Những câu nói khi giao tiếp với đồng nghiệp cần tránh

Giao tiếp trong môi trường công sở luôn đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo trong từng câu chữ.
Bạn có thể nhanh chóng “ghi điểm” với đồng nghiệp bằng vài đoạn hội thoại sắc sảo, nhưng cũng dễ dàng đánh mất sự yêu thích của họ chỉ sau một câu phát ngôn “vạ miệng”.
Dưới đây là một số câu nói đại kỵ bạn cần lưu ý cân nhắc trước khi trao đổi nơi công sở.
“Đó không phải việc của tôi”
Dù là sếp hay đồng nghiệp thì họ nhất định đều sẽ không hài lòng khi nghe bạn liên tục đùn đẩy và từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi nói ra điều này, bạn không chỉ đánh mất sự tín nhiệm mà còn có thể bị đánh giá là người lười nhác, thiếu tinh thần tập thể và bất hợp tác. Hãy nhiệt tình nhận lời và đảm nhận nhiệm vụ ngay cả khi đó không phải là trách nhiệm của bạn. Biết đâu bạn sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân hay kết thân thêm một đồng nghiệp mới về đội của mình!
“Tôi biết rồi bạn không cần chỉ bảo đâu”
Ngay cả khi bạn đã nằm lòng công việc được giao, hãy thể hiện sự tôn trọng với các đồng nghiệp đang hướng dẫn bạn bằng cách lắng nghe thật cẩn thận và tỉ mỉ. Việc dành thời gian lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác không chỉ góp phần giúp bạn hoàn thiện bản thân, mà còn tạo ra những mối quan hệ tốt giữa bạn với đồng nghiệp xung quanh.
“Hồi ở công ty cũ, tôi làm thế này…”
Chẳng ai thích bị đem ra so sánh, kể cả khi công việc họ đang làm thật sự kém hiệu quả! Nếu bạn muốn khéo léo đề xuất một giải pháp hợp lí hơn cho vấn đề ở công ty hiện tại, đừng quên dành những lời “có cánh” trước hết cho cách làm của các đồng nghiệp, sau đó hãy bắt đầu góp ý một cách nhẹ nhàng và nhạy bén. Một thái độ tôn trọng và cầu thị sẽ nhận được sự tin tưởng và thái độ lắng nghe chân thành.
“Bây giờ đã hết giờ làm việc rồi”
Untitled-design-48
Đừng vội vã tỏ rõ thái độ khó chịu và kém thoải mái của bạn khi bị đồng nghiệp làm phiền ngoài giờ làm việc! Bản thân họ cũng đang cảm thấy ngại ngần khi liên hệ bạn. Việc nhờ đến bạn chứng tỏ họ đang thật sự bế tắc hoặc cần bạn giúp đỡ thực hiện một điều gì đó. Đừng để bị đánh giá là thiếu trách nhiệm và ích kỷ như thế! Hãy bình tĩnh lắng nghe đồng nghiệp giải bày, phân tích mức độ quan trọng của công việc và cân nhắc liệu bạn có nên hỗ trợ ngay hay có thể hoãn lại đến thời điểm đi làm.
“Mức lương hiện tại bạn thỏa thuận là bao nhiêu?”
Trừ phi bạn thật sự thân thiết với đồng nghiệp xung quanh, hãy hạn chế hết mức có thể việc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như tiền lương. Có thể chính sách lương bổng ở công ty bạn sẽ khác nhau với từng chức vụ hoặc với năng lực của cá nhân. Do đó, việc bạn thăm dò lương của đồng nghiệp sẽ khiến họ cảm thấy bạn đang tìm cách “moi móc” thông tin từ họ, làm họ cảm thấy thiếu thoải mái và ngần ngại khi chia sẻ với bạn những điều họ biết trong tương lai.
“Các mối quan hệ của bạn thế nào?”
Nếu chỉ dừng ở mức đồng nghiệp xã giao chứ không phải là “chị em cùng hội cùng thuyền” gắn bó, thì việc hỏi những câu mang tính chất riêng tư cá nhân sẽ là điều đại kỵ bạn cần tránh phạm phải. Không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ về gia đình, bạn bè hay người thân của họ. Có những câu chuyện riêng tư mà đồng nghiệp của bạn không muốn cả công ty đều biết! Do đó, nếu cảm nhận đồng nghiệp chưa thật sự mở lòng với bạn, hãy chuyển hướng tìm hiểu họ qua các vấn đề chung như sở thích cá nhân hoặc định hướng công việc nhé.
Thanh Hà/TH