Vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy
Tuy là vở diễn đề tài lịch sử theo kịch bản cũ, song Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế giới trẻ là vở diễn hoàn toàn mới, không bị rơi vào lối mòn và phong cách của những bản dựng trước đó của các nhà hát, thể hiện được sự khác biệt và những sáng tạo độc đáo của đạo diễn và tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ. Phản ánh về một giai đoạn lịch sử chuyển giao giữa hai triều đại với những bi kịch cung đình và thân phận con người trong vòng xoáy quyền lực, nhưng vở diễn lại không để người xem rơi vào quá khứ nặng nề, bi lụy mà vẫn lấp lánh những khoảng lắng trữ tình, những trào dâng cảm xúc của ý thức trách nhiệm, biết trọng lợi ích của quốc gia, của những bản tình ca. Cho dù biết rằng, những nỗi đau của mỗi cá nhân, mỗi thân phận con người sẽ rồi như hạt cát nhỏ bồi đắp dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Nội dung vở diễn xoay quanh những âm mưu cung đình trong thời điểm nhà Trần thay thế nhà Lý với nhân vật trung tâm là Lý Chiêu Hoàng – nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là cuối cùng của nước ta thời phong kiến tự chủ, đầy truân chuyên, chìm nổi theo thời cuộc. Vở Thành Thăng Long thuở ấy đã tái hiện hình ảnh một Lý Chiêu Hoàng trên ngôi vị vương quyền mang nỗi đau dằn vặt của một tội nhân để mất vương triều vào tay dòng họ khác, vua cha bị bức tử, bản thân mất đi đứa con trong bụng khi chưa kịp chào đời, rồi bị ép rời bỏ tình yêu, rồi phải rời bỏ cả ngôi hoàng hậu để người khác thế chỗ… Trong những biến động khắc nghiệt của lịch sử, Lý Chiêu Hoàng và những người phụ nữ khác như hoàng hậu Trần Thị Dung, công chúa Thuận Thiên… đều không tránh khỏi những bi kịch trên bàn cờ thế sự, đổi thay giữa hai vương triều. Theo tác giả, nhà viết kịch Chu Thơm, nỗi đau và mất mát của Lý Chiêu Hoàng có thể dễ nhìn thấy, nhưng cái khó thể hiện nhất chính là niềm u uất trong suốt cuộc đời bà với tình yêu và những niềm hạnh phúc, khổ đau. Tuy nhiên, đối diện với nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua ấy, vẫn hiển hiện một Lý Chiêu Hoàng mạnh mẽ, sắc sảo và cá tính, biết hy sinh vì đại cuộc của dân tộc và đất nước. Bằng lý trí sáng suốt của mình, bà vẫn nhận ra cái tài trị nước của Trần Thủ Ðộ và biết chỉ có ông mới mang lại được sự ổn định trong bối cảnh suy tàn của nhà Lý. Yêu Trần Cảnh, nhưng bà lại chấp nhận những nghịch cảnh, dời đi để nhà vua củng cố quyền lực, tập trung xây dựng đất nước, chuẩn bị chống giặc ngoại xâm đang lăm le ngoài bờ cõi. Ðó là một tình yêu cao cả mà thầm lặng nhưng ít người thấu hiểu. Ðể có được thành công của vở diễn, phải kể tới diễn xuất tài năng của NSND Hoàng Yến trong vai Lý Chiêu Hoàng xuyên suốt cuộc đời thăng trầm của nhân vật từ khi trẻ đến trung niên và lúc về già. Bằng từng hành động kịch, ánh mắt và lời thoại thấm đẫm cảm xúc, người nghệ sĩ diễn như “rút ruột” tự đáy lòng, cho thấy tâm tư, những nỗi đau của phận nữ nhi và cả khí chất khảng khái của một công chúa, một nữ hoàng triều Lý.
Bên cạnh diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ, một trong những yếu tố góp phần mang lại thành công của vở diễn là các sáng tạo mới trong thiết kế, trang phục và âm nhạc. Cảnh trí sân khấu được tối giản với hai bục trắng trên nền phông sẫm màu, có thể vận dụng linh hoạt tùy theo từng phân cảnh và phù hợp nội tâm nhân vật. Trang phục của các nhân vật chủ yếu có hai mầu đỏ và đen, vẫn bảo đảm được sự sang trọng chốn cung đình, vừa thêm phần ấn tượng ở một vở diễn nhiều bi kịch chính trường. Ðặc biệt, đạo diễn đã mạnh dạn kết hợp yếu tố hiện đại trong âm nhạc vở diễn khi đưa cả đọc rap vào cho nhân vật người chép sử cùng những bản tình ca đẹp, nâng đỡ cảm xúc người xem. Những thử nghiệm này góp phần giảm bớt sự nặng nề, khô khan của một vở chính kịch lịch sử, mang đến không khí tươi mới, thu hút khán giả, nhất là giới trẻ.
Thành Thăng Long thuở ấy là vở diễn tiếp nối chuỗi kịch lịch sử trên sân khấu xã hội hóa của Nhà hát Thế giới trẻ và sẽ được diễn định kỳ thứ năm hằng tuần tại rạp diễn của nhà hát. Nhà hát cũng dự kiến đưa vở diễn vào phục vụ tại các trường học theo hợp đồng tại TP Hồ Chí Minh.