Khai mạc Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc tại Vĩnh Phúc
Tiết mục hát Chầu Văn – “Giá quan Hoàng Mười” do đồng thầy Nguyễn Thị Hương cùng tốp hầu dâng và phụ họa của đoàn Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Tú
Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nếu rõ: Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021 tại Vĩnh Phúc là hoạt động thiết thực kỷ niệm 5 năm ngày UNESCO công nhận nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với mục đích bảo tồn, truyên dạy và phát huy giá trị thể loại nghệ thuật hát cổ truyền hát Văn, hát Chầu Văn có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ khoảng thời gian thế kỷ XII, XIII nhằm tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân có tinh thần tương thân, tương ái, gắn kết công đồng, phát huy truyền thống dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ đất nước. Qua hoạt động trình diễn này góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa những giá trị văn hóa nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn – Di sản văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng cao đẹp của dân tộc trong giao lưu, hội nhập và phát triển. Liên hoan cũng là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, đơn vị.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định tin tưởng với tài năng, tâm huyết bảo tồn và gìn giữ vốn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các nghệ nhân, diễn viên sẽ đem đến cho khán giả nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc, thể hiện tốt nội dung, mục đích Liên hoan đề ra, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Đêm Khai mạc với các tiết mục đặc sắc được biểu diễn bởi đoàn nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã mang nét đẹp của nghệ thuật hát Văn, hát Chầu Văn đến đông đảo công chúng.
Tham gia Liên hoan năm 2021có 18 đoàn, đây là các nghệ nhân, diễn viên đến từ các Câu lạc bộ, Hội Văn nghệ dân gian của các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định…
Nội dung các tiết mục thể loại hát Văn tham gia Liên hoan có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những nhân vật anh hùng trong lịch sử, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, những thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước…
Thể loại Chầu Văn – Diễn xướng gồm 36 giá đồng trong nghi thức “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.Các đơn vị dự thi theo hình thức hát đơn, hát tập thể hoặc vừa đàn, vừa hát, có múa phụ họa (có thể đặt lời mới).
Thời lượng biểu diễn chương trình của một đơn vị không quá 30 phút; thời gian biểu diễn của thanh đồng phụ thuộc vào giá hầu.
Ban tổ chức sẽ xét tặng các giải thưởng A, B cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại liên hoan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý, trong quá trình biểu diễn, không được phán truyền hoặc thực hiện các hành vi phản cảm, mê tín, dị đoan, không sử dụng tiền để phát lộc cho khán giả.
Liên hoan diễn ra từ tối nay và sẽ kết thúc vào ngày 18/4 tại Đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.