Thị trường Tết Đoan Ngọ: Mua sắm online lên ngôi mùa dịch
Bên cạnh đó, nhiều chợ bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên tổ chức bán buôn hàng hóa thiết yếu và có xu hướng thu hẹp quy mô kinh doanh nhằm bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Tại chợ Bình Triệu, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh sáng nay, chỉ một số quầy hàng trưng bày, giới thiệu mặt hàng phục vụ Tết Đoan Ngọ như: bánh ú tro, cơm rượu, hoa tươi cắt cành…
Đáng chú ý, không khí bán buôn không sôi động bằng Tết Đoan Ngọ năm 2020 và người tiêu dùng mua sắm cũng khá thưa thớt.
Riêng chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, các quầy kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn hoặc nấu chín ưu tiên vị trí để bán buôn những sản phẩm bánh ú tro, trái cây… phục vụ cho thị trường Tết Đoan Ngọ năm nay.
Tuy nhiên, số lượng hàng nhập chợ không dồi dào như mọi năm, do nhiều tiểu thương dự đoán sức mua không tăng cao vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và người tiêu dùng quan ngại tập trung ở chỗ đông người.
Năm nay, đơn vị kinh doanh tham gia thị trường Tết Đoan Ngọ tung ra đa dạng sản phẩm mới như bánh ú tro nhân đậu xanh hạt bí, bánh ú tro nhân sầu riêng hạt bí, bánh ú tro nhân lá cẩm… Những sản phẩm này, có giá bán phổ biến dao động ở mức từ 70.000 – 100.000 đồng/12 cái.
Ngoài ra, trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh còn có một số sản phẩm đặc biệt như bánh ú tro lá dứa không nhân có giá bán 50.000 đồng/10 cái, bánh ú tro nhân thịt thập cẩm 25.000 đồng/cái, bánh ú tro nhân trứng vịt muối 50.000 đồng/cái…
Ở mặt hàng cơm rượu, cùng với những mặt hàng truyền thống như: cơm rượu có màu trắng, vàng, thì năm nay thị trường Tết Đoan Ngọ tại Tp. Hồ Chí Minh có xuất hiện thêm cơm rượu màu tím được chế biến từ nếp than, lá cẩm.
Mặt hàng cơm rượu được kinh doanh phổ biến với hình thức đóng hộp có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/hộp, tùy theo loại.
Chị Hà Minh, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ là ưu tiên kinh doanh mặt hàng bánh ú tro và cơm rượu để tăng doanh thu.
Riêng năm nay, tiểu thương không dám nhập hàng nhiều và giảm số lượng hơn 50%, vì sức mua tại chợ truyền thống ảm đảm trong nhiều tháng qua.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, người dân có xu hướng chuyển sang mua sắm online và đặt hàng qua kênh thương mại điện tử nên sức mua tại chợ truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt. Hơn thế nữa, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng kinh doanh đa dạng mặt hàng, kể cả những sản phẩm thời vụ như Tết Đoan Ngọ. Đồng thời, có lợi thế nhận đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi nên khách hàng ưa chuộng hơn”, chị Hà Minh chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, một số tiểu thương chợ Tân Định, Quận 1 cũng cho hay, dịch bệnh kéo dài trong suốt thời gian qua, nên đơn vị bán buôn phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động kinh doanh, trang trải chi phí đầu vào như tiền thuê mặt bằng và nhân công.
Tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống còn bị các cửa hàng đặc sản, chuyên kinh doanh thực phẩm đặc sản chiếm lĩnh thị phần với lợi thế quảng cáo, tiếp thị tốt hơn.
Khảo sát thực tế tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay cũng cho thấy, ngành hàng trái cây, hoa tươi cắt cành… có nguồn cung dồi dào và giá cả không tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặt hàng trái vải có giá bán phổ biến 40.000 đồng/kg, sầu riêng 110.000 đồng/kg, măng cụt 60.000 đồng/kg, thanh long 18.000 đồng/kg, bưởi da xanh 35.000 đồng/kg…
Ở ngành hàng hoa tươi cắt cành, mặt hàng hoa cúc các loại có giá bán phổ biến 30.000 đồng/bó, cát tường 35.000 đồng/bó, cẩm chướng 40.000 đồng/bó, đồng tiền 3.000 đồng/cành, hướng dương 2.000 đồng/đồng…
Vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, không thể không thiếu lá xông, nên hầu hết đơn vị kinh doanh ngành hàng hoa tươi cắt cành cũng nhập sản phẩm này về kinh doanh với giá dao động ở mức từ 20.000 – 35.000 đồng/bó.
Cũng như những ngành hàng khác, tiểu thương ngành hàng hoa tươi cắt cành chỉ nhập hàng về chợ đủ số lượng và không dự trữ vì dự báo sức mua thị trường không khả quan.
Về phía người tiêu dùng, anh Văn Duy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh cho rằng, hiện nay có nhiều đơn vị chuyên kinh doanh gói sản phẩm dành cho ngày lễ, Tết trong năm nên rất tiện lợi cho người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, các đơn vị chuyên kinh doanh này đưa ra những mẫu sản phẩm được thiết kế sẵn theo phong tục, tập quán vùng miền hoặc nhận đặt hàng theo yêu cầu nên rất tiện lợi cho khách hàng lựa chọn.
Theo anh Văn Duy, thay vì phải đi chợ hay vào siêu thị chọn lựa mua từng sản phẩm đủ cho ngày lễ, Tết thì mua sắm theo gói và nhận hàng tại nhà vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Mặt khác, giá của những sản phẩm này cũng không cao hơn so với việc người tiêu dùng tự đi mua là bao nhiêu.
Điển hình, các đơn vị chuyên kinh doanh gói sản phẩm dành cho Tết Đoan Ngọ tại Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu gói gồm: 10 cái bánh ú tro 10 cái, 1 kg vải và một bó hoa tươi cắt cành chỉ có giá 150.000 đồng.
Hay gói sản phẩm gồm: 10 cái bánh ú tro, 1 kg măng cụt và một bó hoa tươi cắt cành có giá 200.000 đồng. Ngoài ra, nếu khách hàng yêu cầu thêm cơm rượu, lá xông thì các gói có giá dao động từ 250.000 – 500.000 đồng.
Khi mua sắm sản phẩm phục vụ cho dịp Tết Đoan Ngọ năm nay qua kênh mua sắm như thương mại điện tử, đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội, group cộng đồng dân cư… người tiêu dùng không chỉ được giao hàng tận nơi, mà còn được yêu cầu khung giờ phù hợp để nhận hàng thuận tiện nhất có thể.
Do đó, so với mạng lưới chợ truyền thống, các kênh mua sắm này có phần sôi động và chiếm lĩnh thị phần nhiều hơn.
Trong văn hóa người Việt, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người dân thường chuẩn bị lễ cúng với đa dạng sản vật như lá xông, hoa tươi, trái cây, bánh ú tro, cơm rượu, xôi vò…
Theo đó, vào dịp này, tất cả nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương, đơn vị kinh doanh… đều chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và tung ra cho người dân mua sắm.
Lan Anh