Nghệ nhân Hương Thủy – người ‘làm cho đất nở hoa’
Không chỉ làm hoa nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Thị Hương Thủy còn sáng tạo ra những bức tranh 3D bằng hoa đất vừa hiện đại, tinh tế, mang lại cho người xem ấn tượng thẩm mỹ hết sức chân thực.
Hoa “nở” từ đất
Cửa hàng nhỏ nằm yên bình trong ngõ 67 phố Đỗ Quang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày kín các bình hoa từ nhỏ đến to, từ các loại phong lan, hoa sen, hoa hồng, thược dược, đồng tiền, đào, mai… đến hoa giấy, hoa phượng, hoa tuylip… Mỗi loại đều rực rỡ, tinh tế, được cắm và tạo dáng trên những chiếc bình bắt mắt, nhìn không khác gì những bông hoa tươi. Ở một góc nhỏ trong cửa hàng, nghệ nhân Hương Thủy vẫn đang lặng lẽ, miệt mài, tỉ mẩn với công việc hàng ngày của mình.
Lấy một nắm đất nặn, chị bắt đầu công đoạn đầu tiên là trộn màu vào đất và nhào đất kỹ, sau đó đưa đất vào máy cán mỏng, rồi lấy khuôn cắt tạo hình những cánh hoa.
Nghệ nhân Hương Thủy cho biết, đây mới chỉ là những công đoạn đầu tiên. Để có được một bông hoa đất hoàn chỉnh, còn phải trải qua từ 10-15 công đoạn khác nhau. Đầu tiên, phải pha màu vào đất nặn rồi nhào thật kỹ để màu tán đều, giống như màu hoa thật. Sau đó, dùng máy cán đất tạo độ dày, mỏng tùy theo từng loại hoa, rồi dùng khuôn để cắt từng cánh hoa, từng chiếc lá và tạo dáng cho chúng.
“Khâu tạo dáng cho cánh hoa đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, đặc biệt là các công đoạn như in gân hoa, đánh lăn tạo dáng… để khi khô lại, những bông hoa có được vẻ mềm mại, tinh tế giống như hoa thật. Sau đó là công đoạn tô màu và vẽ các chi tiết trên từng cánh hoa, nặn nhụy hoa, nụ hoa, tạo lá, cành…, sau đó ghép các chi tiết lại với nhau để tạo thành những bông hoa như ý”, Nghệ nhân Hương Thủy cho biết.
Theo nghệ nhân Hương Thủy, người làm hoa đất đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. “Làm màu đất phải chọn và nhào ra đúng màu hoa thật, có loại hoa tôi phải nghiên cứu, pha màu hàng tháng mới cho ra được một màu ưng ý. Khâu cán đất cũng cần lưu ý cán dày hay mỏng, ví dụ làm cánh hoa mai, hoa đào thì cán mỏng, làm hoa phong lan thì cán dày hơn… Ngoài ra, khâu vẽ màu và tạo vân cánh cũng là kỹ thuật khó, quá trình này sử dụng màu sơn dầu vẽ tỉ mỉ nên từng cánh hoa, yêu cầu độ tỉ mỉ rất cao”, nghệ nhân Nguyễn Hương Thủy cho biết thêm.
Từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những bông hoa phong lan các loại, từ lan hồ điệp, lan nữ hoàng, lan vũ nữ, lan hài, lan đất… cho đến các loại hoa hồng, hoa sen, hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa mua, hoa tuylip… đã “ bung nở” rực rỡ. Những bông hoa nhìn không khác gì những bông hoa tươi, thậm chí được nghệ nhân Hương Thủy tạo hình giống đến từng nếp nhăn trên cánh như hoa phượng, hoa bằng lăng, từng cái gân trên cánh hoa sen hay từng chấm đen, chấm đỏ trên những cánh hoa lan.
Không chỉ làm các loại hoa đất, nghệ nhân Hương Thủy còn nghiên cứu và làm thành công những bức tranh 3D bằng hoa đất. Chị thuê hoạ sỹ vẽ tranh theo ý tưởng, sau đó gắn vào đó những bông hoa đất thật, tạo nên một tác phẩm tranh 3D tuyệt đẹp, khi ngắm tranh, người xem có cảm giác đang đứng trong khung cảnh thật, chứ không phải là một bức tranh.
Đó là những bông hồng rực rỡ vắt ngang khung cửa sổ, lấp ló trong những tia nắng vàng nhạt, khiến người xem có cảm giác như đang đứng gần một ô cửa đầy hoa tươi. Một cành phượng đỏ rực từ trên cao sà xuống trước mặt, khiến người xem cảm giác chỉ cần với tay là có thể hái được bông phượng đỏ rực trong tranh. Hay hình ảnh về những chùm hoa lộc vừng rủ bóng xuống mặt Hồ Gươm xanh ngắt, những bông hoa sen đang vươn lên từ trong đầm…
Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang đến cho người xem những cảm xúc chân thực, sống động, mềm mại tự nhiên, gần gũi như đang được hòa mình giữa cảnh sắc thiên nhiên, chứ không chỉ là đang ngắm tranh… Sự tương tác hài hòa giữa cảnh trong tranh vẽ và những bông hoa đất do nghệ nhân Hương Thủy sáng tạo đã tạo nên vẻ đẹp nổi bật cho từng tác phẩm, mang lại trải nghiệm vô cùng thú vị đối với người yêu nghệ thuật.
