Chân dung người cha qua 3 bài thơ cùng tên “Cha tôi”
Năm nay, “Ngày của Cha” là Chủ Nhật, 20/6/2021. Những bài thơ viết về cha qua những góc nhìn khác nhau của 3 tác giả Lê Thành Nghị, Tân Quảng và Dương Quyết Thắng cùng mang tựa đề “Cha tôi” ngợi ca nhân cách và công lao của người cha.
Mỗi bài thơ nói lên hình ảnh người cha với hoàn cảnh, dáng vẻ, việc làm và cuộc sống khác nhau song tất cả hợp lại làm rõ lên CHÂN DUNG NGƯỜI CHA VIỆT. Đó là những con người giàu tình yêu và nghị lực, phẩm cách thanh cao trung thực, có trách nhiệm cao với quê hương đất nước, tấm gương sáng để con cháu noi theo.
“Cha tôi” của nhà thơ Lê Thành Nghị
“Cha một mình trong cơn gió ngược”là câu thơ ấn tượng trong bài“Cha tôi” nhà thơ Lê Thành Nghị nói về thân phụ của mình. Lời thơ nêu khái quát lên tinh thần và nghị lực vượt khó, lao động không mệt mỏi của người cha. Hoàn cảnh sống của cha giống như hầu hết người Việt ở thế kỷ trước rất vất vả. Tình yêu thương con giúp người cha có thêm sức mạnh vượt được mọi khó khăn, để lo cơm áo gạo tiền đảm bảo cái ăn, cái mặc cơ bản cho gia đình.
Dù xuất thân ở giai tầng nào trong xã hội, người cha luôn ý thức được vai trò đứng mũi chịu sào của mình trong mỗi tổ ấm. Bài thơ là tiếng lòng dào dạt với nhiều cung bậc cảm xúc của người con đối với cha.
Ngôn ngữ thơ gợi tả, tràn đầy xúc cảm khiến người đọc rưng rưng. Trong niềm đau, chủ thể trữ tình nhớ về cha da diết lúc sinh thời: “Cháy suốt đời con, mùa hạ cháy tàn cây / Hun hút gió Lào, ào ào bụi cát / Cha một mình trong cơn gió ngược / Nắng như nung bỏng mặt đường làng”. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, nhiều từ láy gây ấn tượng mạnh cho người đọc về sự khắc nghiệt của thiên nhiên Hà Tĩnh – quê hương tác giả.
Hình bóng người cha làm nghề dạy học hiện lên trong bài thật nhỏ bé, đơn côi giữa không gian rộng lớn ngược chiều với cơn gió Lào“nung bỏng” và bụi cát dữ dội. Điều này chứng tỏ chủ thể trữ tình đã thương cha, thấu hiểu cha đến thế nào. Mẹ mất sớm, cha sống cảnh “gà trống nuôi con”, ngoài việc lên lớp còn rất nỗ lực tăng gia vườn ruộng. Người con hiểu những gian nan cha từng trải qua để nuôi dạy các con nên người.
“Cha tôi” của nhà thơ Tân Quảng
Chân dung “Cha tôi” của nhà thơ Tân Quảng hiện lên giữa thiên nhiên khoáng đạt rất ấn tượng: “Tinh sương cha đã ra đồng/ Mặt trời lấp lóa vỡ trong rãnh cày”.
Nhờ am hiểu công việc đồng áng cùng với sự quan sát tinh tế, thi sĩ chớp được hình ảnh“mặt trời lấp lóa” gợi tả ánh sáng phản chiếu, lúc loáng lên, lúc không sau lớp đất cày vừa lật lên. Hình dáng cha ở đây tuy “người gầy chắc đanh” nhưng rõ là một lão nông tri điền thực thụ: “Bốn mùa chai cộm bàn tay / Nón mê chân đất người gầy chắc đanh / Bạc sờn áo lính mỏng manh / Nhà nghèo vách đất mái gianh tuềnh toàng”.
