Người dân Lai Xá nặng lòng với di chỉ vườn chuối
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (huyện Hoài Đức) sở hữu một kho tàng vô giá những thông tin, tư liệu thông qua các hiện vật, cổ vật,… của ba nền văn hóa Đông Sơn, Gò Mun và Đồng Đậu.
Và với những người dân sinh sống ở nơi đây, họ vẫn đang nỗ lực gìn giữ, bảo vệ di sản trên quê hương mình.
Ông Phạm Văn Hùng – Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
“Tôi muốn giữ lại, có phòng bảo tàng để thế hệ sau này đến, con cháu sau làng này đến xem duy trì và tôn trọng ở quê hương mình.”
Mong muốn giữ gìn dấu tích lịch sử, văn hóa đánh dấu sự có mặt của những cư dân Hà Nội đầu tiên không chỉ là của riêng cá nhân ông Hùng mà còn của nhiều người dân ở Lai Xá.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
“Chúng tôi chụp lại những cái bức ảnh này mong muốn ghi chép lại thời khắc lịch sử đang diễn ra ở di chỉ Vườn Chuối. giới thiệu cho người dân biết cái di chỉ này nó là sự thật, cùng nhau gìn giữ, bảo vệ.”
Em Hà Thùy Linh – Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội
“Xem ảnh thì hiểu được 1 phần nhưng nếu được trực tiếp trải nghiệm sẽ hiểu hơn nên mong muốn bảo tồn và giữ gìn.”
Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối được phát hiện từ năm 1969, đến nay tại đây đã có 10 cuộc khai quật và lần nào cũng thu được nhiều hiện vật có niên đại cách đây 2.000 – 3.500 năm, mang dấu tích của lịch sử, của văn hóa. Mới đây, UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức khởi công gói thầu Khai quật, di dời Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc phạm vi Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3.5 trên địa bàn huyện. Đây là lần thứ 11 khai quật khu vực này. Và có lẽ, việc giữ gìn những cổ vật nằm sâu dưới trong đất nhưng mang giá trị của lịch sử, văn hóa nếu chỉ dựa vào mỗi sự nỗ lực của cộng đồng người dân Lai Xá là chưa đủ.
PGS, TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản
“Sau khi khai quật xong các nhà khảo cổ và những nhà quản lý văn hóa làm thủ tục để công nhận thành di tích lúc đó, nếu như chúng ta sớm công nhận di tích lịch sử, văn hóa khi nó đầy đủ các điều kiện rồi, thì bảo tồn nó sẽ có tính pháp lý của nó.”
Có thể nỏi, sự nỗ lực của ngành chức năng, các nhà khoa học, sự hợp tác của các chủ đầu tư, doanh nghiệp và sự chung tay của người dân chính là điều tiên quyết để gìn giữ, bảo tồn Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, có thể đồng hành với sự phát triển của đô thị hiện đại./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Phạm Tuấn