Gửi tình yêu vào đất
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương Thủy sinh năm 1976, tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí. Ra trường, chị cũng từng đi làm báo nhiều năm, yêu thích hoa và cây cỏ, luôn có tình yêu đặc biệt với hoa. Vào khoảng năm 2005, chị vô tình biết đến sản phẩm hoa đất từ các nước khác, những cánh hoa được làm từ đất nhìn mềm mại, tự nhiên hơn hẳn làm bằng giấy hay làm bằng lụa đã khiến chị mê mẩn. Chị ấp ủ học và làm theo. Đến năm 2008, chị quyết tâm đi học làm hoa đất chuyên nghiệp.
“Khi đó, ở Hà Nội không có người dạy, nên tôi phải vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm thầy theo học. Nhưng con còn nhỏ, không đi xa được lâu nên tôi chỉ theo thầy học được vài buổi cơ bản, học cách chọn nguyên liệu tốt, rồi học những công đoạn cơ bản nhất để tạo ra được một bông hoa đất”, nghệ nhân Hương Thủy kể lại.
Sau khi nắm được quy trình cơ bản và các công đoạn chế tạo hoa đất, biết làm vài loại hoa thông thường, nghệ nhân Hương Thủy về nhà và bắt đầu vừa làm, vừa nghiên cứu, thử nghiệm để sáng tạo thêm những kiểu hoa, mẫu hoa khác. Chị thường đi mua những bông hoa thật về ngắm, hoặc nhìn hoa trên ảnh rồi tạo hình theo… Những bông hoa đầu tiên chị chưa thể tinh xảo như bây giờ, nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng.
“Bây giờ nhìn lại, những lọ hoa mình làm hồi ấy chẳng đẹp chút nào, nhưng không hiểu sao hồi đó mọi người rất thích, đua nhau mua, cháy hàng… thấy vậy nên mình càng có thêm động lực để cố gắng”, nghệ nhân Hương Thủy tâm sự.
Gần 15 năm làm nghề, đến nay, nghệ nhân Hương Thủy không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu loại hoa. Trong đó, có những loại hoa làm tỉ mẩn, khó như chùm hoa lộc vừng, hay bông hoa bằng lăng, hoa mua, hoa phượng, hoa sen… Chị bảo, có loại hoa chị chỉ làm một lần, như để thử sức mình, rồi gần như không làm lại nữa vì quá phức tạp và mất công. Luôn tìm tòi, sáng tạo thêm những mẫu hoa mới.
Mỗi khi ngắm được một loài hoa đẹp, chị lại miệt mài nghiên cứu kiểu dáng, màu sắc, rồi đặt thợ chế tạo khuôn, rồi lại hì hục trộn màu, tạo kiểu, thử nghiệm… “Có mẫu hoa chỉ mất vài ba ngày, nhưng cũng có mẫu hoa phải mất đến nửa năm trời mới cho ra được sản phẩm ưng ý”, nghệ nhân Hương Thủy chia sẻ.
Một trong những trở ngại lớn nhất của hoa đất là khí hậu nồm ẩm và bụi bặm ở Việt Nam dễ khiến hoa bị ẩm mốc. Để giữ tuổi thọ cho hoa đất, nghệ nhân Hương Thuỷ đã tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm trên nhiều chất liệu đất để tăng tuổi thọ và nâng cao độ thẩm mỹ cho hoa. Từ việc chọn loại đất nặn tốt nhất, sau đó chị nghiên cứu và quét lên hoa một loại sơn đặc biệt, để giữ màu, độ bóng đẹp cho hoa. Đến nay, một bình hoa đất có thể chơi từ 5-10 năm mà màu sắc vẫn gần như nguyên vẹn.
Đến nay, các sản phẩm từ hoa đất của nghệ nhân Hương Thủy đã trở nên quen thuộc, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước lựa chọn làm quà tặng cho đối tác, cho bạn bè trong những ngày lễ, Tết, hay được những người yêu hoa mua về trang trí gia đình.
Nhiều năm liền, các sản phẩm hoa đất do nghệ nhân Hương Thủy thực hiện đều nhận được giải thưởng trong cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” ngành thủ công mỹ nghệ cho nghệ nhân Hương Thủy.
Không chỉ sáng tạo với hoa đất, năm 2020, nghệ nhân Hương Thủy còn sáng tạo và làm thêm hoa giấy. Từ bàn tay khéo léo của chị, những bông hoa hướng dương, hoa thược dược, hoa hồng, hoa cúc, hoa poppy… được tạo ra từ giấy cũng tinh xảo, rực rỡ và đẹp không kém gì hoa thật.
“Làm hoa bằng giấy dễ hơn làm hoa đất, giá nguyên liệu hoa giấy cũng rẻ hơn nhiều so với hoa đất, nên giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn nhiều, như vậy, sẽ có nhiều người chỉ cần chi một số tiền vừa phải mà vẫn sở hữu được những bình hoa giấy thật đẹp để ngắm”, nghệ nhân Hương Thủy tâm sự.