầu năm, cầu nguyện hoặc đến nhà người thân, bạn bè để chúc Tết.
Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, người lớn mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè. Bên cạnh đó, vẫn có một số truyền thống khác biệt như trong những ngày đầu năm mới, các cô gái Nhật Bản sẽ ra ngoài đồng hái nhiều loại cây cỏ khác nhau và coi đây là những lá “lộc xuân”. Tới ngày mùng 7 Tết, các loại cây cỏ này sẽ đem nấu với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng.
Ấn Độ
Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày. Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn, như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.
Vào những ngày này, người Ấn Độ cầu xin vị thần của sự giàu sang và hy vọng cho họ tài lộc dồi dào hơn trong năm mới. Họ đeo những vòng hoa quanh cổ và tay trong những buổi lễ. Mỗi loại hoa tượng trưng cho một màu quan trọng trong tôn giáo. Màu hồng, màu đỏ và màu tím là tượng trưng cho thánh thần của người theo đạo Hindu còn màu vàng tượng trưng cho Chúa Trời.
Ai Cập
Người Ai Cập lấy thời điểm nước sông Nile dâng cao nhất làm ngày bắt đầu năm mới, gọi là “năm mới nước lên”. Tại một số địa phương của Ai Cập, vào dịp năm mới người ta thường cúng thần linh các loại hạt thu hoạch được như hạt đậu tương, hạt linh lăng tím, lúa mì… Ngoài ra còn có mầm cây tươi của một số loài thực vật khác để tượng trưng cho sự sung túc, dư giả. Người Ai Cập quan niệm, cúng thần linh càng nhiều lễ vật, mùa màng trong năm mới sẽ thu hoạch càng nhiều.
Ghana
Đi trên đường phố Ghana trong những ngày năm mới, mọi người có thể bắt gặp rất nhiều những mô hình nhà dựng bằng lá dừa. Trong những căn nhà này, người ta tụ tập hát hò, ăn uống vui vẻ. Món ăn ngày Tết được yêu thích của người Ghana là món gà trống rán thơm ngon. Một tập tục rất kì lạ trong năm mới ở quốc gia Tây Phi này là vào đúng thời điểm giao thừa, phải hét thật to, càng to càng tốt, bởi họ quan niệm, la hét như thế sẽ giúp trút bỏ những muộn phiền của năm cũ và đón mừng những may mắn, niềm vui của năm mới sắp đến.