Dạy con tiêu tiền để rèn nhân cách cho con
Việc sử dụng tiền giúp trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, khả năng quản lý và tổ chức cuộc sống. Dưới đây là một số lưu ý khi cha mẹ áp dụng cách dùng tiền dạy nhân cách cho trẻ.
Trả tiền công cho trẻ để tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận tiền
Một trong những cách tốt nhất để tạo ra nền tảng về tài chính cho con bạn là trao cho trẻ cơ hội để quản lý tiền khi còn nhỏ. Trả tiền công cho trẻ dạy chúng về giá trị của lao động.
“Đồ chơi mới, tiền đi chơi với bạn bè, thậm chí là một chiếc xe đạp mới – trẻ phải làm việc, tiết kiệm và tính toán việc chi tiêu của bản thân. Điều này giúp chúng ý thức được giá trị của đồng tiền và học cách tiêu tiền thận trọng khi chúng rời khỏi vòng tay của bố mẹ”, Bill Engel, một nhà hoạch định tài chính cho công ty Fort Pitt Capital Group nói.
Ngoài ra, đừng quá lo lắng về việc trẻ sẽ tiêu tiền thiếu suy nghĩ trong thời gian đầu. Kể cả việc tiêu tiền vào những món đồ không có giá trị cũng sẽ dạy trẻ một bài học về quyết định của mình.
Ảnh minh họa.
Dạy sự nỗ lực bằng kiên trì kìm hãm ham muốn
Trẻ sẽ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu bố mẹ cứ cho ngay mỗi khi được yêu cầu. Vì vậy, thay vì dạy con tiêu tiền bằng cách sẵn sàng cho con tiền để tiêu vặt hay mua bất cứ đồ gì con muốn, ba mẹ hãy nhớ đừng bao giờ cho tiền ngay khi con xin. Hãy hỏi con sẽ dùng số tiền đó để mua gì, có thực sự cần thiết không, (nếu không thì phải giải thích cho con hiểu). Bằng cách này, trẻ sẽ rèn luyện được khả năng diễn đạt ý kiến, khả năng thuyết phục, và không nhiễm phải tư tưởng đòi gì được nấy.
Sau khi cho trẻ tiền, cha mẹ nên giám sát để biết trẻ có dùng tiền đúng mục đích như đã nói hay không, vì có một số trẻ nêu lý do rất chính đáng nhưng thực tế ngược lại.
Dạy trẻ biết xác định rõ nhu cầu của bản thân
Tâm lý và tính cách của trẻ nhỏ là luôn muốn mua tất cả những thứ gì mình thích. Điều này sẽ khiến trẻ trở thành người chi tiêu theo cảm xúc, không biết xác định rõ nhu cầu của mình. Là cha mẹ hãy sớm dạy trẻ xác định đúng đắn vấn đề này. Điều quan trọng bạn cần làm là nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Cần” là những thứ buộc phải có để tồn tại, còn “muốn” là những cái muốn có nhưng không phải thiết yếu. Khi trẻ đòi hỏi thứ gì, bạn nên hỏi rõ: đây là thứ con muốn hay con cần.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học North Carolina State và Đại học Texas, đối thoại với trẻ em về vấn đề tiền bạc là chìa khóa then chốt trong việc dạy con cách tiêu tiền. Cho nên hãy luôn trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề về chi tiêu. Hãy dạy con biết nói “không’ với những nhu cầu không thực sự cần thiết và biết ưu tiên cho những cái quan trọng vào thời điểm phù hợp. Với kỹ năng này, trẻ sẽ dần xây dựng được sự ổn định, an toàn về vấn đề tiền bạc, từ đó quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra bạn nên khuyến khích con ghi lại những khoản đã chi tiêu trong tháng để trẻ dễ dàng nhìn thấy được số tiền mình đã dùng, từ đó có kế hoạch mua sắm, chi tiêu hợp lý nhất cho những tháng sau.
Một bà mẹ đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng điều đó như sau: “Đây là câu thần chú tôi thường áp dụng những khi bỗng dưng thèm muốn hoặc khát khao mãnh liệt về việc “muốn” mua một thứ gì đó nhưng thực sự “không cần thiết” cho đời sống của tôi. Ví dụ, tôi đã từng rất muốn mua một chiếc điện thoại Iphone X max trong khi đó chiếc điện thoại dòng Iphone 7 của tôi hiện tại đang còn hoạt động rất tốt.
Cũng như vậy, con gái tôi phân biệt được dù cháu đang ‘thèm khát mãnh liệt’ mua một con búp bê mới nhưng thực sự cháu đang có một tủ búp bê trong đó có nhiều con chưa sử dụng tới.
Dạy con tính tiết kiệm – nền tảng của sự thịnh vượng
Tiết kiệm không chỉ là thói quen mà còn nên trở thành một nét tính cách trong các con khi trưởng thành. Đây luôn là một phần bài học không thể thiếu trong các gia đình dù bố mẹ có chủ đích dạy con về tài chính hay không. Bởi qua đó là cách tuyệt vời để hoàn thiện nhân cách cho con.
Một người mẹ đã chia sẻ như sau: Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi luôn đề cao việc con cái cần ăn uống tiết kiệm theo cách không được bỏ sót thức ăn thừa hoặc không ăn uống rơi vãi, ăn theo nhu cầu vì con biết ngoài kia có nhiều người không có miếng ăn, áo mặc. Thỉnh thoảng cả gia đình lại ngồi xem các chương trình ti vi về trẻ em miền núi vươn lên trong nghèo khó để thành công để giúp con biết chia sẻ. Một điều chúng tôi thường nhấn mạnh cho con mỗi khi đưa cháu ra ngoài mua sắm hoặc vui chơi là: “Gia đình mình cần phải tiết kiệm vì cuộc sống ở thủ đô rất đắt đỏ” hoặc là “Chúng ta chỉ mua thứ gì khi thật cần thiết thôi con nhé!”. Con đã quan sát rất nhiều về những hành vi mua sắm của cả gia đình tôi như so sánh giá cả, mặt hàng hoặc tìm những gói giảm giá, khuyến mãi. Mưa dầm thấm lâu, cháu dần dần hiểu ra bố mẹ mình đang phải sống tiết kiệm để có thể lo cho những việc lớn trong tương lai.
Từ đó, con cũng rất cẩn trọng trong mua sắm, ví dụ, khi mua đồ ăn vặt đem đến trường, cháu chọn số lượng rất vừa phải và chỉ mang một loại cần thiết theo nhu cầu. Khi thực sự thích một đồ chơi hay sách vở đắt tiền, con đã cố gắng dành dụm từng đồng trong ngân sách tiêu dùng của mình để mua vào thời điểm phù hợp.
Phương Nghi (t/h)