“Thế giới bí ẩn” trong lòng Di sản Thành Nhà Hồ
Ngoài việc phát lộ các dấu tích kiến trúc, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một khối lượng lớn các di vật. Trong đó, vật liệu kiến trúc khá phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu và thuộc nhiều thời kỳ khác nhau.
Hố khai quật 20.TNH.H1 đã xuất lộ dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của kinh đô nhà Hồ. Ảnh: khôi nguyên
Thành Nhà Hồ “biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV; thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á…”. Đây là một trong những đặc trưng làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới; cũng đồng thời là vấn đề hấp dẫn các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, lý giải những bí ẩn về sự ra đời của tòa thành. Để từng bước làm rõ thêm đặc trưng nổi bật của di sản, bên cạnh việc nghiên cứu phần kiến trúc lộ thiên (4 cổng thành, hào thành…), việc khai quật khảo cổ đã và đang hé lộ ra “thế giới bí ẩn” nằm sâu trong lòng đất.
Dự án khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ có tổng diện tích 56.000m2, với tổng mức đầu tư 87.486.000.000 đồng, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013-2020. Trong 2 năm 2015 và 2016, đã tiến hành khai quật di tích Hào thành phía Nam với diện tích 2.000m2 và Hào thành phía Bắc với diện tích 3.000m2. Ngoài ra, trước đó, di tích Đàn tế Nam Giao và nhiều địa điểm có liên quan đến di sản cũng được khai quật, với diện tích hàng nghìn m2. Kết quả, giới chuyên gia và các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật, cùng nhiều mảng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ. Điển hình như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua… Việc phát lộ các di vật cũng là những lớp trầm tích văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam mà vương triều Hồ là một mắt xích quan trọng.
Sau một thời gian tạm dừng do thiếu nguồn lực, năm 2020, công tác khai quật khảo cổ tại di sản được triển khai trở lại, với 2 hố khai quật rộng 4.500m2 và 20.TNH.H2 rộng 3.500m2. Qua quá trình khai quật, giới chuyên gia và các nhà khảo cổ đã phát hiện một số dấu tích kiến trúc thời Lê sơ (thế kỷ 15), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 16 – 17), từ đó minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành Nhà Hồ trong lịch sử. Ngoài ra, căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí của hố khai quật ở khu vực Nền Vua (hố 20.TNH.H1), đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, bao gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 2 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Từ tên gọi Nền Vua và vị trí, quy mô, bố cục kiến trúc gợi ý, giới chuyên gia cho rằng, có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của kinh đô nhà Hồ. Với hố khai quật phía Đông (hố 20.TNH.H2), dấu tích kiến trúc của vương triều Hồ được nối tiếp thêm vào thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Qua đó, bước đầu nhận diện được 5 đơn nguyên kiến trúc thời Hồ, được kết cấu khá chặt chẽ bao gồm 1 kiến trúc chính ở trung tâm có 9 gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn và hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất hết sức quy chuẩn và cẩn thận.
Ngoài việc phát lộ các dấu tích kiến trúc, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một khối lượng lớn các di vật. Trong đó, vật liệu kiến trúc khá phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu và thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, như gạch chữ nhật đỏ, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc dây, hoa đồng tiền, hoa dây hình sin, gạch có in/khắc chữ hán, gạch vồ, ngói mũi sen, ngói phẳng và các mảnh lá đề rồng, mảnh trang trí rồng… Ngoài ra, loại hình đồ dùng sinh hoạt cũng khá đa dạng, như gốm sứ có bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc; đồ sành gồm các loại hình lon, vò, một số mảnh bao nung gốm; đinh sắt; tiền đồng…
Qua quá trình khai quật khảo cổ (năm 2020) và kết quả có được, lần đầu tiên giới chuyên gia, các nhà khảo cổ đã nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau của vương triều Hồ tại Thành Nhà Hồ. Đây được xem là nguồn tư liệu mới, có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành Nhà Hồ trong những năm tới. Là chuyên gia đầu ngành đã nhiều lần tham gia khai quật khảo cổ tại Thành Nhà Hồ, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng: Kết quả bước đầu từ quá trình khai quật đã chứng minh tiềm năng to lớn của di sản dưới lòng đất Thành Nhà Hồ. Trong tương lai, nếu từng bước nghiên cứu, có thể chúng ta sẽ dần dần khôi phục được hầu hết mặt bằng của kinh đô như kiểu Di sản thế giới Nara (Nhật Bản). Đồng thời, kết quả khai quật cũng đã minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, để Thành Nhà Hồ dần trở thành một loại hình di tích có dấu tích mặt bằng tổng thể tương đối toàn diện, độc đáo và có giá trị hàng đầu ở Việt Nam cũng như khu vực.
Dự án khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ có quy mô lớn, cần nguồn vốn lớn. Song kết quả nó mang lại cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới này. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương thu hồi các diện tích trong khu vực Nội thành, mà trước mắt là con đường Hoàng gia và một số khu vực trung tâm, để tiếp tục tiến hành khai quật khảo cổ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo tồn và trưng bày tại chỗ để phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu giai đoạn tới theo “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Báo Thanh Hóa