“Đói no thơm sạch tấm lòng thẳng ngay” , câu thơ rút trong bài“Cha tôi”, nhà thơ Tân Quảng nói về cha mình nhưng có ý nghĩa khái quát về phẩm chất chung của những người cha.
Câu thơ thấm đượm triết lý sống cao đẹp của người Việt tự ngàn đời tác giả kế thừa từ tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Con người dù ở hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng cần giữ vững bản chất trong sạch, sống thẳng ngay, trung thực.
Người con không chỉ kính yêu mà còn cảm phục, ngưỡng mộ tấm gương cha – một nhà giáo có nếp sống thanh bạch, cho dù phải trải qua rất nhiều khó khăn: “Vượt tất cả để giữ mình trong sạch / Biết mấy cam go, biết mấy can trường”. Cha là chỗ dựa, niềm tin cho con cái, đây chính là điều tri ân sâu sắc nhất của những đứa con đối với cha mình. Công lao to lớn của cha không lời nào tả hết được bởi không chỉ sinh dưỡng, nuôi dạy con nên người, cha là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để con vững tay chèo chống, vượt qua mọi thác ghềnh trên dòng sông rộng dài cuộc sống.
Những người con có thể không có biểu hiện vồ vập tình cảm bên ngoài nhưng trong sâu thẳm lòng mình luôn kính yêu, trân trọng và làm lời cha dạy bảo; biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha, coi cha là chỗ dựa tinh thần, dẫn dắt đường đi nước bước cho mình trong suốt cuộc đời. Con không chỉ kính yêu mà còn cảm phục, ngưỡng mộ tấm gương cha. Tri ân công lao trời biển của đấng sinh thành và ao ước được đón nhận tình yêu thương của cả cha và mẹ không chỉ là mong ước của riêng tác giả, đó cũng là khát vọng của mọi người con.
“Cha tôi” của nhà thơ Dương Quyết Thắng
“Đất nước chiến tranh, gác tình cảm riêng mình/ Tổ quốc gọi Cha lên đường tái ngũ” (Cha tôi – Dương Quyết Thắng ). Khác với hai nhà thơ Lê Thành Nghị và Tân Quảng, tuy không phải là thi sĩ chuyên nghiệp, Dương Quyết Thắng vẫn có bài thơ “Cha tôi” rất cảm động. Người cha lên đường đánh giặc Pháp khi tác giả mới được một tuổi đời nên hình bóng về cha chỉ hiện lên trong ký ức qua lời kể của mẹ: “Ký ức trong con vẫn còn lưu mãi/ Mẹ kể về Cha trong những đêm buồn:/ Gương mặt điển trai, ánh mắt dịu hiền/ Nhưng sâu thẳm của một người từng trải”.
Người cha ấy tham gia nhiều trận đánh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ oanh liệt, đã bị thương và xuất ngũ. Hòa bình lập lại,“Cha dành về mình nỗi gian truân vất vả,/ Mong đắp xây, hạnh phúc gia đình”. Nhưng giặc Mỹ đã thay chân Pháp xâm lược Việt Nam, “Đất nước chiến tranh, gác tình cảm riêng mình,/ Tổ quốc gọi Cha lên đường tái ngũ”. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, thiết thực và ý thức công dân cao cả, người cha lạitiếp tục cầm súng chiến đấu chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chẳng ai muốn coi việc cầm súng là gắn với cả cuộc đời mình nhưng vì “Nước có giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”, cha của tác giả Dương Quyết Thắng lại lên đường ra mặt trận trong kháng chiến chống Mỹ, tham gia nhiều trận đánh, cùng đơn vị lập công xuất sắc. Thật tiếc thương là trong chiến dịch Mậu Thân đầy cam go, người cha ấy hy sinh anh dũng, đã dâng hiến cả cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
“Đức hạnh và uy tín của người cha là di sản quý giá nhất của người con” (Roger Bacon).Đúng vậy, không chỉ những người con mà tất cả chúng ta đều ghi nhớ và tri ân tấm lòng, công đức, sự hy sinh cao cả của những NGƯỜI CHA.